Phóng sự - Ký sự

Những gia đình “3 thế hệ tiêu biểu” ở phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 (GLO)- Những gia đình Jrai nhiều thế hệ ở phố núi Pleiku đã cùng nhau vun đắp, trao truyền tình yêu với văn hóa truyền thống, tinh thần lao động hăng say, cống hiến hết mình cho sự phát triển của buôn làng. Họ trở thành gia đình “3 thế hệ tiêu biểu” điển hình tiên tiến.

Những gia đình “3 thế hệ tiêu biểu” ấy là “hạt nhân” trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Hộ bà Al (làng Têng 2, xã Tân Sơn) là gia đình “3 thế hệ tiêu biểu” ở TP. Pleiku. Ảnh: T.D

Hộ bà Al (làng Têng 2, xã Tân Sơn) là gia đình “3 thế hệ tiêu biểu” ở TP. Pleiku. Ảnh: T.D

1. Mẹ truyền-con nối là một trong những cách lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình bà Al (làng Têng 2, xã Tân Sơn). Cả 3 thế hệ của gia đình bà đều dành hết tâm huyết để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Một ngày tháng 6, chúng tôi đến thăm nhà bà Al. Ngôi nhà yên bình được điểm xuyết bởi hàng cau đang trổ buồng. Ngồi ngắm nhìn vườn cà phê tươi tốt, vườn rau xanh sạch, phía cuối vườn là chuồng nuôi bò, heo… chúng tôi cảm nhận được cuộc sống ấm no, thanh bình và tiến bộ của gia đình bà Al.

Bên khung dệt sẫm màu thời gian, bà Al tỉ mẩn kiểm tra những đường nét hoa văn trên tấm vải vừa dệt xong. Gia đình bà cũng là một trong những hộ tiêu biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con, từ con gái đến con dâu.

“Nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn là nét đẹp truyền đời của phụ nữ Jrai. Ngoài việc dạy con cháu kết đoàn, gắn bó xây dựng cuộc sống tốt đẹp, tôi luôn nỗ lực truyền dạy cho chúng nghề dệt với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc”-bà Al tâm sự.

Và mong muốn của bà Al được người con gái thứ 4 của mình là chị Anglưp thực hiện. Mặc dù quanh năm gắn bó với ruộng rẫy nhưng chị Anglưp luôn có tư duy tiến bộ cùng lối sống văn minh. Cùng với việc miệt mài học dệt từ mẹ, chị còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, xây dựng đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Đặc biệt, để nuôi dạy các con trưởng thành, vợ chồng chị chỉ sinh 2 con.

Chị bày tỏ: “Tôi dạy các con phải biết chăm chỉ làm việc, xây dựng kinh tế ổn định; biết gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Mẹ tôi là một nông dân cần cù, là nghệ nhân dệt giỏi, xoang đẹp… Tôi cũng mong muốn bản thân và con cái mình học tập mẹ để tiếp nối những điều tốt đẹp ấy. Và thật may mắn, gia đình 3 thế hệ chúng tôi đã gặp nhau ở điểm chung này”.

Tiếp lời chị Anglưp, cô con gái tên Yên hào hứng kể: Hình ảnh bà và mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải đã trở nên quen thuộc, gần gũi. Rồi gia đình 3 thế hệ chúng tôi trở thành những thợ dệt giỏi của làng. Chúng tôi thường tranh thủ dệt vải vào cuối ngày hay lúc nông nhàn, vừa để giữ nghề, vừa kiếm thêm thu nhập.

Cô gái 25 tuổi cho hay: “Vì yêu ngôi làng của mình và mong muốn đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng tiến bộ, tôi đã nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, quan tâm nuôi dạy con cái… Cùng với đó, tham gia gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay, bà ngoại, mẹ và tôi đều tham gia tích cực vào các đội cồng chiêng của làng”.

Chị H’ngui-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Têng 2-cho hay: “Gia đình bà Al là hộ duy nhất trong làng có 3 thế hệ tiêu biểu với những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Chúng tôi đã và đang nỗ lực lan tỏa nét đẹp tiến bộ này đến bà con trong làng”.

