Phóng sự - Ký sự

Những bí ẩn độc đáo A rem - Bài 1: Cách thức lưu giữ tình yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bên trong rừng mưa nhiệt đới Kẻ Bàng (Quảng Bình) có tộc người anh em bé nhỏ A Rem với khoảng 400 khẩu sinh sống tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch.

Rất nhiều câu chuyện độc đáo của tộc người này giữa nền văn minh của thế kỷ XXI. Khi mọi thứ đổi thay thì họ vẫn sống sót bằng phương cách cổ xưa về ngôn ngữ, tâm linh, hát hò riêng.

Người A Rem có gia tài hát hò rất phong phú và còn giữ mãi đến ngày nay
Người A Rem có gia tài hát hò rất phong phú và còn giữ mãi đến ngày nay

Khi "thức giấc" cùng với 7 tỷ người trên thế giới, chúng ta tìm hiểu là cần cái gì để lưu trữ những hình ảnh cuộc sống. Hàng tỷ tỷ terabyt lưu trữ được tạo ra trong thời đại Internet. Với người A Rem, không có máy tính để lưu trữ hiện đại, họ chọn cách lưu trữ điệu hát tâm hồn trong trí nhớ của họ. Mỗi thế hệ đi trước có ý thức dạy lại cho thế hệ kế tiếp cách thức truyền ngôn.

Họ không chỉ sống sót được qua thế kỷ XXI, mà còn cất giữ được giá trị tinh thần của riêng mình giữa vũ bão kỹ thuật số bên dưới ngọn Mây Đỏ trong rặng Kẻ Bàng.

"Không có đèn, lấy trăng thay đèn"

Ít người nghĩ rằng, với chỉ 400 con người mà lại có điệu hát bản địa. Nhưng hơn thế, họ có một gia tài hát hò đáng nể. Những tiếng hát yêu được sáng tác trong trái tim con gái, con trai. Mỗi lần lên với người anh em ở đây, tôi vẫn thường nghĩ về một câu dân ca mà thanh niên hay hát: "Đi một núi, hai đèo/ Còn nghe tiếng em dưới suối/ Đi một suối, hai suối/ Nhớ tiếng chày em giã gạo đêm trăng".

Thật khó để nghe câu hát này phía miền xuôi. Cũng thật khó để nghe được ở vùng miền núi khác. Cũng thật khó để động viên người bản địa ở đây ngân lên mấy câu như thế, bởi bên trong cấu trúc tâm hồn họ phức tạp vô cùng nhưng lãng mạn hiếm có. Phải thân tình mới có thể nghe họ hát.

Hiện tại văn hóa bản địa của anh em A Rem được truyền lại rất tốt cho thế hệ sau qua sinh hoạt đời thường

Hiện tại văn hóa bản địa của anh em A Rem được truyền lại rất tốt cho thế hệ sau qua sinh hoạt đời thường

Những con người nhỏ bé, tộc người của họ cũng nhỏ bé nhưng tâm hồn họ dạt dào vô biên tình cảm của con trai với con gái. Già Đinh Rầu, hiểu biết rõ cội nguồn đất đai của bản quán rừng mưa Kẻ Bàng nói, câu hát đó lâu lắm rồi, không biết từ khi nào, có từ khi tổ tiên mấy đời trước của ông sinh ra đã tập biết đến.

Dĩ nhiên, nguyên bản câu hát này là tiếng A Rem, nay được diễn hóa quốc ngữ. Người A Rem khi hát với nhau vẫn dùng tiếng của họ. Để cho người A Rem hát về tiếng yêu cổ xưa thật khó; nhưng khi họ chấp nhận tin để hát ra, quả là một thế giới tâm hồn đầy mộng đẹp.

Bà Y Chu từng hát một bài rồi dịch ra khá lạ: "Anh nhớ đến em không bao giờ quên được/ Anh đi tìm em/ Nửa đêm cũng đi/ Sắp sáng cũng đi/ Không có đèn lấy trăng thay đèn".

Cái câu “Nửa đêm cũng đi” làm tôi liên tưởng đến câu chuyện đàn ông A Rem rất nhớ vợ, thương vợ. Hôm xuống suối thiêng, Đinh Khinh, Đinh Tân, Đinh Cu... ngoài bắt ốc cho cả bọn ăn thì còn tranh thủ bắt ốc ngâm dưới suối. Hỏi làm gì, Khinh nói đưa về cho vợ con ăn. Tối, mọi người vui chén rượu ấm, Tân say rồi ngủ sớm, bỗng nửa đêm tỉnh dậy khóc òa. Hỏi vì sao khóc, Tân nói: “Mình nhớ vợ. Mình thương vợ. Mình về bản đây”.

