Kinh tế

Doanh nghiệp

Nhóm bí ẩn nợ 7.600 tỷ, Bầu Đức phải bỏ tiền riêng ra làm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) gần đây đón khá nhiều thông tin tốt lành nhưng về tổng thể, HAGL vẫn chưa thoát ra khỏi thời kỳ khó khăn, nợ nần. Tài sản riêng của Bầu Đức vẫn phải đem đi bảo lãnh.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức vừa công bố BCTC hợp nhất 2018 kiểm toán với nhiều điểm tích cực hơn so với năm trước đó sau khi có sự tham gia của Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương vào trong công cuộc tái cấu trúc.
Tuy nhiên, HAGL của Bầu Đức vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn, nợ nần kéo dài nhiều năm qua. Kiểm toán tiếp tục nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn này.
Một trong những điểm còn gây lo ngại trong báo cáo chính là khoản phải thu ngắn và dài hạn khổng lồ đối với nhóm An Phú, gồm tổng cộng 15 công ty với số tiền nợ lên tới gần 7,6 ngàn tỷ đồng. Kiểm toán vẫn tiếp tục đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với các khoản nợ này.
Cũng tại ngày lập BCTC hợp nhất, khoản phải thu của HAGL đối với nhóm An Phú như nêu trên đã được bảo lãnh bởi tài sản riêng của Chủ tịch HĐQT - ông Đoàn Nguyên Đức và tài sản của một số công ty, cá nhân liên quan khác. 
Ông Đoàn Nguyên Đức dùng tài sản riêng bảo lãnh khoản phải thu khổng lồ của HAGL đối với nhóm An Phú.
Ông Đoàn Nguyên Đức dùng tài sản riêng bảo lãnh khoản phải thu khổng lồ của HAGL đối với nhóm An Phú.
 
Trên thực tế, khoản phải thu đối với nhóm An Phú đã giảm khá nhiều so với mức gần 10,6 ngàn tỷ đồng hồi đầu năm 2018. Nhưng đây vẫn là khoản mục thực sự đáng lo ngại đối với nhiều nhà đầu tư.
Trong BCTS soát xét bán niên 2018, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HAGL và cũng đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với khả năng thu hồi nợ của nhóm công ty An Phú. Khi đó, HAGL cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi với khối tài sản đa dạng, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho tập đoàn.
HAGL khi đó tin rằng khi các dự án kinh doanh của các bên liên quan này đi vào vận hành thương mại và có lợi nhuận thì việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu sẽ trở nên dễ dàng hơn và kiểm toán viên sẽ có đủ thông tin để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn bộ.
Báo cáo tổng hợp kiểm toán 2018 cũng cho thấy, HAGL còn vay nợ Thaco và Bầu Đức tổng cộng hơn 1,5 ngàn tỷ đồng. HAGL cũng vi phạm nhiều điều khoản đối với các khoản vay trái phiếu từ nhiều tổ chức như khoản gần 1,4 ngàn tỷ đối với VPBank, hay khoản vay gần 580 tỷ đồng tại BIDV chi nhánh Bình Định,...
Gần đây, HAGL và HAGL Agrico của Bầu Đức đón nhận khá nhiều tin vui, trong đó có thông tin tiếp tục hợp tác sâu hơn với Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương được tiết lộ trong buổi lễ khởi công các dự án Chu Lai - Quang Nam hôm 24/3.
Dự án khu công nghiệp nông lâm nghiệp vừa được khởi công tại Quảng Nam là khu công nghiệp chuyên nông nghiệp tập trung mà chính yếu và trước mắt là cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây nguyên, Lào và Campuchia.
Nhà máy chế biến trái cây các loại để bao tiêu sản phẩm của Hoàng Anh Nông nghiệp Gia Lai và các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Trong cả chục năm qua, tầm nhìn dài hạn và tham vọng lớn mang đến cho ông Đoàn Nguyên Đức nhiều kỳ tích nhưng đây cũng là điểm huyệt nguy hiểm khiến đại gia phố núi lao đao, nợ nần và chìm nghỉm trước ngã rẽ thay đổi số phận.
Mặc dù có một khoảng thời gian dài gặp khó khăn nhưng HAGL của Bầu Đức vẫn duy trì Học viện bóng đá HAGL-JMG. HAGL. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức chính là người mời và trả lương cho HLV Park Hang Seo và đào tạo nên những cầu thủ hàng đầu như Công Phượng, hiện đang chơi ở CLB Incheon, tại K-League của Hàn Quốc.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán khiến nhiều cổ phiếu trụ cột giảm giá như Sabeco, Vinamilk, Vinhomes, GAS, VietJet, Bảo Việt, Masan,...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ và chứng khoán như Vietcombank, BIDV, Chứng khoán Sài Gòn,... diễn biến tích cực nhưng không đủ để kéo thị trường đi lên.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, dư địa hồi phục của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn nhưng khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là tương đối khó khăn. Do đó, đối với các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp hồi của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.
Còn theo Rồng Việt, khả năng điều chỉnh có thể tiếp tục diễn ra vào đầu tuần. Nhà đầu tư nên thận trọng nếu muốn giải ngân và cần quan tâm đến việc quản trị rủi ro cho danh mục
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/3, VN-Index tăng 7,07 điểm lên 982,98 điểm; HNX-Index giảm 0,22 điểm xuống 107,34 điểm. Upcom-Index tăng 0,24 điểm lên 57,39 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 250 triệu đơn vị, trị giá 4,6 ngàn tỷ đồng.
H. Tú (VIE)

Có thể bạn quan tâm