Phóng sự - Ký sự

Nhọc nhằn giấc mơ sâm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong giấc mơ ngàn năm ở vùng sâm, người Xê Đăng hay Ca Dong đã ước tới một ngày giàu lên từ núi, cuộc sống được đổi thay từ cây thuốc giấu. Giấc mơ ấy đã trở thành sự thật, đổi bằng những nhọc nhằn không nhỏ.

Mùa thuốc giấu ở rẻo cao

Hăm hở mang tới hội chợ sâm Ngọc Linh những loại sâm chất lượng tốt nhất, những người Ca Dong hay Xê Đăng miệng bỏm bẻm nhai trầu không giấu được niềm sướng vui bất tận của mình khi thành quả hàng chục năm được đổi bằng những món tiền giá trị từ loại dược liệu đắt giá riêng có ở vùng đất này. Trong những phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức hằng tháng tại vùng sâm Nam Trà My (Quảng Nam) này, không ít những cây sâm có giá trị tới hàng tỷ đồng được rao bán, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân và địa phương này.

Dưới những tàn cổ thụ, sâm Ngọc Linh ẩn mình, mang theo ước vọng cuộc sống ấm no đối với nhiều người.

Dưới những tàn cổ thụ, sâm Ngọc Linh ẩn mình, mang theo ước vọng cuộc sống ấm no đối với nhiều người.

Tại lễ hội sâm Ngọc Linh vừa qua, hay trong những phiên chợ sâm tổ chức ở huyện Nam Trà My hằng tháng, khu trưng bày và giới thiệu của huyện như những vườn sâm thu nhỏ, bởi người dân đổ về từ các xã mang theo số lượng lớn sâm cây, lá sâm xanh mướt, sum sê phủ kín các gian hàng và khu trưng bày sâm. Già Hồ Văn Liêm (thôn 3, xã Trà Linh) chia sẻ, ngày xưa trồng sâm như trồng lúa rẫy, không ai tính đến chuyện làm giàu nhờ nó cả. Khi sâm được giá thì người dân chốn này bắt đầu quan tâm hơn, đầu tư thêm để thuê người làm vườn, người bảo vệ, giờ cuộc sống thật sự thay đổi. Già Hồ Văn Liêm kể ngày xưa trồng cây sâm Ngọc Linh nhiều nhưng chỉ xem nó như những giống dược liệu khác. Có khoảng thời gian dài, mỗi ký sâm Ngọc Linh chỉ đổi được một chiếc quần đùi hay vài hộp diêm nhóm lửa. Nhưng, người Xê Đăng vẫn kiên trì vì họ rất coi trọng công dụng của “cây thuốc giấu” này. Từ năm 2000, sâm Ngọc Linh bắt đầu được biết đến nhiều hơn và giá trị cũng được nâng dần lên từ đó.

Ở những phiên chợ sâm Ngọc Linh, người dân, doanh nghiệp ai cũng rạng rỡ, du khách đều thích thú. Họ vui vì không khí nhộn nhịp, mừng vì sâm Ngọc Linh được giá sau thời gian dài kỳ công chăm sóc. Giấc mơ sâm giờ đây không chỉ của người Xê Đăng hay Ca Dong mà đã trở thành kỳ vọng của cả quốc gia về tương lai của sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam. Nhưng, ít ai biết rằng, để có từng củ sâm giá trị hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng, trên những vùng trồng sâm Ngọc Linh dù giao thông đi lại khó khăn nhưng những chiếc xe máy vẫn cố nhướn lên từng con dốc vắt vẻo, trườn qua các thửa ruộng bậc thang để mang thực phẩm tiếp tế cho chòi canh sâm. Tại thôn 3 của xã Trà Linh, hay trên đỉnh Tăk Doanh ít có những chiếc xe máy hỗ trợ việc vận chuyển, mà chủ yếu là mang cõng hay khuân vác vì địa hình không cho phép. Nhiều khu vực trồng sâm người dân phải lội bộ 3-4 giờ đồng hồ mới tới được vườn sâm. Nơi những vườn sâm, những chốt sâm đó có nhiều người canh giấc mộng bạc tỷ để biến mơ ước tỷ phú thành sự thật trong chót vót non cao này.

Sâm Ngọc Linh củ tươi loại 1 được nhiều người săn lùng.

Sâm Ngọc Linh củ tươi loại 1 được nhiều người săn lùng.

