Xã hội

Đời sống

Nhớ về chú Hoàng Thanh Hà-nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi biết chú Hoàng Thanh Hà từ khi ông còn làm Trưởng ban Binh vận tỉnh ở trong Căn cứ địa cách mạng Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang). Đó là dịp chuẩn bị tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm của Ban vào cuối năm 1973.

Ông tổ chức cuộc họp cán bộ, nhân viên của các địa phương và cơ quan tăng cường để phục vụ cho hội nghị. Khi bàn đến những phần việc trong hội nghị, ngoài đảm bảo về nội dung là quan trọng, còn có đảm bảo lương thực, thực phẩm sao cho “tươi” hơn những bữa ăn thường ngày, rồi chương trình văn nghệ do Đoàn Văn công của tỉnh thực hiện và có chiếu phim. Mà tất cả những việc “đảm bảo” đó còn ở... dưới Bình Định và trong các làng đồng bào Bahnar quanh vùng.

Ông Hoàng Thanh Hà khi còn trẻ (ảnh gia đình cung cấp).

Ông Hoàng Thanh Hà khi còn trẻ (ảnh gia đình cung cấp).

Trong cuộc họp “nhóm phục vụ” nói trên, tôi mạnh dạn xin đi Bình Định cùng nhiều anh chị để cõng hàng. Chú Hà nhìn tôi vẻ ái ngại cho cậu nhỏ ốm yếu, nhưng rồi, tôi cũng được đáp ứng nguyện vọng. Ông nói chuyện hết sức nhẹ nhàng, thân tình, ngắn gọn, nhưng việc của ai cũng được chỉ rõ ràng, cụ thể. Mọi người đều vui vẻ chấp hành. Sau này, khi gắn bó với công tác văn phòng cấp ủy trong vòng 10 năm, tôi càng hiểu rõ hơn phong cách làm việc của ông.

Tôi nhớ, ở Văn phòng Tỉnh ủy những năm cuối thập niên 70 đến cuối thập niên 90 thế kỷ trước, hàng tuần thường có 2 cuộc giao ban: giao ban lãnh đạo cơ quan vào sáng thứ hai và giao ban Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào sáng thứ sáu. Giao ban về công việc của cơ quan do chú Nguyễn Hồng Minh-Phó Chánh Văn phòng chủ trì. Thỉnh thoảng, chú Hà ghé qua, nói vài ý các công việc của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chung trong tuần cho anh chị em chúng tôi nắm được. Chú cũng nói ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu...

Phòng làm việc ở khu 20 Lê Hồng Phong (thị xã Pleiku) luôn được chú chọn vị trí “trung tâm”, giữa 2 phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các phòng lân cận là Phó Chánh Văn phòng phụ trách nghiên cứu tổng hợp, các chuyên viên nghiên cứu và Phòng Cơ yếu làm việc. Chú nói đó là khoa học nhưng cũng tiện cho anh em khi cần bàn bạc trao đổi công việc.

Có một giai đoạn khá dài, tôi là Phó Trưởng phòng Hành chính-Cơ yếu, Thư ký Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan. Vì vậy, tôi có điều kiện làm việc gần gũi với chú Hà hàng ngày nên đã học được ở chú rất nhiều điều trong công việc, trong cuộc sống đối nhân xử thế. Ông luôn nhắc nhở đối với công việc chuyên môn, cơ yếu là hết sức quan trọng, không được viết sai một dấu phảy, một từ chứ chưa nói đến sai một câu, cho nên phải cẩn thận, xem đi, đọc lại cho kỹ khi dịch-chuyển điện đi cũng như nhận điện đến. Trừ những bức điện gửi cho cá nhân, còn lại mọi văn bản, giấy tờ, công điện dù có độ mật cấp nào, theo quy định cũng đều chuyển qua Chánh Văn phòng.

Về mặt kỹ thuật chuyên môn, tôi không giỏi hơn nhiều anh em trong phòng. Nhưng những bức điện văn đi-đến, tôi đều phải đọc qua và trực tiếp trình lên Chánh Văn phòng. Ông đọc lướt qua và bảo trình cho ai xử lý thì chúng tôi mới thực hiện. Với chú Hà, tôi cảm nhận chú ít có thời gian nghỉ ngơi, đến cơ quan là ngồi ngay vào bàn làm việc. Những văn bản quan trọng chú thường đọc rất kỹ, nếu là bản thảo đôi khi sửa chi chít, chữ viết nhỏ li ti và... không được đẹp. Nhân viên cơ yếu chúng tôi hoặc nhân viên đánh máy chữ mới có thể “luận” ra nhanh chóng, thế nhưng có câu, chữ phải nghĩ mãi mới hiểu ra. Nhiều người chưa biết, có thể nghĩ ông khó tính hoặc... xem thường người nói chuyện đối diện, nhưng không. Chú Hà có biệt tài có thể vừa viết theo mạch suy nghĩ của mình, vừa nghe, vừa nói... Rồi thế nào ông cũng sẽ ngước lên và hỏi: “Cậu/cô... nói hết chưa?”. Và ông trả lời/góp ý rành mạch từng việc một.

