(GLO)- Xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) có 9 trẻ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Có em chỉ còn da bọc xương nằm co quắp, không thể vận động; có em cứ cười ngây dại với ánh nhìn vô định… Nhìn các em, bất cứ ai cũng phải nhói lòng.
1. Tiếng khóc ngằn ngặt của trẻ vọng ra từ một mái nhà sàn. Anh Duynh (làng Kon Sơ Lăh) ôm con trước ngực và kiên nhẫn vỗ về, mãi một lúc sau, có lẽ thấm mệt, bé A Nhật mới lăn ra ngủ. Nhìn con, rồi nhìn di ảnh vợ, anh Duynh nén tiếng thở dài. Hơn 1 tháng trước, vợ anh đột ngột qua đời, để lại nỗi đau lớn cho gia đình. Anh Duynh kể: Vợ chồng cưới nhau năm 2019 và sinh con trai đầu lòng cùng năm. Lúc mới sinh, A Nhật trắng trẻo, bụ bẫm, ai nhìn cũng thích. Nhưng đến 2 tháng tuổi, bé bị sốt cao, lên cơn co giật. Sau đợt ấy, mọi cử chỉ của A Nhật đều không giống những đứa trẻ bình thường, cổ mềm oặt và đến giờ vẫn chỉ nằm một chỗ. A Nhật cứ cười hoài ngây dại và mắt nhìn vô định, không phân biệt được người lạ, người thân.
Trước đó, vợ anh Duynh thường bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và sau khi sinh con, triệu chứng ngày một nặng. Có lẽ do con trai bị bệnh, thường xuyên quấy khóc khiến chị căng thẳng, mất ngủ triền miên. Chiều 21-5, anh Duynh đang làm cỏ mì thì nhận được điện thoại của vợ gọi về trông con. Biết bệnh của vợ nên anh vội thu dọn đồ đạc trở về. Phụ vợ dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, anh chở con trai sang nhà bà ngoại cách đó gần 1 km chơi. Khoảng 2 giờ sau khi trở về thì vợ đã mất. Mất vợ, con trai bệnh tật khiến người đàn ông 24 tuổi gần như suy sụp. Mong mỏi duy nhất của anh bây giờ là có tiền đưa con vào TP. Hồ Chí Minh khám bệnh và hy vọng có thể chữa trị.
2. Sinh năm 2011 nhưng Đúp (làng Kon Băh) nhỏ thó như đứa trẻ lên 3. Đúp nằm im một chỗ nơi góc nhà. Ngồi cạnh bên, bà Hyăi giải thích: Đắp chăn để muỗi không cắn, ruồi không bu. Mang thai Đúp ở tuổi 50, khi đã có vài đứa cháu nội, cháu ngoại nên mấy tháng đầu thai kỳ, bà Hyăi còn tưởng mình… mập lên. Rồi như 8 anh chị của mình, Đúp sinh ra lành lặn, khỏe mạnh nhưng sau 3 tháng bị sốt cao dẫn đến bại não.
Bà Hyăi (làng Kon Băh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) vừa chăm con, vừa chăm cháu. Ảnh: Anh Huy |
Bà Hyăi chia sẻ: “Lúc nhỏ, thấy con thỉnh thoảng lại cứng đờ, co giật, mắt trợn trừng, sùi bọt mép, vợ chồng mình sợ lắm! Bây giờ thì quen rồi. Đúp không nói được, không vận động nhưng cũng nhận biết được người thân trong nhà. Khi đói hoặc khi đau cũng ú ớ rồi khóc”. 4 người con của bà đã lập gia đình ở riêng. 2 trong 5 người còn lại đang làm công nhân tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh nên cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn. Tuy nhiên, tuổi già nuôi con mọn bệnh tật là điều không mấy dễ dàng. Xé từng miếng nhỏ bánh mì vừa đút cho con, vừa đút cho cháu ăn, bà Hyăi rầu rĩ nói: “Người nó chỉ có da với xương thôi. Nó không chịu ăn cơm, không thích uống sữa. Cả ngày chỉ ăn bánh mì với mì tôm”. Nhìn con, bà rưng rưng nước mắt, rồi thẫn thờ buông lời: “Không biết sau này nó sẽ ra sao. Lỡ mình già yếu rồi chết trước, ai sẽ chăm sóc nó”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đa Vĩnh-công chức Văn hóa-Xã hội xã Hà Tây-thông tin: Toàn xã có 96 trường hợp đang nhận bảo trợ xã hội, trong đó có 6 trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng và 3 trẻ em khuyết tật nặng. Đối với trẻ khuyết tật nặng, số tiền hỗ trợ mỗi tháng là 540 ngàn đồng/em; còn trẻ khuyết tật đặc biệt nặng là 675 ngàn đồng/em và người chăm sóc nhận 270 ngàn đồng. Chế độ chính sách của Nhà nước đã giúp các gia đình duy trì mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, đối với gia đình có trẻ khuyết tật đặc biệt nặng thì gặp khó khăn đủ bề.
ANH HUY