(GLO)- Các phong trào thi đua yêu nước vốn lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, trong tất cả các lĩnh vực. Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà thông qua quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật cũng đã có nhiều đóng góp vào phong trào chung, mang lại nhiều kết quả ấn tượng.
Quảng bá hình ảnh quê hương
Những năm qua, các nghệ sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu-Biểu diễn, Văn học, Văn nghệ dân gian đều có những đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của địa phương.
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, các nghệ sĩ đã nắm bắt, phản ánh chân thật, sinh động hình ảnh phố núi Pleiku ngập trong làn sương sớm mờ ảo, Biển Hồ nước trong xanh thơ mộng, chùa Minh Thành cổ kính, thác 50 hùng vĩ giữa đại ngàn, núi lửa Chư Đang Ya rực rỡ trong sắc quỳ vàng hay hàng thông trăm tuổi huyền ảo dưới nắng chiều... Đó còn là nét đẹp sinh hoạt, lao động đời thường như dệt vải, đan lát cho đến biểu diễn cồng chiêng, tạc tượng trong các lễ hội truyền thống như: pơ thi, mừng lúa mới, cầu mưa, cúng giọt nước…
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi như Trần Phong, Huy Tịnh, Phạm Dực, Hồ Anh Tiến, Nguyễn Linh Vinh Quốc cho đến những tay máy trẻ như Nguyễn Ngọc Hòa, Phan Nguyên, Hoàng Quốc Vĩnh, Nguyễn Tấn Kần… đều rất thành công với những đề tài kể trên.
Vừa qua, núi lửa Chư Đang Ya dưới góc ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa đã lọt top 50 ảnh phong cảnh đẹp nhất trong cuộc thi Landscape 2020 do Agora tổ chức. Anh Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ: “Khi cầm máy, tôi luôn cố gắng bắt trọn khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất của một địa điểm, sự kiện hay con người. Tôi ý thức mỗi tác phẩm của mình khi được công bố chính là hình ảnh đại diện cho con người, cảnh sắc nơi mình bấm máy. Vì vậy, đó phải là những gì đẹp nhất, nổi bật, đáng nhớ, để lại ấn tượng nhất định với bạn bè trong nước và quốc tế”.
Tác phẩm “Núi lửa Chư Đang Ya” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hòa lọt top 50 ảnh phong cảnh đẹp nhất trong cuộc thi Landscape 2020 do Agora tổ chức. |
Ở chuyên ngành Mỹ thuật, hiện thực sinh động cũng chính là đề tài để các nghệ sĩ thỏa sức thể hiện đam mê sáng tạo. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung vừa ghi dấu ấn tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 25 với giải A cho tác phẩm “Phòng dịch vùng cao”.
Anh được đánh giá là họa sĩ tài năng, luôn tích cực trong sáng tác. Hiện thực đời sống, phong cảnh, nét văn hóa truyền thống qua nét vẽ của anh dù trên nền chất liệu nào cũng đầy màu sắc, tươi tắn và hấp dẫn. Đó là vạt hoa dã quỳ vàng rực trải dọc theo những cung đường; là ngày hội làng với các cô gái xúng xính trong váy áo thổ cẩm, chàng trai tấu chiêng dưới mái nhà rông; là hiện thực smartphone chi phối cuộc sống của những đứa trẻ và cả người lớn…
Chia sẻ cùng P.V, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-cho biết: “Đa phần hội viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau, độ tuổi khác nhau, chuyên ngành khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là chọn Gia Lai làm quê hương. Vì thế thẳm sâu trong mỗi người là tình yêu, sự gắn kết với mảnh đất này và tình cảm ấy ngấm sâu vào từng tác phẩm, chi phối hoạt động sáng tạo của họ. Từng vần thơ, từng trang truyện ngắn, tiểu thuyết, ca từ, giai điệu hay điệu múa đều mang đậm hình ảnh, hơi thở cuộc sống nơi mảnh đất bazan giàu truyền thống và bản sắc”.
Gặt hái nhiều thành quả
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định: Hội đã có bước tiến dài trên con đường phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của công chúng, góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí và định hướng thị hiếu thẩm mỹ tích cực, lành mạnh.
“Nhiều tác phẩm đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn nghệ của cả nước. Theo đó, hình ảnh đất nước, con người Gia Lai trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai đã được các tác giả phản ánh, gửi gắm vào tác phẩm của mình một cách trung thực, sinh động, đầy sức thuyết phục. Nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc Jrai, Bahnar đã được sưu tầm, nghiên cứu và khai thác, đưa vào tác phẩm thông qua các thủ pháp sáng tạo, tạo dựng cho diện mạo văn học, nghệ thuật Gia Lai một bản sắc riêng, tiếng nói riêng nhưng vẫn mang trong mình hơi thở, tiếng nói chung của thời đại”-ông Lê Xuân Hoan nhấn mạnh.
5 năm qua, không ít tác phẩm thuộc các chuyên ngành Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu-Biểu diễn, Văn học, Văn nghệ dân gian đã đạt nhiều giải thưởng cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Nhiều tác giả dần khẳng định tên tuổi trong giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật.
Song song với sáng tác, các hội viên còn dành thời gian sưu tầm, nghiên cứu những giá trị độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc tỉnh nhà. Có thể kể đến các công trình: “Hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai ở tỉnh Gia Lai”, “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay” của TS. Nguyễn Thị Kim Vân; “Đặc điểm nghệ thuật nhóm sử thi Dăm Giông”, “Câu đố Xơ Đăng”, “Giông xấu xí-Sử thi Bahnar” của TS. Nguyễn Tiến Dũng; “Nghiên cứu, xác định thang âm, điệu thức đặc trưng trong âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai” của ThS., nhạc sĩ Lê Xuân Hoan; “Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ các dân tộc Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai” của ThS. Hoàng Thị Thanh Hương… Bên cạnh giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nhiều tác phẩm và công trình còn khơi gợi, đề xuất hướng bảo tồn và phát triển hợp lý rất đáng để cấp thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, thực hiện.
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định: “Gia Lai có quyền tự hào là mảnh đất đã nuôi dưỡng nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi, được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành các hội chuyên ngành Trung ương, được mời làm giám khảo các cuộc thi trong nước và quốc tế. Nhiều tác phẩm có giá trị cả về nội dung, tư tưởng lẫn chất lượng nghệ thuật, được giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá cao, nồng nhiệt đón nhận. Cùng với các tác giả đã thành danh, nhiều tác giả trẻ được phát hiện và bồi dưỡng đã tạo nên đội ngũ văn nghệ sĩ Gia Lai khá hùng hậu so với khu vực. Từ kết quả đạt được, anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh hy vọng có thêm nhiều tác phẩm giá trị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trên địa bàn”.
PHƯƠNG LINH