(GLO)- Giữa thời buổi cơ giới thay sức người, họ vẫn đổ mồ hôi, căng cơ bắp với công việc hàng ngày. Có người đi qua nửa đời miệt mài làm nghề bốc vác mà đồng tiền khó nhọc kiếm được “chưa ráo mồ hôi đã đi vèo”, vẫn nhà thuê “gạo chợ, nước sông” chạy ăn từng bữa.
Đoạn đường Nguyễn Văn Cừ (từ ngã tư Hùng Vương-Lý Thái Tổ đến ngã ba Trần Nhật Duật) những năm gần đây mọc lên nhiều đại lý thức ăn gia súc, cám gạo, vật liệu xây dựng... thu hút lao động phổ thông, tạo việc làm cho nhiều người sống bằng nghề bốc vác.
Bốc hàng lên xe. Ảnh: internet |
Bên bàn cà phê cóc (136 Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku), tranh thủ thời gian các anh chờ việc, tôi bắt chuyện với Kỳ-một thợ bốc vác trẻ. Kỳ cho biết: “Em có nghề làm cửa sắt thuộc loại thạo việc, đã từng nhận công trình riêng nhưng đành bỏ việc vì bị chủ thầu quịt tiền công; hoặc là chủ nhà khất nợ, đòi chán rồi đành bỏ luôn, mới theo các anh đây làm nghề bốc vác. Còn có người bỏ nghề phụ hồ, thợ hồ theo nghề này cũng bởi lý do tương tự, không bị quịt tiền công bao giờ”.
Nghề bốc vác cũng có mùa. Ngày mưa dầm ít mối hẳn. Xe hàng đã có tải trọng, theo đó bốc lên hay xuống mà tính tiền, với giá 25.000 đồng/tấn gạo, cám, thức ăn gia súc; 20.000 đồng/tấn xi măng. Xong việc, nhận “tiền tươi” từ chủ, cứ thế anh em chia đều, không so đo kẻ bốc nhiều người vác ít. “Phải thật sự đoàn kết thương yêu nhau mới trụ được với nghề, người có tuổi, sức khỏe kém hơn chỉ kéo xếp hàng, đỡ hàng lên vai cho người trẻ khỏe vác”-anh Trận (53 tuổi), có thâm niên hơn 20 năm trong nghề cho biết.
Những cơ sở ở nội thành, do quy định cấm xe trọng tải lớn đi vào ban ngày nên phải xuất, nhập hàng vào lúc 1, 2 giờ sáng, phu bốc vác ngủ chưa đủ giấc đã phải đi làm.
Tiền công vẫn không hơn, chủ nhà hảo tâm bồi dưỡng bữa ăn sáng, ly cà phê bình dân. Nhờ vào chiếc điện thoại di động, họ có thêm việc làm ở rất xa, tận các xã biên giới huyện Ia Grai, Đức Cơ. Được nhà chủ bao tiền xăng xe (50.000 đồng/chiếc), ngày nhiều mối cũng kiếm được chừng 500.000 đồng/người/ngày, nhưng cái giá phải trả là các đốt xương đau nhức khi đêm về ngả lưng.
Nhìn vào bàn chân to bè, các ngón chân cứ quắp xuống; vai lệch, bước đi lệch một bên ở những người có tuổi đủ biết cùng với thời gian, trọng lượng vật nặng đè lên vai làm biến dạng hình hài của họ như thế nào.
Anh Kỉnh (54 tuổi) thở dài: “Quê tôi ở ngoài Huế, nhà nghèo nên tôi tự lập từ bé, phiêu bạt nhiều nơi, trụ lại đất Tây Nguyên này tính đến nay tròn 25 năm, nuôi sống gia đình bằng nghề bốc vác. Đến nay vẫn còn phải ở nhà thuê, vẫn cảnh “gạo chợ nước sông”, chạy ăn từng bữa”.
Được biết, cùng cảnh ngộ như anh còn có anh Phương quê ở Bắc Giang, hàng ngày vật lộn áo cơm nuôi 3 con đang tuổi ăn học. “Tôi có 4 đứa con. Được cái may mắn các cháu chăm học, chăm làm, có công việc và thu nhập cũng ổn định, đỡ nhọc thân”-anh Trận tâm sự trong niềm vui sướng, tự hào.
Nghề nhọc nhằn với những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi nhưng có nhiều lý do để họ giữ nghề, vào nghề.
Nguyễn Công Chánh