Cả đoàn dậy cơi lại đống lửa, khuyên can rừng khuya không nên về. Tân đã đi được hai trăm mét, lội suối bì bõm, già Rầu nói: “Về chừ cả bản tưởng trộm rồi xua chó săn đuổi đấy”. Nghe thế, Tân mới quay lại trại nhưng vẫn còn thút thít. Thực tế, cả Đinh Tân, Đinh Khinh, Đinh Cu, Đinh Rầu... hễ đi rừng với cán bộ đều từng bỏ đoàn về giữa đêm vì nhớ vợ, nhớ con khi ai đó hát hò nhớ thương.

Ngủ nửa giấc càng nhớ

Họ nhớ quay quắt, đến phát khóc, phát cuồng; nhớ đến cả đêm luôn nhắc tên vợ. Cũng vì huyết quản xa xưa truyền lại thế. Cũng vì con gái A Rem hay hát: "Em nhớ đến anh/ Trong rừng càng nhớ/ Ngủ nửa giấc càng nhớ/ Ngủ cả ngày mơ được gặp nhau/ Để tìm yêu thương nhau".

Có hiểu sâu bên trong tâm hồn anh em A Rem, mới nghe họ thổ lộ tình yêu giữa núi rừng vang vang. Họ hát cho người yêu bằng tấm lòng cháy bỏng và chung thủy: "Anh nhớ em/ Từ khi mẹ em mới sinh em ra bên núi/ Từ lúc cái chân, cái tay em còn mềm yếu/ Yêu thiết tha với em/ Hẹn bỏ của với núi rừng quê hương".

Người A Rem có ý thức bảo vệ tiếng nói và các bí mật liên quan đến tộc người mình

Người A Rem có ý thức bảo vệ tiếng nói và các bí mật liên quan đến tộc người mình

Đáp lại, lời hát của con gái đến cỏ cây cũng xiêu lòng, con ong cũng nhả mật, con gấu cũng thôi phá rẫy, đến bầy khỉ cũng ngừng chuyền cành, đến con vượn cũng dừng hót mà nghe: "Anh đừng nói nhiều/ Nói từng ấy cũng biết yêu em như hang sâu núi cao/ Em cho anh măng rừng/ Nếu anh yêu em thật lòng thì bỏ của nhà cậu đi thôi".

Con gái hát thế thì chàng trai có đi săn xa mấy cũng trở về bản quán quê hương mà trình diện nhà gái, mà hẹn thề chung thủy như hang to núi lớn: "Anh thề có núi có rừng/ Anh thề có cây có cối/ Anh thề có suối có mưa/ Anh thề có trăng có sao/ Anh thề có nắng có gió/ Chuyến săn về anh xin bỏ của/ Sừng nai, tay gấu, trầm hương/ Sản vật núi rừng quê ta/ Xin bỏ của đưa em về/ Thương nhau như suối chảy/ Bên nhau như cỏ cây".

Nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang khi diện kiến kho tàng hát hò này đã từng nhận xét: "Quả là một sức mạnh về cảm hứng yêu đương, chính sức mạnh này làm cho tộc người nhỏ bé A Rem sinh tồn dẻo dai qua bao khắc nghiệt và biến cố, vượt bao đau thương để sống sót".

Và họ sống sót đến hôm nay với bản ngã riêng của nồng nàn thắm thiết.

Yêu thương bản quán vô biên

Anh em A Rem không chỉ có hát hò về tình yêu trai gái. Bên trong ký ức từ xưa đến nay vẫn lưu giữ nguyên vẹn tấm lòng của họ với bản quán. Mỗi tộc người đều có tâm hồn thầm kín bên trong. Họ có tình yêu của họ với bản quán quê nhà núi non trùng điệp. Nó không chỉ ở lời cầu nguyện mà còn là câu dân ca của riêng họ. Những điệu cổ xưa nhất còn lưu truyền. Giặc đến họ nguyện đánh tới người sót lại cuối cùng. Rừng núi quê hương giàu có, họ yêu núi rừng bản quán chở che cho họ cái ăn.

Họ cũng hát về ru con. Mộc mạc như đá núi mọc lên giữa rừng mưa, ngắn thôi nhưng đó là tâm hồn từ xưa truyền lại: "Con ngủ đi con/ Cho mẹ đi lấy măng về ăn/ Cho bố đi bắn con gấu về chia cả bản", hay: "Ngủ đi con/ Để mẹ đi rừng/ Lấy quả lấy cây/ Để cho nhà ăn...".