2. Sự học không bao giờ ngừng lại trong ngôi nhà của bà Nuh (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ). Niềm tự hào của bà lão Jrai ở tuổi 90 này là con cháu thành đạt và có nhiều cống hiến cho xã hội.

Giới thiệu cho chúng tôi về ngôi nhà 3 thế hệ tiêu biểu của làng, già làng Hmrik khẳng định: “Chính sự mẫu mực và tình yêu thương của bà Nuh đã trở thành điểm tựa và động lực cho con cháu của bà quyết tâm theo đuổi con chữ và trưởng thành. Bà Nuh là tấm gương sáng của làng về phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu và trao truyền nghề dệt truyền thống”.

Sự học không bao giờ ngừng lại trong ngôi nhà của bà Nuh (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung

Sự học không bao giờ ngừng lại trong ngôi nhà của bà Nuh (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung

Quả như lời già Hmrik, dù tuổi đã cao nhưng bà Nuh vẫn miệt mài chỉ dạy cho các con cách dệt đẹp và động viên con cháu học hành. “Với tâm niệm sự học sẽ giúp người Jrai thoát khỏi cảnh nghèo, vượt qua rào cản để vươn lên thay đổi cuộc sống, tôi đã vượt qua khó khăn để giúp các con trên con đường tìm kiếm tri thức. Niềm tự hào của tôi là những tấm giấy khen của các con, cháu mình. Hiện nay, con trai và con dâu của tôi đều là cán bộ gương mẫu của làng. Hai cô cháu gái cũng đã bước chân vào giảng đường đại học. Bao nhiêu vất vả, nỗ lực của tôi đã được đền đáp xứng đáng”-bà Nuh tự hào.

Tiếp nối tinh thần của mẹ, chị H’Huyên đã vượt khó để nuôi con ăn học. Từ tấm gương này đã lan tỏa tinh thần học tập trong cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức, vượt qua rào cản để vươn lên trong sự học của nhiều phụ nữ trong làng.

Ngoài làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con nên người, chị H’Huyên còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Ia Nueng. Chị vận động chị em phụ nữ chăm chỉ làm ăn, tích lũy để đầu tư cho các con theo học con chữ; đồng thời, cùng học và phát huy nghề dệt truyền thống của người Jrai.

Chị H’Huyên bộc bạch: “Là người con trong gia đình có truyền thống hiếu học, tôi đã nỗ lực trau dồi kiến thức, không ngừng học tập trên mọi phương diện. Năm 2015, từ nguồn vốn tích lũy, tôi mua được 1 ha cà phê và 4 sào lúa nước. Gia đình còn nuôi thêm heo sinh sản. Mỗi năm, tôi xuất bán khoảng 60 con heo giống, thu về gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, với 1 ha cà phê, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình có thêm nguồn thu trên 200 triệu đồng/năm. Khi kinh tế ổn định, việc trang trải cho học hành của các con cũng thuận lợi hơn”.

Nhìn con cháu mình ngày càng tiến bộ, bà Nuh không khỏi tự hào. Ngày ngày, bà vẫn cần mẫn bên khung cửi. Lòng bà vẫn đau đáu về những thế hệ mai sau của gia đình sẽ dùng tri thức và sự khéo léo để tiếp nối tinh hoa tốt đẹp của dân tộc mình mà bà và biết bao thế hệ cha ông đi trước đã ra sức gìn giữ.

