TN - Đất & Người

Những hành trình start-up

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hành trình khởi nghiệp của mỗi người là một câu chuyện riêng, có khó khăn, có thuận lợi. Nhưng họ đều giống nhau ở chỗ: có đam mê quyết liệt và đã nỗ lực quyết liệt cho đam mê đó. “Quả ngọt” bây giờ là hoàn toàn xứng đáng.

Kiến trúc sư  Nguyễn Hà Thanh:
“Yếu tố quan trọng nhất của khởi nghiệp là trí tuệ”

 

 Kiến trúc sư Nguyễn Hà Thanh. Ảnh: H.D
Kiến trúc sư Nguyễn Hà Thanh.

Hiện là Giám đốc Công ty TNHH Nghệ Thuật Mới (27F Lý Thường Kiệt, phường 4, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), chủ của Trung tâm Đào tạo Thể hiện kiến trúc và Thiết kế nội thất Newa (226 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh), tham gia giảng dạy về thiết kế cho một số trường đại học, Kiến trúc sư Nguyễn Hà Thanh, một người con của Gia Lai đã khởi nghiệp thành công tại TP. Hồ Chí Minh ngay sau khi tốt nghiệp bằng “style quái kiệt”.

“Tôi chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp là có chủ ý. Thực ra khi tốt nghiệp, tôi muốn quay về đóng góp cho Gia Lai. Tuy nhiên, khi cùng tham gia các dự án thiết kế mới cho trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, nhà thờ Thăng Thiên cùng với nhóm kiến trúc sư ở Hà Nội và kiến trúc sư Nguyễn Ba tại Gia Lai, tôi nhận thấy cần ở lại Sài Gòn để trui rèn thêm nghề nghiệp chuyên môn. Chưa kể, khi tỉnh nhà có dự án lớn, quan trọng cũng sẽ hướng tới các kiến trúc sư có tên tuổi, có kinh nghiệm ở các thành phố lớn”-Kiến trúc sư Nguyễn Hà Thanh nói về nguyên nhân “tha phương” của mình. Và với anh, thứ quan trọng nhất của khởi nghiệp chính là trí tuệ, rồi đến sự kiên định, và sau nữa mới là vốn.

Anh chia sẻ: “Khởi nghiệp ở một thành phố lớn dễ mà không dễ. Hạn chế về tầm nhìn, về nếp sống văn minh của một người sinh ra, lớn lên ở tỉnh lẻ là rào cản lớn nhất. Nó luôn làm cho ta cảm giác chông chênh giữa tự ti và liều lĩnh. Nhất là trong tư duy khởi nghiệp của người sống ở thành phố luôn có xu hướng chợ, xu hướng tư bản, họ luôn có bài toán khởi nghiệp về thị trường, về vốn và kỹ năng điều hành tốt hơn vì môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, người ở tỉnh lẻ lập nghiệp sẽ có sự khát khao, ý chí và kiên định. Tôi cho đó là cái giá được trả cho sự lựa chọn sống còn với sự nghiệp trên đất khách mà nếu buông cái đó ra, mình sẽ... rơi xuống”.

Theo anh, kiến trúc có 2 loại: một cho cá nhân và một cho cộng đồng. Loại cho cá nhân thì có tiền sẽ có quyền, đương nhiên đi kèm với tiền sẽ là ưu- nhược điểm, những hay ho và khiếm khuyết của cá thể. Nếu kiến trúc sư đủ giỏi thì “điều trị” những trường hợp này không khó, cái khó nhất là dám từ chối khi ước muốn của chủ nhà làm ảnh hưởng đến xã hội, đến cộng đồng, bởi nếu bất chấp vì tiền là điều xúc phạm đạo đức nghề. Kiến trúc cộng đồng thì kiến trúc sư thường phải vượt qua được tính chưa chuyên nghiệp của chủ đầu tư và các yếu tố khác. Về nghề, anh thuộc “style quái kiệt-tức là giỏi và rất có cá tính. Bởi vậy, những công trình anh thực hiện đều tạo nên dấu ấn riêng. Hơn 20 năm làm nghề, công trình trải dài khắp từ Nam ra Bắc. Riêng tại Gia Lai, Kiến trúc sư Nguyễn Hà Thanh cũng để lại một số dấu ấn ở các  công trình như: Trụ sở Tỉnh ủy, nhà thờ Thăng Thiên (hợp tác thiết kế); biệt thự trắng tại ngã tư Lê Hồng Phong-Trần Quang Khải; biệt thự 45 Lê Hồng Phong...