Kể từ khi có dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2016, cây sâm Ngọc Linh đã làm giàu cho bà con Xê Đăng. Mỗi kg sâm Ngọc Linh hiện nay có giá dao động từ 70 đến hơn 190 triệu đồng tùy theo độ tuổi của sâm. Đặc biệt, 1 kg sâm Ngọc Linh củ tươi loại 1 có giá dao động từ 220 đến 250 triệu đồng. Nhờ giá bán cao như vậy, đời sống của hàng trăm hộ đồng bào Xê Đăng, Ca Dong ở huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trở nên giàu có, hàng ngàn hộ đồng bào khác đã coi việc giữ rừng, trồng sâm là một nghề mới để vươn lên làm giàu. Từ đó, bà con nhận thấy giá trị từ rừng già và bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Bà con sống nhờ rừng, gắn bó với rừng, nay lại tìm cách giữ rừng thì còn gì mừng hơn.

Hoa nở tự rừng sâu

Làng Tắk Lang, nằm cao nhất trên sườn núi Ngọc Linh. Với người Xê Đăng, đây được xem là làng tỷ phú đầu tiên bởi các gia đình sở hữu những vườn sâm “khủng” đều đang an cư lạc nghiệp ngay chính ngôi làng này. Ông Nguyễn Cao Bằng, thôn Tắk Lang là một trong những “vua sâm” ở vùng rừng này. Hiện tại, gia đình ông đang cai quản hơn 2.000 gốc sâm Ngọc Linh, mỗi năm cho thu hoạch chừng 5-7 kg. Nhưng, có lẽ, hoành tráng nhất vùng là cơ ngơi của gia đình “vua sâm” Hồ Văn Hình. Đăm đắm với rừng sâu và những tháng ngày với sâm Ngọc Linh, ông Hình bảo bao đời nay người dân bản địa đều nhờ vào rừng. Cây sâm Ngọc Linh cũng nhờ mẹ rừng ban tặng. Vì thế, người làng sẽ dồn mọi tâm huyết để giữ những cánh rừng còn sót lại. “Mình giữ rừng, mai sau con cháu còn có nguồn thu”, ông Hình chia sẻ.

Quanh những ngôi làng trên đỉnh Ngọc Linh này, ông Nguyễn Văn Dũng (làng Kon Ping, thôn 2, xã Trà Linh) với hơn 30 năm trồng sâm cũng được xem là một trong những người giàu có cả về kinh nghiệm và tài sản. Nhờ những vườn sâm bạt ngàn với hàng chục năm tuổi, ông Dũng giờ đã có 2 căn nhà tiền tỷ, lớn nhất làng Kon Ping, 3 chiếc ô tô và trở thành đại gia dưới chân núi Ngọc Linh. Trong vòng hơn 30 năm ấy, ông Dũng và đồng bào của mình trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc mà cây sâm Ngọc Linh mang lại. Những người trồng sâm sau này, số lượng sâm ít hơn, như vợ chồng chị Hồ Thị Long cũng tích góp được tài sản hàng trăm triệu đồng.

Ông Hồ Văn Bim (bìa phải) tặng sâm giống cho bà con.

Ông Hồ Văn Bim (bìa phải) tặng sâm giống cho bà con.

Bên trong chiếc chòi gỗ nhỏ cheo leo giữa rừng, vợ chồng anh Đinh Hồng Thắng (làng Tăk Ngo, thôn 2, Trà Linh) là một người trẻ có nhiều khát vọng và tình cảm với rừng. Anh ấp ủ về cuộc sống an nhàn lúc tuổi già với vài trăm gốc sâm Ngọc Linh. Vợ chồng anh gắn bó với cái chòi đơn sơ để giữ gìn cây sâm quý và tận hưởng không gian yên bình giữa thiên nhiên hoang sơ, nơi anh xem là nhà, là nguồn cội. 8 năm qua khu rừng này vẫn nguyên vẹn, mỗi cây lớn nhỏ đều thêm 8 vòng gỗ, chẳng vơi bớt cây nào, anh Thắng mộc mạc chia sẻ. Trong vườn của anh, sâm có ở khắp mọi nơi. Ngoài trồng sâm trên đất, anh còn trồng trên những gốc cây mục, trên những tảng đá phủ đầy rêu, ở đâu cây sâm cũng sống, miễn bên trên có rừng.