Gia đình ông Rah Lan Run (65 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) là gia đình có 3 thế hệ tiêu biểu. Ảnh: Trần Dung

Gia đình ông Rah Lan Run (65 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) là gia đình có 3 thế hệ tiêu biểu. Ảnh: Trần Dung

3. Bằng tình yêu với văn hóa truyền thống, 3 thế hệ trong gia đình ông Rah Lan Run (làng Chuet Ngol, xã Chư Á) luôn nỗ lực “tiếp lửa” cho dân làng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Ông Run kể: “Bố của tôi đã 94 tuổi. Chính bố đã “tiếp lửa” cho tôi thêm yêu tiếng cồng chiêng, biết cảm nhận từng câu hát dân ca và nghệ thuật tạo hình trong đan lát”. Theo mạch câu chuyện, ông Run chia sẻ, bố ông tên là Rah Lan Rak. Với những hiểu biết sâu rộng và tiến bộ của mình, ông từng nhiều năm liền đảm nhận công tác Mặt trận của làng từ sau ngày giải phóng. Từ năm 1970 đến 2016, ông Rak được dân làng tín nhiệm bầu làm già làng.

“Bố vận động, giúp đỡ bà con làm kinh tế, chỉ dạy người làng đánh chiêng, đan lát và trở thành “quan tòa” hóa giải những mâu thuẫn, xích mích trong cuộc sống của bà con, góp phần gìn giữ bình yên cho làng. Chính vì thế bố trở thành tấm gương để tôi noi theo, học tập”-ông Run nhắc nhớ.

Năm 2007, ông Run được bầu vào Ban Công tác Mặt trận làng Chuet Ngol. Từ đây, theo bước chân của bố, ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương và được người dân yêu mến, tin tưởng. 10 năm sau đó, ông vinh dự được trao trọng trách lớn làm già làng. Bằng tình yêu với ngôi làng Jrai này, ông Run đã chỉ dạy lớp cháu con học cách đánh chiêng hay, đan lát giỏi, đoàn kết phát triển kinh tế.

Anh Rah Lan Ngưk bộc bạch: “Chúng tôi rất tự hào bởi những đóng góp của ông Run. Nghe lời ông, chúng tôi cùng nhau học hỏi điều hay, bài trừ cái xấu để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Ông Run cũng là người đứng ra hòa giải những vụ việc mâu thuẫn trong làng”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Pleiku: “Gia đình bà Al, bà Nuh, ông Run là 3 trong 9 gia đình hội viên người dân tộc thiểu số được Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Pleiku biểu dương, tôn vinh là gia đình nhiều thế hệ tiêu biểu; đồng thời được Chủ tịch UBND thành phố tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc năm 2023. Những gia đình Jrai “3 thế hệ tiêu biểu” đã cùng nhau vun đắp, trao truyền tình yêu văn hóa truyền thống và trở thành “hạt nhân” trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương”.

Điều khiến dân làng Chuet Ngol khâm phục hơn cả chính là sự trao truyền tình yêu văn hóa truyền thống từ các thế hệ của gia đình ông Run. Sự trao truyền này đã góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Jrai ở làng. Và thế hệ thứ 3 “tiếp lửa” chính là chị H’thi (con gái thứ 3 của ông Run).

Chị H’thi luôn tiên phong trong mọi phong trào, hoạt động, là người “tiếp lửa” văn hóa truyền thống Jrai. Năm 24 tuổi, chị được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Chuet Ngol. Trong vai trò này, chị vận động hội viên phụ nữ tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của làng với mục đích duy trì và phát triển nghề truyền thống, biến thổ cẩm thành hàng hóa. Không dừng lại ở đó, chị H’thi còn là tuyên truyền viên tích cực khi nỗ lực vận động được nhiều thanh-thiếu niên tham gia đội cồng chiêng. Nhờ sự góp sức của chị mà đội cồng chiêng thanh-thiếu niên của làng hoạt động hiệu quả.

Chị H’thi chia sẻ: “Những việc tôi làm chính là tiếp nối từ bài học quý mà ông và bố đã truyền dạy. Được sinh ra và lớn lên trong “chiếc nôi” văn hóa làng, tôi tự hào và nhận thấy trách nhiệm lớn lao của thế hệ trẻ hôm nay. Những đóng góp của gia đình tôi không chỉ góp phần bảo tồn nghề truyền thống, phát huy hiệu quả kinh tế mà còn tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số. Tôi vẫn sẽ nỗ lực “tiếp lửa” cho bà con dân làng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình”.

Có thể bạn quan tâm