Điểm đến Gia Lai

Những đổi thay ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: 48 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa Gia Lai ngày càng phát triển. Từ vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, Gia Lai vươn lên thứ 31 cả nước và thứ 2 khu vực Tây Nguyên về tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP). Phóng viên Báo Gia Lai đã gặp gỡ, ghi lại cảm nhận của một số cán bộ và người dân về những đổi thay ấn tượng ấy.

* Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa: Lĩnh vực kinh tế có sự phát triển vượt bậc

Với sự chung sức, đồng lòng, cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Đak Đoa đã tạo ra sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Hệ thống chính trị từng bước củng cố, kiện toàn. Kinh tế-xã hội chuyển biến mạnh mẽ từ đô thị đến nông thôn. Đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện nhờ chủ động tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất. Về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư khá đồng bộ. Đây là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự liên kết giữa các vùng. Đến nay, 100% tuyến đường giao thông chính kết nối đến 110 thôn, làng của huyện đã được bê tông hóa. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, khoảng 70% tuyến đường nhánh, đường xương cá ở các thôn, làng được bê tông hóa, cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Bên cạnh nông nghiệp, huyện Đak Đoa tập trung phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ, thương mại gắn với du lịch sinh thái. Trên địa bàn huyện có 24/42 dự án được các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và 7 dự án đang được triển khai. 50% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện phấn đấu trong nhiệm kỳ có 2/3 số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí mới, xây dựng thị trấn Đak Đoa trở thành đô thị loại IV giai đoạn 2021-2025.

* Hòa thượng Thích Từ Vân-Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh: Các tôn giáo đồng hành cùng đất nước

Cùng với cả nước, 48 năm qua, Gia Lai đã có sự phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng với điện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách liên quan nhằm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và Hiến pháp, pháp luật.

Thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, sinh hoạt tôn giáo theo đường hướng “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”; vận động tăng ni, phật tử địa phương tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội tại địa phương, góp phần kết nối đồng bào phật tử cùng hướng thiện, sống “tốt đời-đẹp đạo”, xây dựng Gia Lai phát triển ổn định, phồn vinh, hạnh phúc.

* Bà Đinh Thị Dúng-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 7 (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông): Giao thông kết nối, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt

Từ năm 1994 đến năm 1999, tôi là đại biểu HĐND huyện Chư Prông. Hồi đó, mỗi lần đi họp, tôi phải đi bộ gần 15 km từ xã Ia Lâu ra đến xã Ia Pia, sau đó đi xe đò về huyện. Một mình cứ băng đường mòn, luồn rừng mà đi. Mùa khô thì bụi mù mịt, còn mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt, chỉ có thể di chuyển bằng xe công nông. Đường sá cách trở, phương tiện giao thông hạn chế nên nông sản của người dân làm ra thường bị thương lái ép giá.

Hiện nay, cuộc sống đã thay đổi nhiều lắm. Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư hệ thống điện-đường-trường-trạm đến từng thôn, làng. Tuyến đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa, cứng hóa giúp người dân đi lại thuận lợi, hàng hóa lưu thông. Kinh tế phát triển, đời sống người dân từng bước nâng cao. Người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư bằng cách chủ động di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc ra sau nhà; làm hàng rào quanh nhà, quanh vườn; hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn; trồng cây xanh, trồng hoa dọc các tuyến đường để tạo cảnh quan môi trường. Xã Ia Lâu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Thôn 7 có 214 hộ dân với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 60%, tất cả các hộ dân đều có phương tiện nghe nhìn; nhà nào cũng có xe máy, số hộ nghèo giảm nhiều, chỉ còn 13 hộ.

* Chị Đinh Thị Hồng Diễm-Bí thư Đoàn xã Sơn Lang (huyện Kbang): Tuổi trẻ tích cực tham gia xây dựng quê hương

Thế hệ trẻ chúng tôi rất vinh dự khi được đóng góp một phần công sức vào sự phát triển của quê hương. Phát huy tinh thần xung kích, đoàn viên, thanh niên trong xã đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và chủ động vay vốn để mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Bên cạnh đó, hàng năm, đoàn viên, thanh niên còn tham gia hàng trăm ngày công để dọn vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, đào hố rác, làm hàng rào, trồng cây xanh, xây dựng và sửa chữa nhà ở, nhà vệ sinh cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, Đoàn xã đang nhận hỗ trợ 4 thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 450 ngàn đồng/quý/em.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên triển khai hiệu quả các phong trào, hoạt động và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập. Đặc biệt là mô hình phát triển du lịch cộng đồng, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của địa phương, vừa giúp người dân có thêm thu nhập.

Có thể bạn quan tâm