Phóng sự - Ký sự

Những già làng-đảng viên ở Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều già làng - đảng viên ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, dù cao tuổi nhưng vẫn tâm huyết và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng trong việc xây dựng bản làng bình yên, no ấm. Họ được đồng bào tôn vinh là những đảng viên của bản làng.
Hiến đất mở đường, xây trường
Già làng Quỳnh Rêh ở bản A Đeeng Par Lieng 2, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, năm nay gần 91 tuổi, với 49 năm tuổi đảng nhưng vẫn minh mẫn đến lạ. Từng là bộ đội chống Pháp rồi bộ đội Trường Sơn trước khi cấp trên phân công về địa phương làm Xã đội trưởng (1973 - 1990) nên khi về hưu, già Quỳnh Rêh hiểu tường tận địa bàn và tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Nơi nào xảy ra tranh chấp, già đều kịp thời can thiệp, hòa giải. Đặc biệt, để bà con tin tưởng, noi theo, năm 2005, đường Hồ Chí Minh qua Bắc Sơn hoàn thành, già Quỳnh Rêh bàn bạc với 3 người em ruột, tự nguyện hiến phần đất của gia đình để mở con đường dài 700m, rộng 2,5m nối từ đường Trường Sơn vào khu dân cư và cũng để bà con trong vùng đi lại thuận tiện mỗi khi lên nương rẫy mưu sinh.
Đường vào thôn A Đeeng Par Lieng 2 hôm nay (tức con đường già Quỳnh Rêh cùng anh em hiến tặng 14 năm về trước), mới trải nhựa bê tông. Hai bên đường, nhà cửa xây kiên cố dưới bóng cây xanh và hoa mười giờ rực rỡ. Gần đó, một khu đất bằng phẳng trồng keo mới được phát quang để máy móc vào thi công xây dựng trường mẫu giáo xã Bắc Sơn. Ông Lê Văn Nghiêu, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho hay, trường mẫu giáo của xã xuống cấp nghiêm trọng, năm 2017, Nhà nước bố trí kinh phí để xây mới. Trường cũ chỉ rộng hơn 300m2, nằm mặt đường Hồ Chí Minh, rất nguy hiểm cho học sinh.
“Cán bộ xã đến trình bày, nếu không có mặt bằng xây trường mới, nguồn vốn ngân sách sẽ được huyện chuyển cho nơi khác. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm trẻ em Bắc Sơn lại chịu thiệt thòi. Già Quỳnh Rêh chẳng suy nghĩ lâu, tự nguyện hiến luôn cả khu đất trồng keo gần nhà và vận động con cháu gần đó cùng hiến đất xây trường”, ông Lê Văn Nghêu nói thêm, cũng nhờ già Quỳnh Rêh tiên phong hiến đất làm đường, xây trường học mà thời gian qua, địa phương đã huy động bà con nhân dân tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công lao động và hiến tặng trên 5ha đất để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, 100% hộ dân ở xã đều có đường bê tông từ đường liên thôn vào tận nhà.
 