Phụ nữ A rem hát làn điệu dân ca của họ rất hay

Phụ nữ A rem hát làn điệu dân ca của họ rất hay

Tình yêu bản quán cũng thành vần điệu theo cách của họ. Bên trong những con người nhút nhát đó, có những câu thơ nói về da diết quê hương đơn giản mà sâu sắc: "Núi rừng bản quê ta/ Giàu có và vui vẻ/ Có tất cả thứ ta cần/ Quê hương ta giàu có/ Giặc đến bản làng cùng đánh/ Cho đến chết mới thôi/ Còn một người phải đánh/ Đánh hết giặc mới thôi/ Giữ lấy núi rừng quê ta/ Ơi con cháu A Rem".

Họ yêu dấu mảnh đất của họ trong máu thịt. Không có lịch sử thành văn, nhưng điệu hò, câu hát bản địa của họ lưu trữ lại tình yêu đó, tiết phát thành hành động giữ bản, giữ làng.

Ngày xưa, xa lắc, truyền thuyết còn kể lại, có những cánh giặc xuất hiện, vây xua khỏi rừng mưa, họ đã từng lên tiếng thấm đẫm tiếng yêu quê hương nghe đến cháy bỏng: "Tôi không đi đâu cả/ Tôi sống núi rừng cha mẹ sinh ra/ Núi rừng đây cha mẹ nuôi tôi lớn/ Dễ kiếm ăn con thú con cá, con ốc/ Củ nâu, củ mát, con ong/ Mà tôi được khôn lớn/ Tôi không đi đâu hết/ Không bỏ núi rừng tôi/ Núi rừng tôi dễ biết dễ tìm/ Dễ kiếm sản vật/ Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu có/ Tôi không tham rừng ai khác/ Đi rừng người ta khó kiếm ăn/ Đất rừng bằng không ở quen/ Ốm đau không có thuốc/ Không tiền nong chạy chữa/ Tôi ở rừng quê tôi/ Ốm đau thì có thuốc cây, cỏ lá/ Lá cỏ nhổ để xông/ Tôi không thể đi rừng đâu khác/ Tôi ở nơi cha mẹ cắt rốn chôn nhau".

Người A rem có tình yêu lớn với núi rừng của họ

Người A rem có tình yêu lớn với núi rừng của họ

Trong cảnh sống giữa rừng, họ vui vẻ đề huề. Đi săn họ cũng hát: "Ơi anh em ơi/ Con hổ nó gầm ta sợ/ Nhiều người cộng lại hổ sợ ta/ Con gấu có móng dài nó tát/ Ta có lao có bẫy dây đánh nó/ Con cáo nó nhanh nó chạy/ Ta có trí khôn bắt nó trong hang/ Con sói nó khôn nó lẫn/ Ta đông bắt nó về nhà/ Nuôi nấng nó từ nhỏ/ Để thành chó săn/ Để thành bạn ta/ Giữ bản giữ rừng cho ta".

Họ cũng có những câu hát vui mừng hào hiệp với khách khứa đi qua rừng quê hương họ: "Ơi anh em ở xa/ Lâu ngày ghé lại núi rừng quê hương tôi/ Có nước suối, có củ báng xin mời/ Có suối mát cá khe xin bắt/ Có cơm rẫy mời vắt cùng nhau/ Có con thú mới bắt trong rừng quê hương tôi/ Mời anh em ở xa lại cùng bản/ Ăn thề chung thủy cùng nhau/ Bản anh có thì mời tôi/ Bản tôi có xin mời anh/ Cùng bản quán quê hương/ Cùng núi rừng gần nhau/ Ơi anh em ở xa đường mà gần núi gần rừng".

Anh em A Rem có một thế giới thơ ca của riêng họ. Họ lưu trữ những điệu hò câu hát ấy không phải bằng thẻ nhớ, hay máy tính hoặc thiết bị cầm tay. Họ cũng không có thư viện. Thư viện là chính trong máu thịt của họ, trong trí nhớ của người lớn truyền lại cho người nhỏ. Cần mẫn từng năm tháng, từng mùa vụ, cần mẫn trong các chuyến đi suối, vượt rừng tìm kiếm thổ sản, cần mẫn trong cách sinh tồn.

Nó phản ánh tấm gương xa xưa của con người khi chưa có cách lưu trữ thành văn cho hậu thế. Khi hàng tỷ con người của trái đất lưu giữ thành tựu bằng mọi cách thì anh em A Rem đang có cách lưu trữ cổ xưa nhất. Ký ức sống đó quả là đẹp và độc đáo như chính cách họ sinh tồn vậy. Như thế cũng đủ thấy họ ý thức về văn hóa của họ với chỉ 400 con người.

Có thể bạn quan tâm