"Giọt sương Jrai" là tên một dự án mà nhóm nghệ sĩ Art Labor đang thực hiện với mong muốn khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên, đem đến sức sống mới cho môi trường nghệ thuật đương đại.
Từ tượng gỗ…
Cuối năm 2012, Art Labor ra đời với 3 thành viên gồm: Trương Công Tùng, Phan Thảo Nguyên và Arlette Quỳnh Anh. Khi ấy, mọi người đang ở 3 châu lục khác nhau. Quỳnh Anh đang học lịch sử mỹ thuật tại Berlin (Đức), Thảo Nguyên đang học chương trình thạc sĩ nghệ thuật tại Chicago (Mỹ) và Công Tùng vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. “Nhận thấy ở Việt Nam thiếu những nhóm nghệ sĩ hoạt động đa ngành, liên ngành, do đó chúng tôi mong muốn vận dụng những khác biệt trong chuyên môn của mình để tạo thành một nhóm. Cứ mỗi dự án chúng tôi lại kết hợp cùng những chuyên gia tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo thành những tác phẩm có tính phản biện cao”-Arlette Quỳnh Anh chia sẻ. Và “Giọt sương Jrai” là một trong 2 dự án mà Art Labor đang thực hiện và sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.
Nhóm Art Labor cùng nghệ nhân tạc tượng Rơ Châm Jêh (thứ 2 từ trái sang) tham gia triển lãm tại Đài Loan năm 2017 (ảnh do nhóm Art Labor cung cấp). |
“Giọt sương Jrai” xuất phát từ quan niệm của người Jrai về vòng luân hồi sau khi chết trở về nguồn cội. Ở giai đoạn cuối cùng, linh hồn và thể xác con người sẽ biến thành giọt sương (Ia Ngôm) rồi bốc hơi vào không khí-trạng thái của hư vô hay cũng chính là các hạt khởi đầu cho sự sống mới. Anh Trương Công Tùng bày tỏ: “Dự án “Giọt sương Jrai” muốn phát triển nền văn hóa khắc gỗ Jrai một cách đầy thơ mộng và bền vững như quan niệm về sự sống và giọt sương. Mặc dù văn hóa khắc gỗ Jrai đang gặp nhiều thử thách, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một, song chúng tôi tin tưởng nghệ thuật này sẽ hồi sinh và tồn tại một cách mới mẻ. Sâu xa hơn, chúng tôi muốn đem đến một cái nhìn phản biện về văn hóa-nghệ thuật Jrai trong vòng xoáy giao nhau giữa công cuộc hiện đại hóa-công nghiệp hóa và thế giới tự nhiên đang bảo bọc vùng đất này”.
Từ ý nghĩa đó, nhóm Art Labor đã đến các làng ở xã Bờ Ngoong, Al Bă (huyện Chư Sê) để tìm kiếm, xây dựng đội ngũ nghệ nhân cộng tác. Đó là các nghệ nhân Kpuih Gloh, Rah Lan Loh, Siu Lơn, Rơ Mah Aleo, Puih Hăn, Rơ Châm Jêh, Rơmah Hyet. Chị Phan Thảo Nguyên cho hay: “Art Labor đưa cho nghệ nhân chất liệu gỗ từ những cây công nghiệp bị đốn bỏ, như rễ, thân cây cà phê, gỗ cây cao su, gỗ cây lồng mứt... để làm ra hơn 120 tác phẩm. Chúng tôi chủ trương không sử dụng gỗ rừng, thay vào đó sử dụng gỗ cây công nghiệp do con người trồng và đốn bỏ để khai thác kinh tế”. Gần đây nhất, nghệ nhân Rơ Châm Jêh (làng Amo, xã Bờ Ngoong) đã có dịp cùng hơn 30 bức tượng gỗ của mình theo dự án “Giọt sương Jrai” tham gia triển lãm “Asian Art Biennial” diễn ra từ ngày 30-9-2017 đến 25-2-2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Đài Loan. Tại đây, giữa các tác phẩm nghệ thuật đương đại từ nhiều quốc gia, những bức tượng gỗ mộc mạc nhưng đầy chất nghệ thuật của nghệ nhân Rơ Châm Jêh thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan.
Đến câu chuyện về Tây Nguyên đương đại
Những bức tượng gỗ ấy đã được Art Labor tổ chức 3 buổi triển lãm tại chính ngôi làng của các nghệ nhân. Sau đó, theo chân các nghệ sĩ, chúng vượt ra khỏi phạm vi các ngôi làng đến với bạn bè quốc tế tại các triển lãm: Asian Art Biennial (Đài Loan), Dhaka Art Summit (Bangladesh), Para Site (Hong Kong) và mới đây nhất là Museum of Modern Art (Warsaw, Ba Lan-2018). “Chúng tôi mong muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế những tác phẩm do Art Labor hợp tác cùng các nghệ nhân Jrai như những tác phẩm nghệ thuật phản ánh sống động tinh thần và những đổi thay thực chất ở vùng đất Tây Nguyên chứ không một chiều bảo lưu truyền thống văn hóa. Với cách làm này, chúng tôi hy vọng khán giả quốc tế sẽ có cái nhìn bao quát và sâu sắc hơn về nghệ thuật nói chung và vùng đất Tây Nguyên nói riêng”-Arlette Quỳnh Anh cho hay.
Cùng với dự án “Giọt sương Jrai”, Art Labor cũng đã thực hiện bộ phim “Sương lặn” gồm 6 tập được đặt hàng riêng cho triển lãm Cosmopolis diễn ra tại Pháp năm 2017. “Sương lặn” gồm 6 bộ phim ngắn về các hóa thân trong quan niệm của người Jrai sau khi chết: “Xương”, “Quạ”, “Châu chấu”, “Than”, “Cái chết” và “Giọt sương”. Điều đáng nói, khi thực hiện “Giọt sương Jrai” hay “Sương lặn”, nhóm Art Labor không cố gắng tìm kiếm một miền Jrai xưa cũ, không khai quật những gì đã mất, cũng không đứng dưới góc nhìn của một khách du lịch để suy xét. Thay vào đó, bằng đôi mắt nghệ thuật, họ đặt những giá trị văn hóa Jrai còn lại trong mối quan hệ mật thiết với môi trường sống hiện tại, tạo ra các tác phẩm mang tính phản biện rất cao. Từ đó giúp người xem nhìn ra sức ảnh hưởng, tác động của đời sống đương đại lên văn hóa, nghệ thuật ở vùng đất này.
Anh Trương Công Tùng chia sẻ: “Từ chất liệu là văn hóa, con người, thiên nhiên của vùng đất này, Art Labor sẽ có hướng sáng tác riêng, không quá dựa vào câu chuyện lưu giữ truyền thống. Chúng tôi muốn kể về một Tây Nguyên đương đại mà những loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su… đã làm thay đổi mạnh mẽ vùng đất này theo cảm nhận riêng mình. Sắp tới, khi tham gia triển lãm Bangkok Art Biennale tại Thái Lan và Carnegie International tại Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ thực hiện những tác phẩm lấy cảm hứng từ một Tây Nguyên đương đại đang chuyển mình mạnh mẽ”.
Phương Linh