Xã hội

Những “cô gái mở đường” Trường Sơn huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc đến đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước không thể không nhớ đến những “cô gái mở đường”. Những câu chuyện ấy vẫn in đậm trong ký ức biết bao cựu thanh niên xung phong (TNXP) để mỗi lần gặp mặt, họ lại tự hào nhắc nhớ về một thời thanh xuân sôi nổi, quả cảm.

Ký ức một thời

Theo giới thiệu của Hội Cựu TNXP tỉnh, chúng tôi tìm gặp các cựu TNXP đang sinh sống ở huyện Đức Cơ gồm: bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1952, thôn Thanh Tân, xã Ia Krêl), bà Nguyễn Thị Vượng (SN 1950, tổ 2, thị trấn Chư Ty) và bà Đinh Thị Dởn (SN 1950, thôn Đoàn Kết, xã Ia Dơk). Những kỷ niệm về một thời hoa lửa ở Trường Sơn ùa về trong ký ức của những “cô gái mở đường” năm xưa.

Quê ở xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), năm 1967, bà Vượng khi đó mới vừa 17 tuổi đã viết đơn tham gia Tổng đội TNXP ở Quảng Bình, làm nhiệm vụ nạo vét, tu sửa các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất. Cuối năm 1969, bà Vượng được phân công về đơn vị C1D1 (Đoàn 104 Quảng Bình) cùng đồng đội san lấp hố bom, mở tuyến đường Trường Sơn đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Trị.

“Thời điểm này, quân địch tìm đủ mọi cách để xóa sổ con đường huyết mạch của ta bằng cách sử dụng các loại máy bay ném bom. Dù không trực tiếp ra chiến trường cầm súng chiến đấu nhưng nhiệm vụ của lực lượng TNXP cũng đầy nguy hiểm, vất vả”-bà Vượng hồi nhớ.

Bà Nguyễn Thị Vượng luôn nhắc nhớ về những năm tháng tham gia TNXP bằng niềm tự hào. Ảnh: P.L

Bà Nguyễn Thị Vượng luôn nhắc nhớ về những năm tháng tham gia TNXP bằng niềm tự hào. Ảnh: P.L

Chỉ cho chúng tôi xem vết thương ở chân trái, bà Vượng kể: “Tháng 5-1971, sau khi máy bay địch thả bom, tôi cùng đồng đội nhanh chóng cầm cuốc xẻng để san lấp đường. Bất ngờ, một quả bom nổ chậm cách vị trí tôi đứng khoảng 10 m phát nổ. Mảnh đạn văng ra khiến chân tôi bị thương. Ngày nào cũng có người hy sinh nhưng chúng tôi không hề nao núng”.

Mặc dù được địa phương tạo điều kiện cho đi học lớp sư phạm ở thị xã Đồng Hới để về dạy học nhưng bà Dởn (quê ở xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP. Hành trang bà mang theo là ý chí kiên cường vì độc lập dân tộc. Bà được biên chế về đơn vị C4 thuộc Đoàn 559.

Ông Trần Văn Bình-Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh:Đường Trường Sơn là con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Các cựu TNXP luôn tự hào vì được góp sức trẻ mở đường, thông tuyến để những chuyến xe chở hàng ra trận, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.

Tham gia TNXP từ những năm 1970-1972, bà Dởn cùng đồng đội mở đường trong rừng rậm, san lấp hố bom, khai thông các tuyến đường trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) từ Km 0 đến Km 105 để phục vụ xe chở hàng chi viện chiến trường miền Nam.

Đường được mở dưới những tán cây rừng rậm rạp, lực lượng công binh phá đá, lực lượng TNXP gùi đá để san lấp những chỗ không bằng phẳng và các hố bom. Đá cứng, đất rắn nên với cuốc xẻng thô sơ, việc mở đường mất nhiều thời gian.

“Chúng tôi vẫn đùa với nhau rằng: Máy bay địch thả bom giúp đất đá dễ lấy hơn; địch giúp chúng ta “mở đường” nhanh hơn. Không chỉ đối mặt với đạn bom, chúng tôi còn phải chống chọi với những cơn sốt rét rừng. Nhiều đồng đội hy sinh không phải vì bom đạn mà vì những cơn sốt rét rừng. Dẫu nguy hiểm nhưng ý chí sắt đá, khát vọng hòa bình đã tạo động lực để TNXP quyết tâm bám đường, thông tuyến”-bà Dởn nhớ lại.

Tiếp nối câu chuyện của bà Dởn, bà Tiến giới thiệu với chúng tôi về kỷ vật đã gìn giữ hơn 50 năm. Đó là chiếc bi đông đựng nước có đôi chỗ bị móp méo do rơi rớt trong thời chiến. Mỗi khi nhìn kỷ vật, bà lại nhớ về những ngày tháng đầy tự hào. “Hồi ấy, thanh niên ở các vùng quê đều hừng hực khí thế ra trận; nam thì viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nữ thì xung phong đi mở đường. Để được tham gia TNXP, tôi đã “lách quy định” bằng cách mặc thêm áo ấm để đủ tiêu chuẩn về cân nặng”-bà Tiến chia sẻ.

Bà Tiến quê ở xã Quảng Phong, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cùng được biên chế về đơn vị C4 như bà Dởn nhưng bà Tiến được giao làm nhiệm vụ hậu cần. Bà Tiến cùng 4 “cô nuôi” có nhiệm vụ nấu cơm cho 120 người. Bà vẫn thường đi hái lá rau tàu bay, kiếm măng rừng, chuối rừng để cải thiện bữa ăn.

