Cây ca cao-một trong những cây trồng phù hợp với vùng đất Tây Nguyên. Ảnh: K.N.B |
Cũng phải thấy rằng, không phải loại cây trồng nào cũng có thể đem cho người nghèo ít năng lực trồng được. Có những đối tượng cây trồng, vật nuôi chỉ phù hợp cho người giàu, có tiềm lực thâm canh, sản xuất lớn. Trong chăn nuôi, sau khi đưa một số giống gia súc gia cầm cải tiến cho người nghèo không mấy thành công như: Bò lai, heo Móng Cái, gà Tam Hoàng; gần đây việc đầu tư chăn nuôi heo sọc dưa đã được người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận rất thành công. Thế mới biết, việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để hỗ trợ cho người nghèo là một quá trình rất khó khăn, phải kết hợp cả kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật và xã hội nhân văn.
Trong thời gian tới, để có thêm nhiều cơ hội trong sản xuất nông nghiệp, nên đưa thêm vào cơ cấu cây trồng giảm nghèo một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có khả năng thích nghi tốt với vùng đất Tây Nguyên, dễ đầu tư, phù hợp với khả năng của người nghèo như: Cây bơ, cây chanh dây (lạc tiên), cây ca cao, cây mác ca, cây chuối tiêu đỏ…
Hiện tại ở tỉnh ta, cây bơ không phải là cây trồng mới lạ, tuy nhiên trước đây trồng bơ hoàn toàn không có định hướng, không chọn lọc nên năng suất chất lượng và hiệu quả thấp. Đây là một cây trồng có nguồn gốc châu Mỹ Latinh, rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng Tây Nguyên. Hầu như ngoài Tây Nguyên, không có khu vực nào ở Việt Nam trồng được cây bơ cho quả. Theo một số tài liệu, Việt Nam hiện có 2 vùng bơ chính là Đak Lak và Lâm Đồng với tổng sản lượng khoảng 80.000 tấn/năm. Giá bơ ở Lâm Đồng 35.000 đồng/kg, ở Hà Nội 50.000 đồng/kg. Năng suất bình quân của cây bơ đạt 10 tấn/ha, như vậy 1 ha bơ theo thời giá hiện tại có thể cho thu nhập 350 triệu đồng. Đây là một cây dễ trồng, có thể đem lại hiệu quả xóa nghèo lý tưởng. Trước lợi thế như vậy, tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành chọn lọc, tạo thương hiệu cho cây bơ. Từ 1.200 cây bơ, tỉnh Lâm Đồng đã chọn lọc được 10 cây đặc cấp đầu dòng, đặt ký hiệu từ BLĐ1 đến BLĐ10. Tại tỉnh ta, trong năm 2010 này, nhiều xã của huyện Chư Sê muốn đưa bơ vào cho người nghèo nhưng không được, chỉ vì tỉnh không tìm đâu ra hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở đầu tư cho cây trồng này(!).
Cây chanh dây cũng là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, phù hợp với đất Tây Nguyên. Hiện tại các tỉnh Đak Nông, Đak Lak, Lâm Đồng đã trồng khá phổ biến loại cây leo giàn này. Năng suất bình quân của chanh dây vào khoảng 50 tấn quả tươi/ha/năm; cá biệt có thể lên đến 100 tấn/ha/năm. Với giá bán hiện tại 6.000 đồng/kg ở Đak Nông, mỗi ha có thể cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Tỉnh Bình Phước hiện cũng đã chọn tạo được giống chanh dây da xanh năng suất chất lượng cao, giữ bản quyền về giống. Tỉnh này hiện có các cơ sở bán giống và thu mua trái chanh dây nguyên liệu mở rộng mạng lưới hoạt động khắp toàn vùng Tây Nguyên.
Cây mác ca có nguồn gốc từ châu Úc, là cây thân mộc cho dầu cao hơn cả lạc nhân. Bình quân 1 ha có 300 cây cho năng suất khoảng 2 tấn nhân. Giá bán hiện tại khoảng 400.000 đồng/kg. Theo tính toán, 1 ha mác ca mỗi năm có thể cho thu nhập 800 triệu đồng. Ngoài ra còn một số cây có thể đầu tư cho người nghèo để trồng xen rất có hiệu quả như: Cây ca cao, cây chuối tiêu đỏ…
Như vậy để tránh tình trạng không vươn tới được cà phê, cao su, hồ tiêu; người nghèo cứ loanh quanh mãi với lúa, bắp, khoai, mì, giờ đây đã có thêm nhiều cây trồng có thể hợp với tạng, với sức của họ. Tuy nhiên, để đầu tư được, ngoài vấn đề giống, vốn, thị trường…, các ngành chức năng cần xây dựng các cơ sở pháp lý để có thể triển khai thuận lợi như: Xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật; xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác…, tránh những mắc míu không đáng có như thời gian qua.
Hy vọng những năm tới, người nghèo Gia Lai sẽ được tiếp cận suôn sẻ với các cây trồng mới đầy triển vọng.
Phạm Đức Long