Hơi thở Gen Z

Gen Z thể hiện tình yêu với rap

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ dòng nhạc chịu nhiều định kiến, đến nay, rap được đón nhận cởi mở hơn, vươn lên dẫn đầu trong đời sống âm nhạc của tuổi teen. Ở Gia Lai, nhiều gen Z tự tin thể hiện tình yêu với rap, sáng tác những bản nhạc mang đậm tinh thần tuổi trẻ và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng.

Những rapper trẻ

Ngoài công việc chính là thiết kế tour, giới thiệu du lịch Gia Lai và dịch vụ camping, anh Đoàn Lanh (TP. Pleiku) còn đam mê nhạc rap. Bắt đầu từ việc nghe và cover (hát lại) những bài yêu thích, năm 2021, anh bắt tay viết những ca khúc đầu tiên. Chỉ khi sáng tác, lựa chọn ca từ nói lên cảm nhận về cuộc sống, tuổi trẻ và tình yêu, anh mới thỏa mãn với niềm đam mê dòng nhạc này.

Đến nay, anh Đoàn Lanh đã sáng tác hàng chục bài rap và phát hành một số MV (music video-một dạng phim ngắn kết hợp giữa hình ảnh với âm nhạc) đăng tải trên các nền tảng số, thu hút hàng ngàn lượt xem như: “Pleiku cypher” (Mật mã Pleiku), “Cảm nhận”, “Một nỗi buồn đẹp”…

Rapper Đoàn Lanh (bìa trái) cùng các cộng sự thực hiện MV “Pleiku cypher”. Ảnh: Bi Ly

Rapper Đoàn Lanh (bìa trái) cùng các cộng sự thực hiện MV “Pleiku cypher”. Ảnh: Bi Ly

Người xem không khỏi ấn tượng trước hình ảnh cực ngầu của rapper sinh năm 1997 trong MV về vùng đất anh đang sống, mang theo thông điệp “Nên sống cho thật đàng hoàng” (Pleiku cypher).

Hay những suy tư trước khó khăn, thử thách: “Trên cả cuộc hành trình không có bước chân của một kẻ lười biếng/Sống cho điều mình muốn tránh sao được những gièm pha điều tiếng…/Mài giũa sức chịu đựng để có thêm những bài học đắt giá/Đón nhận những niềm vui còn nỗi buồn thì nên xí xóa” (Cảm nhận).

MV "Cảm nhận" của rapper Đoàn Lanh (The Lanh) lấy bối cảnh là đập Tân Sơn thể hiện tình yêu anh dành cho âm nhạc và thiên nhiên. Thực hiện: Bi Ly

Không chỉ thể hiện tinh thần sống của tuổi trẻ, Đoàn Lanh lựa chọn kỹ càng bối cảnh thiên nhiên để thực hiện MV với những khung hình bắt mắt, dày công trau chuốt.

“Tôi không chỉ sáng tác để thỏa mãn đam mê với rap mà còn đồng hành với thiên nhiên. Nơi những nốt nhạc hòa vào tiếng lá xanh và dòng suối như một bản giao hưởng của tự nhiên. Đó là hành trình quan trọng trong cuộc đời tôi. Hơn nữa, tôi muốn khán giả thỏa mãn cả phần nghe, nhìn và cho MV của mình 1 lượt like xứng đáng”-anh Đoàn Lanh bày tỏ.

Rapper Hoàng KayLee và "Một chiều mưa phố núi". Ảnh: Bi Ly

Rapper Hoàng KayLee và "Một chiều mưa phố núi". Ảnh: Bi Ly

Chung tình yêu với rap, gen Z Nguyễn Đăng Hoàng (nghệ danh Hoàng KayLee, SN 1998) đã sáng tác trên 30 bài, trong đó có nhiều bài về tình yêu với quê hương Gia Lai. Hoàng KayLee có một số MV như: “Hoàng hôn trên núi Đá”, “This’s my hometown” (Đây là quê hương của tôi). Hay mới nhất là MV “Một chiều mưa phố núi”.

Lấy bối cảnh từ cảnh đẹp quê hương như núi Đá, Quảng trường Đại Đoàn Kết, bầu trời cao nguyên mùa mưa đưa vào MV, Hoàng KayLee nhận được nhiều sự đồng cảm của các bạn trẻ bởi chạm đến trái tim của họ: “Lên núi Đá ngắm hoàng hôn giờ trở thành một nét văn hóa/Ánh vàng cam như đang vẽ nên một bức tranh…/Nhưng lên chill thì về nhớ cầm theo rác” (Hoàng hôn trên núi Đá).

Còn trong “Đây là quê hương của tôi”, rapper trẻ kể chuyện Gia Lai với nhiều ca từ thú vị: “This’s my hometown-Pleiku City/Không cần nói nhiều cứ tra trên Wiki/Khí hậu luôn fresh”.

