(GLO)- Người Jrai quan niệm, thóc do Yàng ban tặng nên người và thóc không được ở cùng nhau. Bởi lẽ đó, sự tồn tại của kho thóc còn chứa đựng nhiều câu chuyện mang tính lễ nghi truyền thống, thể hiện sâu sắc triết lý và tín ngưỡng của người Jrai.
Nhà nhà giữ kho thóc
Hiếm có vùng đất nào nơi người Jrai sinh sống còn giữ được nhiều kho thóc như Ia Phí (huyện Chư Pah). Ở đây, kho thóc luôn được các gia đình người Jrai xây dựng bài bản, đặt ở trước nhà. Thậm chí, nhà ở của người Jrai có thể cũ nát nhưng kho thóc luôn phải khang trang bởi đó là nơi cất trữ nguồn lương thực thiết yếu của con người.
Năm 1996, sau khi tách hộ, cùng với việc xây một căn nhà mới để ở, vợ chồng chị Rơ Châm Glel (làng Óp) đồng thời bắt tay làm kho thóc. “Con người có cái nhà để ở thì thóc cũng phải có kho. Nếu không có kho thóc đàng hoàng, Yàng sẽ giận và không ban cho mùa màng bội thu. Lúa đến mùa thu hoạch sẽ bị con chim, con sâu, con sóc trên rừng ăn mất và người trong nhà sẽ bị đói kém”-chị Glel lý giải. Kho thóc của gia đình chị Glel có hình thức tương tự nhà sàn của người Jrai nhưng quy mô và kết cấu đơn giản hơn. “Kho dùng chứa thóc nên diện tích chỉ chừng 10-15 m2. Kết cấu cần 6 cột trụ; phần sàn, tường vách, mái che tương tự nhà sàn”-chị Glel giới thiệu về kho thóc truyền thống của dân tộc mình. Hơn 22 năm tồn tại, kho thóc nhà chị Glel ít nhiều xuống cấp. Đầu mùa mưa năm tới, anh chị dự định sẽ cho sửa sang lại, tránh nước mưa tạt vào làm thóc bị hư.
Ông Rơ Châm Bloch trước kho thóc của gia đình mình. Ảnh: L.H |
Xưa kia, khi vật liệu tự nhiên còn nhiều, người Jrai dùng gỗ, tre nứa, cỏ tranh để làm kho thóc. Ngày nay, các vật liệu này dần trở nên khan hiếm, người dân dùng tôn, ngói, sắt thép… để làm kho thóc.
Theo Trưởng thôn Rơ Châm Háo, làng Óp hiện có 124 hộ với 503 khẩu; hầu hết các gia đình vẫn giữ truyền thống xây dựng kho thóc. “Ngày trước, bà con trong làng hầu hết trồng lúa, bắp, mì nhưng vẫn có kho thóc riêng. Bây giờ, cuộc sống và điều kiện sản xuất đã khác, bà con trồng cà phê, hồ tiêu, bời lời… nên một số gia đình đã cải tiến, kho thóc cũng đồng thời là nơi chứa các loại nông sản khác. Tất nhiên, khi thay đổi công năng sử dụng thì ít nhiều phải thay đổi thiết kế. Không còn nhà sàn, kho thóc có thể được xây như nhà cấp 4 bình thường để tiện khâu vận chuyển, cất giữ”-ông Háo nói. Tương tự, người dân làng Prép cũng còn giữ truyền thống làm kho thóc. “Mình vẫn dạy con cháu rằng phải giữ truyền thống cha ông, phải làm kho thóc”-ông Rơ Châm Bloch (làng Prép) khẳng định.
Khát vọng sống no đủ, yên bình
Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Jrai thường tổ chức lễ cúng mừng lúa mới vào đầu mùa thu hoạch, thường diễn ra vào tháng 11 hàng năm. Ngày nay, nhiều nơi bà con đã biết làm lúa nước 2 vụ nên ngoài lễ cúng lúa mới của làng theo nếp cũ thì lễ cúng lúa mới tại từng gia đình ít nhiều thay đổi về thời gian tổ chức.
“Bắt đầu vụ thu hoạch, khi bông lúa ngả vàng mình sẽ ra ruộng lựa lấy ít bông to, sai hạt nhất đem về làm lễ cúng lúa mới. Lễ vật gồm bông lúa, rượu, gà và không thể thiếu được lá cây hla ngăt. Nhà có điều kiện thì dâng lễ vật kỹ càng, nhà khó khăn lễ vật có thể giảm bớt. Quan trọng là thể hiện tấm lòng thành, mong Yàng chấp thuận cho người nhà đưa thóc về kho, ban cho những năm tháng no đủ”-chị Glel nói. Sau khi làm lễ cúng kho thóc, người nhà mới bắt tay vào cắt lúa, phơi khô và đưa lên kho bảo quản. Khi lấy thóc đem đi xay, giã làm gạo, người Jrai vẫn phải xin phép Yàng và thần linh bởi thóc là sản vật quý, con người không được hoang phí.
Trong dân gian tương truyền, kho thóc của người Jrai thường có một loài rắn thần trú ngụ và coi sóc. Rắn được người Jrai gọi tên là ala palo. Ala palo trông coi thóc cho gia chủ, không cho người ngoài xâm phạm; con chuột, con chim cũng không thể đến lấy thóc trong kho mang đi. “Trong cộng đồng người Jrai vẫn tương truyền, dòng họ Rơ Lan gắn bó mật thiết với loài rắn thiêng này. Họ dễ bắt gặp và nhìn thấy loài rắn này hơn những người thuộc các dòng họ khác. Bởi vậy, họ tuyệt đối không dám xua đuổi, tấn công làm tổn thương loài rắn này”-ông Rơ Châm Gương, cán bộ Dân tộc-Tôn giáo xã Ia Phí, cho biết.
Tuy nhiên, đó chỉ là những câu chuyện truyền miệng xung quanh sự tồn tại của kho thóc. Dù vậy, điều này cũng cho thấy ước vọng được sống no đủ, bình yên của con người, đồng thời nhấn mạnh đến việc con người phải sống hài hòa hơn với thiên nhiên, với vạn vật xung quanh đời sống và hoạt động sản xuất của cộng đồng.
Lê Hòa