Bạn đọc

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 9-2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong tháng 9-2022, nhiều chính sách, pháp luật mới có hiệu lực như: Hạn cuối chi trả tiền hỗ trợ lao động ảnh hưởng của Covid-19; phạt tiền đối với hành vi ghi âm, ghi hình trái phép tại phiên tòa.
Tiếp tục hỗ trợ 1.155 tỷ đồng cho 414.000 lao động bị ảnh hưởng do Covid-19
Để đảm bảo tiền hỗ trợ Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được chi trả đầy đủ và kịp thời đến tay người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19 theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.
Theo quy định này, Chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ triển khai việc chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động với tổng số tiền khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021.
Hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Số tiền này sẽ được chi trả cho những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30-9-2021, hoặc đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-9-2021 có thời gian đóng bảo hiểm được bảo lưu, đồng thời đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp đúng hạn trong năm 2021 mà chưa nhận hoặc chưa nhận đủ tiền trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15, hạn cuối phải hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động được ấn định vào ngày 10-9-2022.
 Phạt tiền đối với hành vi ghi âm, ghi hình trái phép tại phiên tòa
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với 4 Chương và 8 Điều, có hiệu lực từ ngày 1-9-2022.
Để đảm bảo quyền riêng tư của con người, Pháp lệnh này quy định, phạt tiền từ 7 đến 15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính,...
Cũng theo Pháp lệnh mới này, nếu lôi kéo, xúi giục, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối tại phòng xử án; mang đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu hoặc tài liệu, đồ vật khác vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang theo thì người thực hiện hành vi sẽ bị phạt từ 1-7 triệu đồng.
L.H
 

Có thể bạn quan tâm