“Trong điều kiện gian khổ, hàng ngày phải đối mặt với mưa bom bão đạn của kẻ thù, các TNXP vẫn luôn vững niềm tin, ý chí để mở đường Trường Sơn cho bộ đội hành quân và vận chuyển hàng hóa ra chiến trường”-bà Tiến khẳng định.

Nghĩa tình đồng đội

Trở về với cuộc sống đời thường, 3 nữ cựu TNXP vẫn thường nhắc nhớ, tự hào khi đã có những năm tháng thanh xuân đầy ý nghĩa vì độc lập dân tộc. Sau năm 1973, bà Vượng quay trở lại Quảng Bình và làm nhiệm vụ xây dựng đập thủy lợi Rào Nam để cấp nước sản xuất cho vùng Nam Quảng Trạch. Khi đất nước thống nhất, bà trở về quê hương sinh sống và lập gia đình. Đến năm 1993, gia đình bà vào thị trấn Chư Ty lập nghiệp theo diện kinh tế mới.

Bà cho biết: “Lúc gia đình chuyển vào đây, điều kiện kinh tế còn khó khăn, tôi cùng chồng bươn chải làm đủ việc để lo cho các con ăn học. Trời không phụ người cần cù, kinh tế gia đình dần ổn định. Hiện nay, các con tôi đều đã yên bề gia thất”.

Các cựu thanh niên xung phong (từ phải sang): Nguyễn Thị Vượng, Nguyễn Thị Tiến, Đinh Thị Dởn chia sẻ kỷ niệm khi xem những hình ảnh trong hành trình thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: P.L

Các cựu thanh niên xung phong (từ phải sang): Nguyễn Thị Vượng, Nguyễn Thị Tiến, Đinh Thị Dởn chia sẻ kỷ niệm khi xem những hình ảnh trong hành trình thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: P.L

Sau ngày thống nhất đất nước, bà Dởn cũng trở về quê và xây dựng gia đình. Năm 1980, gia đình bà chuyển vào thôn Đoàn Kết theo diện kinh tế mới. Hoàn cảnh có phần éo le khi bà Dởn và chồng đều bị di chứng chất độc da cam khiến người con thứ ba bị bệnh rồi mất khi mới 5 tuổi; người con gái thứ hai bị khuyết tật bẩm sinh; 2 người con còn lại thường xuyên đau ốm. Chồng bà cũng mất sớm bởi di chứng chất độc da cam.

Dẫu cuộc sống có phần vất vả song với bản lĩnh của cựu TNXP, bà Dởn vẫn luôn lạc quan nỗ lực vượt qua khó khăn. Bà bày tỏ: “Tôi may mắn được sống và chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước. Vậy nên, tôi phải nỗ lực vươn lên để làm tấm gương cho con cháu”.

Bà Tiến vào lập nghiệp ở thôn Thanh Tân từ năm 1980. Nhờ sự nhanh nhẹn, chịu khó làm lụng, gia đình bà sở hữu 10 ha cà phê, điều nên cuộc sống ở vùng đất mới có phần ổn định hơn. Bà luôn sống gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương và được mọi người quý mến. “Cùng quê Quảng Bình, cùng tham gia lực lượng TNXP và cùng vào huyện biên giới Đức Cơ sinh sống nên chúng tôi xem nhau như chị em”-bà Tiến cho hay.

Tự hào là TNXP

Bà Tiến đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn huyền thoại (19/5/1959-19/5/2024) tại tỉnh Quảng Bình. Lễ kỷ niệm do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức.

Trong hành trình ý nghĩa này, bà Tiến, bà Vượng cùng các cựu TNXP đã tham gia lễ kỷ niệm 65 năm mở đường Trường Sơn tại tượng đài TNXP chống Mỹ ở thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình); tham quan triển lãm hiện vật, tư liệu về bộ đội Trường Sơn với chủ đề “Kiêu hãnh Trường Sơn”; dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn-bến phà Long Đại và nhà bia tưởng niệm 16 TNXP hy sinh ở phà Long Đại (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình)…

Các cựu thanh niên xung phong tỉnh tham gia “Hành trình trên cung đường huyền thoại” nhân kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: P.L

Các cựu thanh niên xung phong tỉnh tham gia “Hành trình trên cung đường huyền thoại” nhân kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: P.L

Bà Tiến, bà Vượng cùng nhiều cựu TNXP ở Gia Lai đã có dịp trở về, cùng đồng đội ôn lại những năm tháng tuổi trẻ sục sôi tinh thần cách mạng, cống hiến sức trẻ mở huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến.

Bà Tiến chia sẻ: “Mới 17-18 tuổi, chúng tôi tình nguyện tham gia TNXP để mở đường Trường Sơn. Được gặp lại đồng đội sau nhiều năm xa cách, tôi không giấu được sự bồi hồi, xúc động. Tôi luôn tự hào vì được tham gia mở con đường Trường Sơn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Chia tay các cựu TNXP ở vùng biên giới Đức Cơ, câu chuyện của họ làm chúng tôi nhớ đến bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao với những ca từ thật ý nghĩa: “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường/Em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi ngả cúi đầu/Em đi bắc những nhịp cầu, nối những con đường Tổ quốc yêu thương, cho xe thẳng tới chiến trường”.

Có thể bạn quan tâm