Già Quỳnh Rêh hiến tặng đất xây Trường Mẫu giáo Bắc Sơn
Hỏi lý do cùng con cháu hiến gần 1ha đất canh tác để xây trường mẫu giáo Bắc Sơn, già Quỳnh Rêh nói, việc mình làm không có gì lớn lao. “Khi chưa có ánh sáng của Đảng và Bác dẫn đường, con chữ xa lạ với cả vùng A Lưới. Tuổi tính theo mùa rẫy, con trăng, lấy lá rừng làm bát đựng thức ăn, đàn bà con gái không đủ váy mặc, thanh niên đóng khố bằng lá dăm bo. Từ năm 1955 đến 1959, già làng, trưởng bản từ miền Nam ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Trong những chuyến đi ấy, A Lưới có 10 người, gặp Bác, ai cũng mừng vui, nước mắt rưng rưng. Bác ân cần dặn dò - con đường giải phóng dân tộc là đem lại ấm no, hạnh phúc… Nhớ lời Bác dặn, cả 10 người khi về lại địa phương đều tích cực vận động con em đi theo Bác, theo cách mạng. Nhiều gia đình ăn sắn, ăn khoai, còn thóc gạo, bạc, trâu bò và cả những tài sản quý giá nhất thì nhường hết cho bộ đội. Người người, nhà nhà là căn cứ che chở bộ đội, bảo vệ đường 559. Nay mình và các con cháu bớt một ít đất để làm trường cho mấy đứa nhỏ trong xã có nơi học tập, vui chơi thì có gì mà tiếc chứ. Mình cũng sống trong thôn này mà. Cái thôn nó đẹp và văn minh, mình thấy sướng con mắt, vui cái bụng là thỏa mãn rồi”, già Quỳnh Rêh nói.
Qua câu chuyện với người dân A Đeeng Par Lieng 2, chúng tôi được biết, già Quỳnh Rêh còn là tấm gương mẫu mực. Già là người nhiệt thành truyền đạt kiến thức, dạy dỗ thế hệ sau, nhất là con cháu trong gia đình đi theo lý tưởng cách mạng, trở thành những cán bộ, đảng viên, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển A Lưới. “Gia đình già Quỳnh Ré hiện có 36 người là đảng viên, công tác tại địa phương và một số đơn vị quân đội, biên phòng”, ông Lê Văn Nghiêu nói.
Già làng làm - dân bản theo
Tuyến biên giới thuộc địa bàn huyện A Lưới dài 84km, tiếp giáp nước bạn Lào, phần lớn nằm dọc các dãy núi hiểm trở, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp: tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, mua bán, vận chuyển ma túy và nhiều tệ nạn ở hai bên biên giới. Gần đây, cùng với bộ đội biên phòng, rất nhiều người dân ở đây là trưởng bản, người có uy tín đã trở thành nòng cốt trong công tác xây dựng quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, toàn vẹn lãnh thổ. Họ được ví như những “cột mốc sống” giữ biên cương.
 
Già Quỳnh Nghề (ngoài cùng bên phải) trong lần tuần tra cột mốc tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng phấn khởi cho biết, 99 già làng, người uy tín tiêu biểu tại địa phương chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều, không chỉ phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân mà còn làm tốt công tác tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với nhân dân.

“Tiếng nói của các già làng như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng. Già làng nói - dân bản nghe, già làng hô - dân bản hưởng ứng, già làng làm - dân bản làm theo”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Gặp và được già Quỳnh Nghề là đảng viên ở thôn A Niêng, xã Hồng Trung (A Lưới), chiêu đãi những khúc mía vừa chặt sau vườn. Vị ngọt của giống mía màu tím thẫm, thân bóng mịn, lóng dài như xua tan mệt mỏi. Già Quỳnh Nghề mở đầu câu chuyện về hành trình cùng bộ đội biên phòng tuần tra, canh giữ nơi biên cương: “Cuộc sống từ nhỏ tới giờ gắn chặt với nghề đi rừng nên đi tuần tra đường biên, mốc giới như những chuyến đi quen thuộc. Nhưng vinh dự và thiêng liêng là những lúc cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng chào cờ nơi cột mốc. Đó là lúc tự cảm thấy bản thân đã góp sức nhỏ vào việc bảo vệ, giữ từng tấc đất nơi “phên dậu” của Tổ quốc mà cha ông bao đời gìn giữ”, già Quỳnh Nghề tự hào.

Không quản ngại nắng hay mưa, cứ tối đến, khi bà con trong thôn A Niêng đi nương rẫy về, già Quỳnh Nghề lại lọ mọ đến từng nhà trò chuyện, vận động mọi người thực hiện nghiêm việc bảo vệ đường biên, mốc giới. Già thường nhắc bà con về việc bảo vệ đường biên, cột mốc giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình mình vậy. “Cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu ấy khiến bà con đều hiểu vấn đề rất nhanh và nhiệt tình tham gia cùng bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Hiện 100% hộ gia đình ở thôn A Niêng đều tham gia Tổ tự quản đường biên, cột mốc. Hàng tháng các tổ tự quản thay phiên nhau, phối hợp với tổ công tác biên phòng tuần tra dọc đường biên, cột mốc”, Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết. Bốn đồn biên phòng tuyến biên giới A Lưới đều phối hợp tốt với chính quyền 12 xã biên giới phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong bảo vệ đường biên, mốc giới; đã thành lập và vận động thành lập 49 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với 1.456 người tham gia. Qua đó, nhân dân tích cực cung cấp cho bộ đội biên phòng nhiều tin giá trị trong việc quản lý địa bàn, đấu tranh phòng, chống tội phạm khu vực biên giới.
Văn Thắng (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm