Sức khỏe

Những điều cần làm ngay để bảo vệ mắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày nay, máy tính, thiết bị điện tử cá nhân, điện thoại thông minh cùng sự phụ thuộc vào nó khiến đôi mắt chúng ta luôn trong trạng thái hoạt động.

Uống nhiều nước: Tình trạng mất nước có thể đẩy nhanh sự phát triển của cườm mắt. Nên uống 6 - 8 ly nước mỗi ngày để giữ mắt ẩm, sạch và khỏe.

 

 

Ăn nhiều rau quả: Việc bổ sung rau quả vào chế độ ăn uống mỗi ngày giúp bảo vệ mắt khỏi tình trạng thiếu dưỡng chất. Hãy tăng cường những loại thực phẩm chứa nhiều chất chống ô xy hóa, các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, anh đào, nho..., nhằm ngăn chặn hoặc trì hoãn sự tiến triển của một số bệnh về mắt.

Cho mắt nghỉ giải lao: Việc sử dụng điện thoại di động, ti vi và máy tính có thể làm mệt mắt do phải điều tiết quá mức. Tuân thủ quy định “20-20-20” để mắt được nghỉ ngơi. “20-20-20” nghĩa là: Mỗi 20 phút, nhìn xa khỏi màn hình 20 feet (hơn 6 m) trong 20 giây.

Bỏ hút thuốc: Hút thuốc không chỉ gây hại cho phổi như chúng ta đều biết. Hút thuốc còn làm tăng rủi ro mắc các bệnh về mắt, đặc biệt là bệnh cườm. Các chuyên gia y tế cho biết, nếu ngay hôm nay bạn bỏ thuốc lá, đồng nghĩa thị lực của bạn sẽ được cải thiện.

Không dụi mắt: Bằng thói quen dụi mắt, bạn gián tiếp đưa vi khuẩn và vi rút vào mắt. Ngoài ra, không bao giờ chạm tay vào mắt và khu vực xung quanh mắt một khi chưa rửa tay sạch sẽ.

Dùng kính mát chống tia tử ngoại: Việc tiếp xúc lâu với tia tử ngoại từ mặt trời có liên quan đến tổn thương mắt. Những rủi ro phổ biến bao gồm cườm mắt, thoái hóa điểm vàng và mất thị lực tạm thời. Hãy đeo kính mát chống tia tử ngoại nếu bạn muốn bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” của mình.

Tăng cường vitamin và dưỡng chất tốt cho mắt: Beta carotene và vitamin A: Vitamin A bảo vệ mắt khỏi nguy cơ tổn thương do những vi khuẩn có hại và tình trạng mất cân bằng ô xy hóa gây ra. Khoai lang, cà rốt, những loại rau lá sẫm, cá, gan và trái cây nhiệt đới là những nguồn thực phẩm giàu vitamin A. Beta carotene (sắc tố được tìm thấy trong những loại quả rau quả có màu vàng và cam) có thể dễ dàng chuyển hóa thành vitamin A khi được hấp thu vào cơ thể.

Kẽm: Những loại khoáng chất như kẽm có thể ngăn chặn tình trạng thoái hóa điểm vàng.

Sô cô la đen, tỏi, đậu hồi, hạt mè là những loại thực phẩm giàu kẽm.

Vitamin C: Sinh tố này hiện diện nhiều trong những loại rau quả như cam, cà chua, ớt đỏ, bông cải xanh… Khi được kết hợp với những chất chống ô xy hóa khác như vitamin E và kẽm, vitamin C có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mất thị lực và thoái hóa điểm vàng.

Omega 3: Các a xít béo omega 3 có thể giữ cho đôi mắt không bị khô và đảm bảo việc thải chất dịch từ chúng. Dầu hạt lanh, quả óc chó và những loại rau xanh nhiều lá được xem là “kho” a xít béo omega 3.

Vitamin E: Loại vitamin này có thể giảm thiểu rủi ro mắc chứng thoái hóa điểm vàng, đồng thời bảo vệ ADN của tất cả tế bào, trong đó có tế bào mắt. Vitamin E có thể được tìm thấy trong quả hạch và các loại hạt.

Quang Huy/thanhnien

Có thể bạn quan tâm