Sức khỏe

Những bệnh ung thư nào cần tầm soát thường xuyên?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ung thư đang trở thành nỗi lo của nhiều người. Có những bệnh ung thư có thể tầm soát để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, lưu ý một số bệnh ung thư nên tầm soát thường xuyên.

Ung thư vú

Phụ nữ có thể bắt đầu tầm soát ở tuổi 40. Tất cả phụ nữ có nguy cơ ung thư vú trung bình nên bắt đầu khám tầm soát hằng năm vào năm 45 tuổi. Ở tuổi 55, phụ nữ có thể chọn tiếp tục chụp nhũ ảnh hằng năm.

Phụ nữ nên nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ ung thư vú và về bất kỳ thay đổi tại vú nào mà mình nhận thấy.


 

Có những bệnh ung thư có thể tầm soát để phát hiện sớm, điều trị kịp thời Ảnh: Shutterstock
Có những bệnh ung thư có thể tầm soát để phát hiện sớm, điều trị kịp thời Ảnh: Shutterstock

Ung thư cổ tử cung

Phụ nữ trong độ tuổi từ 21 - 29 tuổi cần thử Pap (Phết tế bào cổ tử cung) mỗi 3 năm/lần. Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV cứ 5 năm/lần, hoặc nếu chỉ thử Pap thì cứ 3 năm/lần.

Phụ nữ trên 65 tuổi, trước đó đã xét nghiệm tầm soát thường xuyên và có kết quả bình thường, sẽ không phải tầm soát ung thư cổ tử cung nữa.

“Tuy nhiên, với những phụ nữ trong nhóm có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung thì cần phải được kiểm tra thường xuyên hơn và được bác sĩ tư vấn về lịch khám sàng lọc tốt nhất”, bác sĩ Tiến lưu ý.

Ung thư đại trực tràng

Người lớn có nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm soát ung thư đại trực tràng thường xuyên ở tuổi 45. Những người có tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ khác nên khám tầm soát sớm hơn để được bác sĩ tư vấn, theo dõi sức khỏe.

Có nhiều xét nghiệm có thể sàng lọc ung thư đại trực tràng như nội soi đại trực tràng, xét nghiệm máu ẩn trong phân. Tùy theo nhóm nguy cơ và tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp.

Phụ nữ và đàn ông trên 85 tuổi sẽ ngừng tầm soát ung thư đại trực tràng.

Ung thư phổi

Những người có nguy cơ ung thư phổi cao có thể thực hiện CT scan.

Nguy cơ cao là những người hút thuốc hiện tại, hoặc những người đã bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm qua, từ 55 - 74 tuổi; người có tiền sử hút thuốc từ 30 tuổi trở lên; hút thuốc trung bình 1 gói/ngày trong 30 năm, 2 gói/ngày trong 15 năm hoặc tương đương.

Ung thư tuyến tiền liệt

Phương tiện chính để tầm soát ung thư tiền liệt tuyến là xét nghiệm đo nồng độ PSA trong máu. Tầm soát nên bắt đầu từ 50 tuổi đối với nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trung bình. Tầm soát từ 45 tuổi đối với nam giới có nguy cơ cao hơn thuộc nhóm có ba hoặc anh trai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Phần lớn bác sĩ khuyên nên dừng tầm soát sau 70 tuổi hoặc ở những bệnh nhân có sức khỏe kém.

Ung thư buồng trứng

Để tầm soát ung thư buồng trứng có thể thực hiện xét nghiệm máu để đo nồng độ chất chỉ dấu ung thư hoặc siêu âm bụng hoặc kết hợp cả hai.

Tuy nhiên, vấn đề là các xét nghiệm này không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm. Do đó, tầm soát ung thư buồng trứng chỉ được khuyến cáo cho những bệnh nhân có tiền căn gia đình bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú. Ở những người này thì độ tuổi bắt đầu tầm soát là 30 -35 tuổi.

“Tóm lại, để tầm soát ung thư một cách tốt nhất cần đánh giá các điều kiện sau: độ tuổi, yếu tố nguy cơ mắc loại ung thư nào, tuân thủ theo các hướng dẫn tầm soát và chỉ định của bác sĩ tư vấn”, bác sĩ Tiến khuyên.

Mặt khác, bác sĩ Tiến khuyến cáo để giảm nguy cơ ung thư, mọi người ở lứa tuổi nào cũng nên có lối sống lành mạnh, như: tránh xa mọi loại thuốc lá, giữ cân nặng hợp lý, vận động thường xuyên, ăn uống khoa học với thật nhiều trái cây và rau xanh, hạn chế uống bia rượu, bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, mỗi người cần biết được tiền sử bệnh của bản thân, gia đình và những yếu tố nguy cơ ung thư của mình.

 

Nguyên Mi/thanhnien

Có thể bạn quan tâm