Bạn đọc

Những con heo xứ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Vùng đồng bằng Ayun Pa ngày trước có một giống heo tầm nhỏ, lông đen tuyền, chất lượng thịt thơm ngon, thể trọng lớn hơn các giống heo sọc dưa vùng đất bazan. Những năm bao cấp, ngành Nông nghiệp đã có một đề tài khoa học sưu tầm, thống kê, chọn lọc, đánh giá và gây giống loài heo đen này.

Nó được định danh là heo đen pha trong các hồ sơ giống, hồ sơ khoa học. Có giả thuyết cho rằng, đó là những con giống có nguồn gốc heo Tàu lai. Có lẽ nó đến xứ Cheo Reo từ cái thời xa xưa lắm, khi người Jrai buôn bán với cả người Tàu.

Có thể vì vùng đồng bằng Ayun Pa dồi dào lúa bắp, lại khá xa rừng, những con heo đen pha ấy chỉ quẩn quanh trong làng, dưới các gầm nhà sàn, không giao lưu với heo rừng, nhờ thế mà bao đời vẫn giữ được bộ gen bền vững không lai tạp, khiến chúng định dạng một ngoại hình khá đặc trưng cho đến ngày nay. Rồi, theo bước chân của người Jrai, từ thung lũng sông Ba, loài heo đen pha đi lưu tán lên vùng đất đỏ bazan phía Tây, rồi đến vùng Trường Sơn Tây, lên vùng Bắc Tây Nguyên.

Đến với vùng rừng, lại được thả rông, những con heo này dần được tạp giao với heo rừng, tạo nên những thế hệ heo lai bán hoang dã, heo sọc dưa. Heo sọc dưa là giống heo siêu nạc mini, còn mang nhiều nét hoang sơ nhất. Chất lượng thịt thơm ngon, mỡ mỏng và giòn thơm, da giòn mềm, xương nhỏ, vóc nhỏ. Loài heo này chủ yếu sống trong rừng, tìm thức ăn chủ yếu trong tự nhiên, tự phối giống, nhiều khi là với heo đực rừng, tự làm ổ đẻ trong rừng.

Hồi trước, tôi thỉnh thoảng lại được theo chân những người lính Biên phòng vào các đồn tư vấn sản xuất tự túc. Suốt 6 tháng mùa mưa, biên giới coi như cô lập. Hầu hết gạo phải trữ đủ ăn, rau thịt thì toàn bộ tự túc. Có đơn vị trồng rau để ăn, trồng thuốc Nam để tự chữa bệnh. Nhiều đồn nuôi heo sọc dưa, bò, dê, gà để tự túc thực phẩm. Những con vật ấy đa phần thả rông, sống trong môi trường rừng.

Những tháng mùa mưa, gạo để lâu sinh ẩm mốc, phải đem đãi kỹ nấu cơm cho heo ăn. Nói thế để thấy, heo sọc dưa là một sản vật đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên. Có lẽ nó được hình thành bởi 2 yếu tố: thứ nhất rừng nhiều và heo rừng nhiều; thứ hai heo nhà được thả rông, đi lại tự do, thậm chí sống thường xuyên ở bìa rừng, khe suối gần làng.

Tôi nhớ, hồi nhỏ ở quê, là vùng đất bán sơn địa, heo rừng cũng khá nhiều, thường xuyên phá hoại hoa màu; nhưng cảm giác với heo rừng vẫn rất lạ lẫm, rất sợ sệt. Và, con heo nhà không bao giờ thấy lai với heo rừng ra con lai kiểu heo sọc dưa như ở Tây Nguyên.

Ở làng ngày ấy, qua độ tháng hai, dây khoai phủ quá nửa vồng, củ khoai đã bằng ngón tay, ngón chân, dài ngoẵng. Bất ngờ, đàn heo rừng ở đâu tràn về, nhiều nhất là những đêm sáng trăng. Chỉ sơ sểnh một đêm, chúng đã phá nát cả đám ruộng khoai. Vì vậy, làng phải lập chòi canh. Chòi tre được làm trên một góc bờ đã được chừa sẵn ô đất khá rộng. Hai mái tre và đầu hồi lợp tranh sát đất để tránh gió lùa. Một đầu quay mặt ra bờ đất, lợp tranh một nửa, một nửa làm lối chui vào ra. Nền chòi cũng được lót những phên tranh rạ cho êm và ấm. Cửa chòi treo một cái kẻng bằng mảnh bom và đốt đống lửa lớn để sưởi, cũng làm cho heo rừng sợ không dám đến gần.

Trực canh ruộng khoai thường là những người già ít ngủ, không sợ đêm tối mịt mùng. Tầm nửa đêm, phải khoác lên mình chiếc chăn chiên cũ mèm, gõ kẻng một hồi rồi cầm chiếc đèn chai đi một vòng trên đồng, miệng hui hui đuổi heo. Mỗi đêm được 3 điểm, 10 điểm thì được tính 1 công.

Ngày ấy, thỉnh thoảng, tôi lại trốn nhà theo người lớn đi canh khoai. Trời đêm gió hùn hụt, rét căm căm, ấy thế mà được lăn trong chòi, được nằm trên tấm phên rạ đượm mùi đồng quê, lòng lại nôn nao thổn thức. Canh heo rừng được thức đêm bên đống lửa ấm áp, được nghe những câu chuyện cổ tích, tôi rất lấy làm sung sướng. Có khi được người già cho đi đuổi heo rừng rậm rịch cả đêm. Bọn heo rừng rất dạn người, đêm sáng trăng nhiều lần giáp mặt, cả đàn còn đứng nhìn ngó nghiêng mãi rồi mới chạy.

Người dân quê tôi vẫn thường nói với nhau, sợ nhất là heo độc (độc với nghĩa là một). Đó là những con heo rừng vì lý do nào đó tự tách khỏi đàn, sống cô độc và hung dữ. Theo dân gian, những con heo độc thành tinh thì bắn không chết, bẫy không sập. Chính vì vậy, chẳng ai bắt được bao giờ và nó cứ thế trở thành... huyền thoại. Heo độc thành tinh còn gọi là heo nến. Nghe nói, heo nến to cả tạ, răng nanh dài cả gang tay.

Ngày bé khi nghe chuyện như vậy, tôi cứ ước một lần được nhìn thấy con heo nến. Nhưng có vẻ đó như là con vật của trí tưởng tượng nhiều hơn, chưa từng thấy ai bắt gặp. Lớn lên, đến Tây Nguyên công tác, tôi thấy heo rừng, những con heo xứ rừng gần gũi hơn, thân thuộc hơn; nó hiện hữu và thành một thương hiệu đặc sắc.

Có thể bạn quan tâm