(GLO)- Dẫu lập nghiệp trên mảnh đất Tây Nguyên nắng gió nhưng người xứ nẫu (Bình Định, Phú Yên) luôn đau đáu nỗi niềm thương nhớ quê. Để rồi lại thấy cụm từ “xứ nẫu” chân chất thân thương và đặc biệt đến thế. Những âm sắc tiếng nẫu nặng trịch, ngắn cụt, cộc cộc: dễ òm, chưng hửng, hé, hử, nố, dẫy ngheng… có thể vơi bớt ít nhiều nhưng khí chất ăn sóng nói gió thì không bao giờ phai. Nơi chôn nhau cắt rốn luôn thăm thẳm, vời vợi nên xứ nẫu cứ lấp lánh trong mắt những đứa con xa quê.
Ngược dòng thời gian, chuyện vùng đất, chuyện ông bà qua giọng kể cha tôi trầm trầm. Thời chúa Nguyễn Phúc Chú, các đơn vị hành chính như “thuộc”, “nậu” bị xóa bỏ. Khái niệm thành tố cấp hành chính “nậu” bị biến nghĩa, dùng để gọi người đứng đầu trong một đám người và sau này trở thành “nẩu”, dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba. Do đặc trưng ngữ âm, người dân không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “nẩu” dần dà qua thời gian đổi thành “nẫu”.
Xứ nẫu đằm sâu trong tim bao đứa con lớn lên đi xa rồi trở về. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm |
Xứ nẫu đằm sâu trong tim bao đứa con lớn lên đi xa rồi trở về. Qua dòng máu cha truyền, qua những câu chuyện cố hương của cha, ân tình xứ nẫu đượm vào tim, khắc nhớ. Khi ký ức gợi mở đường tìm, nhớ lúc cha rời xa xứ nẫu, phải lòng Pleiku, buộc tình vào nhau với má ngày Phố núi rưng rức, mưa đổ trút lòng nhau. Ngày cha đi, biển vẫn rì rào vỗ sóng, hàng dương liễu vun vút mơ mải trong chiều gió muộn.
“Tha hương ngộ cố tri”, gặp chị bạn đồng hương ngay giữa Pleiku trong Ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa-Phú Yên, lòng vui sướng rộn rã, cả một khoảng trời thương nhớ thức dậy. Tôi gặp hồn quê qua mẹt bánh cốm của chị, mùi bánh cốm thơm hương mật mía. Chỉ vài câu chuyện hồn hậu, chất phác, gần gụi mà tưới mát hồn tôi biết nhường nào.
Hằng hà hạt cảm xúc về xứ nẫu sống dậy trong tôi khi mùa hè nắng như đổ lửa. Ngày ấy, theo cha về quê, tôi không thể nào quên con đường ngoằn ngoèo, thăm thẳm chạy dọc triền sông nắng chang chang. Bên kia bờ là những màu mỡ ruộng nương xanh màu rau trái,mùa nào thức ấy. Tháng ngày thương khó, ruộng nào còn lúa, đồng nào đường xa, ai cực khổ dưới nắng trưa hè.
Tôi nhớ những buổi chiều tà cắp chiếc rổ tre theo nội đi hái lá giang về nấu canh. Tôi nhớ nụ cười tỏa nắng của nội trong bữa cơm dưới mái nhà tôn hập nóng, chan tình nội trong bát canh độc lá giang thêm một ít muối và bột ngọt. Nhiêu đó thôi, vậy mà là nỗi nhớ thương da diết, cồn cào theo tôi suốt những năm xa nội. Đâu đó vọng lại tháng ngày xanh xưa làm mắt cứ cay cay sóng khói, ẩn chìm trong những bước chân đường xa trở về mong ngóng, mừng tủi.
Trước tịch lặng của thời gian, giữa trập trùng đan nhau sóng nước, trái tim xôn xao, không thể tả xiết bằng lời. Với những lá cỏ, bờ cây thăm thẳm nhớ, tôi tin rằng, trong tim ai cũng luôn đau đáu một vùng quê, một thanh âm luyến lưu, một người thương nhớ để khắc khoải, hoài niệm. Mới hay khi lơ đãng, đôi mắt xa xăm dõi nhìn chi đó mơ hồ, biết lúc ấy, khoảnh ấy đang mênh mang, bồi hồi thả hồn về với xứ nẫu yêu thương.
Xét cho cùng, mọi hành trình ngang qua, mọi dặm dài xa ngái, cái mà người ta vẫn luôn đau đáu là hướng về nguồn cội, tổ tiên. Vì vậy, mãi là tôi thuộc về nơi ấy, là người con xứ nẫu thân thương. Và, tôi chợt nhớ những câu hát của Trịnh Công Sơn: “Bao nhiêu mùa gió bay trong lòng quê hương/Mang qua bao thôn xóm những câu chuyện ngày thường/Cho em yêu mãi nhé những tâm hồn cỏ non”.
NGUYỄN THỊ DIỄM