Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhớ tiếng trẻ thơ nơi rừng thẳm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vài tia nắng vàng vọt ló ra chưa kịp nhuốm vàng mặt đất đã bị đám mây màu khói đèn nuốt chửng. Không gian bất chợt tối sầm. Rừng vật vã, trắng nhợt dưới làn nước mịt mùng. Vệt đường lọt thỏm giữa hai bờ cây cao vút trước mặt chúng tôi bỗng chốc thành con sông nhỏ. Chiếc U oát nhảy chồm chồm, nghiêng ngả như chú cóc giữa dòng nước đỏ ngầu bùn đất. Trái với sự lo lắng của chúng tôi, người lái xe vẫn tỏ ra bình thản: “Dẫu sao thì bây giờ thế cũng đã lý tưởng lắm rồi. Một năm trước, con đường còn chưa có hình thù nữa kia”.
Đấy là năm 1999, khi Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) bổ nhát cuốc đầu tiên xuống vùng đất Mo Ray. Trái với sự “lạc quan” của tài xế, được chừng 3 cây số nữa thì xe bị sụp lầy. Hết tiến lại lùi, xoay trái rồi xoay phải, chiếc U oát vẫn chôn chân giữa vũng bùn đặc quánh. Sốt ruột, Giám đốc Nguyễn Xuân Minh giành lấy tay lái. Báo hại thêm là bởi đánh lái quá tay, vô lăng bị kẹt. Vậy là người lái xe đành trải ni lông nằm ngửa trên vũng bùn để sửa. Cho đến sẩm tối, chúng tôi mới thoát được quãng đường kinh khủng. Tuy nhiên, ấn tượng của tôi hôm ấy không phải là xe mình bị sụp lầy mà là chiếc xe chở công nhân mới tuyển đi vào cũng chung cảnh ngộ. Họ hầu hết là các cô gái trẻ. Mặc các bác tài hì hụi gạt bùn, chèn đá chống lầy, các cô cứ thản nhiên ngồi trên xe khóc sướt mướt. Tôi thầm nghĩ chẳng biết rồi trong số họ còn được mấy người dám trụ lại chốn thâm sơn cùng cốc này?
Một góc xã Mo Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Phúc Lập
Một góc xã Mo Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Ảnh nguồn internet

Nhưng sự dự cảm của tôi còn xa hiện thực cuộc bám trụ gian nan để lập nghiệp trên vùng đất mới. 10 năm sau trở lại, tôi mới được nghe chuyện của những công nhân giờ đã là ông bố, bà mẹ có con học tới lớp 4, lớp 5… Đội 1 có 62 công nhân, chủ yếu quê ở Quảng Bình. Nếu nguyên vẹn phải hơn 80 người. Anh Nguyễn Quang Dũng-công nhân Đội 1 kể: Em vốn là dân chài lưới nên cứ hình dung vùng đất mới là “công trường rộn tiếng ca”. Đến nơi hóa ra chỉ một màu rừng hoang lạnh. Mùa mưa, đất trời sũng nước, cả công ty là một ốc đảo. Mùa khô nắng bỏng da, muôn vật như bị xé ra trong miên man những cơn gió man dại. Có người bảo: “Đất này họa chăng chỉ có trồng được cây… cột điện. Chuồn khỏi nơi này là đắc sách”. Cùng xã với anh Dũng, đi 8 người thì 4 bỏ về. “Thực tình là em bấy giờ cũng rất hoang mang. Nhưng rồi lại nghĩ, sau công ty còn cả Binh đoàn. Vả chăng sức trẻ mà làm không nên ăn thì nhục quá”-anh Dũng nói. Nhưng đã xác định ở lại thì phải an cư. Bấy giờ, công ty có phong trào “Vườn nhà trước, vợ chồng sau”. Vườn nhà không khó, “nửa kia” mới khó… Lúc tuyển quân, tỷ lệ nam nữ tương đương nhưng việc bỏ về của nhiều người đã làm lệch. Thế là bắt đầu thời kỳ “nở rộ tình yêu”. Mỗi đợt sinh hoạt tập thể, mỗi cuộc giao lưu đều là những cơ hội quý giá để gặp gỡ, làm quen. Tìm được “đối tượng” đã khó, đến với nhau cũng chẳng dễ dàng… Đội này cách đội kia hàng chục cây số, ra khỏi khu tập thể là mịt mùng rừng. Mà hồi ấy ngay nơi ở, đêm đêm cọp còn về rình bắt heo sau nhà. Tư lệnh Binh đoàn lên thăm, hỏi công nhân có nguyện vọng gì cấp thiết nhất. Không đôi hồi, các cô nói thẳng: Xin Tư lệnh tuyển nhiều công nhân nam vào để chúng em có cơ hội lấy được chồng… Còn giám đốc thì tuyên bố: Ai về quê lấy được vợ mang vào, công ty sẽ chi tiền tàu xe và thưởng luôn 1 triệu đồng!  

Nhưng cuộc sống vốn có những điều kỳ diệu hơn ta nghĩ. Điều kỳ diệu ở đây là tình yêu đã xóa nhòa mọi ranh giới miền quê, dân tộc để không ai phải lẻ bóng trên đời. Chỉ một đội 2, tình yêu đã kết trái 6 miền quê, 5 dân tộc. Mối tình của chàng trai Jrai bản địa A Thẻo với cô gái người Dao Triệu Thị Liên chỉ là một thí dụ... Suốt 5 năm ròng giữa ốc đảo không điện, không trường, không chợ búa, nếu không có điểm tựa tình yêu chắc chắn sẽ không có cuộc sống hôm nay…
Đã hơn 10 năm rồi tôi chưa có dịp trở lại Mo Ray. Cuộc sống bây giờ đương nhiên là đã đổi thay nhiều. Dẫu vậy, như một chất xúc tác, tiếng trẻ thơ năm ấy thỉnh thoảng lại khiến tôi nhớ về bao nhiêu vùng đất đã từng một thời như thế: Chư Prông, Kbang, Ia Grai... Hàng vạn con người đã khởi đầu nên những công ty, nông-lâm trường chỉ từ một màu rừng hoang lạnh, từ cuộc sống gần như một con số không, đối diện với họ còn là sốt rét, là hiểm họa bom mìn trong lòng đất… Những con người kiên gan bám trụ bấy giờ cũng từng ước ao bình dị là được nghe một tiếng trẻ. Nhưng rồi cuộc sống đã không ngừng sinh sôi nảy nở và những ước mơ nhọc nhằn nhất cũng đã lùi về quá khứ. Mo Ray có lẽ là vùng đất cuối cùng ở Bắc Tây Nguyên mà tiếng trẻ thơ còn gợi lên trong lòng người một niềm xao xuyến thế.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm