Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những góc nhìn về tranh Hàng Trống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong hai ngày 10 và 11-11, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, quận 2, TP HCM, ông Lê Đình Nghiên - nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh dân gian Hàng Trống, sẽ có buổi trò chuyện cùng nhà sưu tập Thanh Uy và nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang về “Cảm hứng từ nghệ thuật dân gian: Những góc nhìn tranh Hàng Trống”.

Một tác phẩm tranh Hàng Trống nổi tiếng
Một tác phẩm tranh Hàng Trống nổi tiếng



Tranh Hàng Trống ra đời từ khoảng thế kỷ 17, dòng tranh này gắn liền với địa danh phường Hàng Trống, Hà Nội, được xem như một nét văn hóa của giới quan lại thượng lưu chốn kinh kỳ phồn hoa do sự cầu kỳ trong kỹ thuật và kích cỡ lớn... Theo dòng lịch sử, xã hội có nhiều biến đổi, kéo theo nhu cầu chơi tranh của người mua cũng suy giảm. Từ hàng trăm người từng làm nghề, đến nay chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên (con trai nghệ nhân Lê Đình Liệu) vẫn còn đam mê, nung nấu giữ hồn cho dòng tranh Hàng Trống.

Buổi trò chuyện nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng về tranh Hàng Trống dưới các góc nhìn đa chiều, góp phần khơi gợi ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian, giúp tác phẩm gần gũi hơn với đời sống hiện đại. Tại buổi đối thoại có trưng bày các tác phẩm phiên bản giới hạn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, cùng hoạt động thực hành: nhóm Họa Sắc Việt hướng dẫn khán giả chọn màu sắc, họa tiết từ tranh dân gian Hàng Trống để tạo thành các họa tiết trang trí trên sỏi.

Thúy Bình (sggp)

Có thể bạn quan tâm