Tự hào về quê hương, anh không quên di sản cồng chiêng Tây Nguyên, món bún cua đặc trưng, thắng cảnh Biển Hồ, Quảng trường Đại Đoàn Kết hay đội bóng đá của bầu Đức… bằng ngôn ngữ ngồn ngộn chất liệu cuộc sống nhưng cũng không kém chất thơ.

Rapper Hoàng KayLee thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng. Ảnh NVCC

Rapper Hoàng KayLee thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng. Ảnh NVCC

Hoàng KayLee chia sẻ: “Ý tưởng để tôi viết lời cho rap đến từ những điều có khi nhỏ bé xung quanh. Tình yêu với quê hương Gia Lai cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tác. Cuộc sống không thiếu vẻ đẹp, sống hời hợt sẽ thấy mọi thứ trôi qua nhàn nhạt, vô vị. Những gì phố núi Pleiku, Tây Nguyên đang có là chất liệu để tôi đưa vào rap một cách đầy cá tính và màu sắc”.

Không chơi rap chỉ vì đam mê, Hoàng KayLee còn kiếm tiền từ nó. Một trong những bài rap đầu tay anh sáng tác và đưa lên các nền tảng số đã được một đơn vị mua với giá 15 triệu đồng. Đó là động lực để anh nỗ lực làm nhạc một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn.

MV "Hoàng hôn trên núi Đá" của rapper Hoàng KayLee. Thực hiện: Bi Ly

Tinh thần tuổi trẻ

Là dòng nhạc khá mới mẻ tại Gia Lai nên những rapper trẻ như Đoàn Lanh, Hoàng KayLee và cộng đồng yêu rap gặp không ít khó khăn, trở ngại để phát triển. Anh Đoàn Lanh cho biết: “Cách đây 5 năm, cộng đồng chơi rap ở Pleiku rất nhỏ. Vì vậy, ở đây không có phòng thu, thiếu trang-thiết bị để hoàn thiện một bài rap. May mắn là tôi gặp được producer (người sản xuất) Nguyễn Thiết (nghệ danh T-mix, huyện Chư Păh) vừa sản xuất âm thanh, hòa âm phối khí… Anh Thiết cũng là người giúp đỡ các rapper trẻ Gia Lai hoàn thiện tác phẩm.

Để hoàn thiện một bài rap đòi hỏi phải có producer chuyên nghiệp. Nếu không, những gì mình viết chỉ có thể là một bài thơ có vần điệu. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ gia đình. Bố mẹ từng rất phản đối khi thấy tôi rap. Nhưng bây giờ, mỗi khi tôi ra một MV và phát hành, bố lại là người ủng hộ tích cực. “Được đấy, bố ủng hộ cho 1 view” là cách ông bày tỏ sự hài lòng”.

Rapper Đoàn Lanh (The Lanh). Ảnh: NVCC

Rapper Đoàn Lanh (The Lanh). Ảnh: NVCC

Rap ngày càng thịnh hành trong đời sống của giới trẻ và “cảm hóa” được cả thế hệ vốn sẵn định kiến với dòng nhạc này. Rap có ca từ phóng khoáng, phù hợp với tư duy cởi mở của người trẻ. Bằng đam mê, làm và sống với âm nhạc một cách tử tế, những rapper trẻ ngày càng rap văn minh hơn. Đó không còn là sự gào thét, nổi loạn mà hướng tới những năng lượng tích cực, thậm chí chữa lành.

“Mỗi khi làm MV, tôi đều cho bố mẹ xem và họ rất vui. Dù biết tôi phải bỏ tiền túi vì đam mê, nhưng bố mẹ ủng hộ và đó là hạnh phúc. Nhưng kiếm được tiền từ đam mê như Hoàng KayLee, hạnh phúc còn nhân đôi”-anh Đoàn Lanh tâm sự.

Rap đã có đời sống ở Gia Lai, song để duy trì và phát triển nó, cần có sự đồng hành, hỗ trợ từ nhiều phía. Theo anh Đoàn Lanh: “Lâu nay vẫn có những show diễn nhỏ dành cho cộng đồng yêu rap ở Pleiku khoảng vài chục người. Đó là các bạn tuổi teen, nhiều em trong các ban nhạc học đường. Họ rap đủ loại, đủ màu sắc do mình tự viết.

Tuy nhiên, tôi mong đợi sân chơi chuyên nghiệp hơn, phát triển cộng đồng rap chuyên nghiệp hơn. Ví dụ trong những show rap nhỏ đó có thể chọn ra những gương mặt vừa sáng tác vừa biểu diễn tiềm năng, tạo cơ hội “bước ra ánh sáng” cho họ bằng cách hỗ trợ làm nhạc, phát hành MV, đưa lên các nền tảng số”.

Còn Hoàng KayLee thì cho biết: Làm nhạc ở tỉnh lẻ, âm nhạc kén người thưởng thức nên hoạt động sáng tác gần như độc lập, không có team hỗ trợ, khó cạnh tranh với các đơn vị giải trí truyền thông lớn… Nhưng anh luôn tin tưởng, rap sẽ nhanh chóng xác định vị trí và phát triển xứng đáng.

Có thể bạn quan tâm