Có lần, tôi đến báo cáo với ông vài việc của Phòng Hành chính-Cơ yếu phải giải quyết trong tuần. Thay vì ngồi ghế chờ, ông bảo cứ nói, tôi lại gần, đứng sau lưng, liếc mắt nhìn xem ông đang viết gì và nói từng việc mà tôi đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo. Tôi nhìn thấy, khi tôi nói đến một việc, ông đánh dấu một ký tự vào bên lề văn bản ông đang viết, cứ thế...

Tôi cũng đã từng là nhân viên đánh máy chữ, nhân viên ghi tin chậm trên đài phát thanh, nhiều khi đang làm mà ai đó nói câu gì tôi đánh máy hoặc ghi luôn câu ấy vào văn bản. Nhưng chú Hà thì không. Sau này được đi học một lớp bồi dưỡng công tác thư ký, trợ lý lãnh đạo, tôi mới hiểu vì sao chú Hà lại có biệt tài như nói trên. Sức đọc tài liệu và nhớ nội dung của chú cũng rất đáng khâm phục, văn bản tài liệu ngày xưa hoặc đánh máy chữ hoặc quay ronyo, lem nhem, mờ nhạt trên giấy thô, thế mà chú vẫn không bỏ sót một văn bản nào khi tiếp nhận.

Kể chuyện về chú Hoàng Thanh Hà-Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, với tôi có lẽ không bao giờ hết và đủ. Nhưng cũng xin tiết lộ đôi dòng về việc riêng tư của chú mà một trong những nhân viên làm việc bên cạnh chú hàng chục năm, được nghe đôi khi chú kể, chắp nối lại, có thể độ chính xác không cao, mong gia đình và bạn đọc thứ lỗi, nếu có sơ sót...

Năm 1982, tôi là 1 trong 2 người được Công đoàn tỉnh lựa chọn để cử đi học nước ngoài. Khi ấy, vợ tôi đang theo học ở Trường Văn hóa Trung II ở phía Nam, con lại còn rất nhỏ. Cuối buổi, ông gọi tôi lên phòng làm việc. Đợi một lúc không thấy ông nói gì, chỉ cười và bảo: “Cháu đi lấy chai rượu lên đây”. Tôi nghĩ mãi, việc này ông thường gọi nhân viên phục vụ, sao nay? Sau ly rượu, ông kể, ngày xưa chiến tranh, không có điều kiện, chú già rồi mới lấy được vợ, là cô bây giờ ấy, còn trước nữa thì có lẽ các cháu biết rồi. Tôi nhẩm tính, chú Hà lớn hơn cha tôi 2 tuổi, ông sinh năm 1927, đúng là ngoài 40 mới ưng cô Hưu, trong căn cứ Khu 10.

Dừng một lúc, chú nói tiếp, giờ các cháu có điều kiện, lập gia đình sớm, muốn có được gia đình hạnh phúc thì phải lo chăm sóc cho chu toàn. Giờ vợ cháu còn đang đi học, phụ nữ khác mình, họ không có điều kiện học hành vì còn bận rộn chồng con, giờ không học, sau này không có điều kiện học nữa. Cho nên, cháu để cho vợ cháu học xong đã, giờ gọi về giữa chừng, để chăm sóc con và gia đình cho cháu đi học nước ngoài thì uổng. Đi nước ngoài cho biết đó biết đây thì cháu còn có điều kiện sau này sẽ đi. Còn chuyện học thì học trong nước hay nước ngoài cốt ở mình có học được gì, chứ không phải học ở đâu...

Vài ly rượu nữa, chú kể thêm, tôi còn nhớ chú kể mình tham gia hoạt động cách mạng sớm, làm nhiều việc ở quê Hoài Ân, rồi sau Hiệp định Genève thì đi tập kết, học thêm; làm việc được ít lâu ngoài Bắc thì lại được về Nam và về Gia Lai... Khi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 5/85 của Tỉnh ủy về giải quyết vấn đề FULRO, chú Hà được phân công làm việc khác, chú Nguyễn Thanh Bình-Giám đốc Sở Giáo dục về thay.

Khi hay tin chú bị tai nạn và không qua khỏi ở tuổi chưa... nhận sổ hưu, đến thắp nén nhang vĩnh biệt chú ở nhà riêng trên đường Phan Đình Phùng (thị xã Pleiku bấy giờ) mà lòng tôi vô cùng xúc động. Bây giờ, mỗi khi anh chị em chúng tôi, những người đã từng làm việc cùng chú Hà ở Văn phòng Tỉnh ủy có dịp gặp nhau, lại nhớ về ông với bao kỷ niệm vui buồn, sướng khổ một thời.

Có thể bạn quan tâm