Còn với ông Đinh Văn Bộ, sinh ra và lớn lên dưới chân Ngọc Linh hơn nửa đời người, ông từng làm nhà giáo, dạy bao thế hệ con cháu Xê Đăng. Về hưu, ông tiếp tục dạy họ sống với rừng bằng cách tự mình làm gương. Nhiều năm sống ở rừng, ông xem đây là “ngôi nhà” có thể che chở cho mình. Bán kính vài cây số quanh vườn sâm nhà mình, ông Bộ đã thông thuộc từng ngóc ngách, trong đêm ông có thể mò mẫm sang thăm vườn khác rồi lại quay về chòi của mình. Không đường mòn, ông đi theo trí nhớ, ông cảm nhận được mùi hương của từng loại cây gỗ, từng nhánh hoa, tránh được những vùng được cho là có thú dữ. Cứ thế nhiều năm qua, vợ chồng ông Bộ trở thành một phần của rừng Ngọc Linh, góp thêm hơi thở, nhịp đập cho sự sống phong phú nơi đây.

Ở những phiên chợ sâm Ngọc Linh, người dân, doanh nghiệp ai nấy đều rạng rỡ, du khách cũng thích thú.

Ở những phiên chợ sâm Ngọc Linh, người dân, doanh nghiệp ai nấy đều rạng rỡ, du khách cũng thích thú.

Từ rừng, nhiều mầm sống được nảy nở, sinh sôi và phát triển. Chẳng phải nơi nào khác mà chính Ngọc Linh đã mang lại cho người dân xứ núi những thứ họ đang có. Sâm Ngọc Linh là tất cả đối với họ, còn rừng kia là tất cả những gì cây sâm quý cần. Người Xê Đăng hay Ca Dong ở Nam Trà My xem núi Ngọc Linh là một phần trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và là nguồn sinh kế để họ có cái ăn, cái mặc. Người dân tự đặt cho mình trách nhiệm bảo vệ và sống hòa thuận với vùng núi thiêng này. Với người dân chốn này, không còn rừng thì họ cũng không được còn là chính mình nữa, nên họ giữ rừng đẹp mãi theo tháng năm, từ đời này sang đời khác. Như một vòng tròn cộng sinh, tất cả cố kết lại với nhau dưới những tán rừng nở hoa đỏ rực. Nhiều người dân từ trước đến nay đều coi việc trồng sâm gắn liền với bảo vệ môi trường rừng, trồng sâm theo cách truyền thống, để cây sâm được phát triển một cách tự nhiên.

Nhưng, để có được môi trường lý tưởng như đỉnh Ngọc Linh hiện tại, dân các làng ngoài việc giữ rừng còn phải cố gắng không tác động thêm đến sinh thái. Ngoài các vật liệu để làm rào bảo vệ vườn như lưới thép, số lượng nhỏ bạt để che chắn sương muối, mưa đá... thì hầu như người dân không xâm hại rừng, vì cây sâm rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường xung quanh. Hàng ngàn hecta rừng Ngọc Linh đang được đồng bào gìn giữ. Đối với họ, rừng như một vị thần che chở, ban tặng cho dân làng dưới đỉnh Ngọc Linh cuộc sống no ấm, giàu sang, vì vậy, sống nhờ rừng, phải giữ rừng bền vững cho tương lai.

Khác với những vùng núi cao khác, bà con vùng sâm Ngọc Linh đã có hướng để làm giàu. Với giá trị của cây sâm Ngọc Linh, người dân nơi đây chắc chắn sẽ giàu có. Nhưng, họ cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi, sức khỏe, đôi khi cả máu. Thế nên, nếu không có tình yêu với rừng, với cây sâm thì khó ai kiên nhẫn trồng vườn sâm cả chục năm chờ thu hoạch. Dưới những tán cây cao bảng lảng sương là những kho báu ẩn mình. Nơi đó, những củ sâm Ngọc Linh dù “ngủ đông” nhưng vẫn tiếp tục sinh trưởng, mang theo bao ước vọng về một cuộc sống ấm no, ước vọng của rất nhiều con người.

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My cho hay, trong năm 2023, Nam Trà My xác định hướng phát triển kinh tế chính vẫn là phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, cây quế Trà My. Đi đôi với đó là làm tốt công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư theo Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội được huyện lồng ghép thực hiện hiệu quả, đồng bộ.

Có thể bạn quan tâm