“Người trẻ thường cho rằng mình là cá biệt, là độc đáo, là duy nhất, cho rằng mình tổn thương nhiều hơn người khác và đặc biệt là hay đánh giá mình cao hơn mức lương người khác trả. Đó là điểm yếu cần khắc phục. Riêng với nghề kiến trúc, nếu không tìm thấy đam mê trong sáng tạo thì nên bỏ nghề”-Kiến trúc sư Nguyễn Hà Thanh chia sẻ.

Nguyễn Chí Nguyên:
Hành trình của những giọt mồ hôi

 

Nguyễn Đức Duy kiểm tra thiết bị ô tô.
Nguyễn Đức Duy kiểm tra thiết bị ô tô.

Khuôn mặt hiền lành, đôi mắt to sáng và nụ cười điềm đạm, ông chủ trẻ của vườn ươm Lâm Nguyên-Nguyễn Chí Nguyên (trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) dễ tạo được thiện cảm cho bất cứ ai ngay lần đầu tiên gặp mặt. Khởi nghiệp ở độ tuổi khá trẻ, Chí Nguyên là một điển hình về làm kinh tế mà không phải bạn trẻ nào cũng làm được. Số lượng cây giống có thường xuyên trong vườn của Nguyên vào khoảng 13 vạn cây, gồm: cà phê, hồ tiêu, điều, bơ, chôm chôm, mít, sầu riêng… và các loại cây làm trụ sống cho hồ tiêu như: muồng, keo, huỳnh đàn, ngúc ngoác… Bên cạnh đó là vườn phong lan với khoảng 1.500 giò. Tất cả đều bắt đầu chỉ từ nguồn vốn 20 triệu đồng vay ngân hàng. Sau mỗi mùa vụ, Nguyên lãi khoảng 250 triệu đồng. Hàng năm, Nguyên tạo việc làm thường xuyên cho nhiều thanh niên. Nguyên còn hỗ trợ cây giống cho các đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong năm 2016, Nguyên đã hỗ trợ khoảng 30.000 cây bời lời cho Huyện Đoàn Đak Đoa, Đoàn xã Ia Hrung (huyện Ia Grai), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ia Grai và một số đoàn viên thanh niên khác.

Những thành quả hôm nay của Nguyên được “tưới tắm” bằng những giọt mồ hôi. Những người xung quanh đã quá quen thuộc với hình ảnh một thanh niên miệt mài chăm tưới cho 3 sào vườn ươm của mình. Những ngày đầu làm vườn, Nguyên rất thiếu kiến thức về nông nghiệp. Bỡi lẽ, Nguyên tốt nghiệp Khoa Thư viện Thông tin, ra trường về làm tại Huyện Đoàn. “Khi làm rồi mới bắt đầu mày mò nghiên cứu, học hỏi trên mạng hoặc đến các vườn ươm lớn để tìm hiểu thêm. Vì vậy, lúc mới bắt đầu, số cây giống và cây ghép bị chết nhiều. Buồn và lo lắm. Phải tìm hiểu và từng bước khắc phục cũng như tích lũy kinh nghiệm dần dần. Giờ thì ổn rồi. Hiện mình chỉ phụ trách phần kỹ thuật, còn những việc khác như tưới tắm, bón phân, làm cỏ… mình thuê người làm”.

Những ngày này, Nguyên phải dành thời gian đáng kể cho vườn cây giống. Chưa kể 1.500 giò phong lan các loại đang trong giai đoạn “thuần” cũng ngốn thời gian của Nguyên không ít.

Điều đáng khâm phục nhất ở Nguyên chính là tinh thần ham học hỏi, nỗ lực vượt khó, đặc biệt là tự thân vận động. Cho tới nay, “sau mỗi vụ bán, số lãi thu được mình để tiếp tục đầu tư vào vườn ươm chứ không tiêu xài gì. Mình muốn mọi thứ phải phát triển thật bền vững”-Nguyên nhẹ nhàng chia sẻ.

Nguyễn Đức Duy:
Khởi nghiệp bằng đam mê

 

Nguyễn Chí Nguyên chăm sóc phong lan.
Nguyễn Chí Nguyên chăm sóc phong lan.

Không phải bỗng dưng mà Duy có biệt danh là “Sâu xe”. Duy mê xe từ nhỏ. Ngày trước, Duy thường được  bố (là tài xế) đưa đi chơi đây đó trong những chuyến công tác. Nhờ vậy mà Duy được bố chỉ cho cách phân biệt các loại xe, thao tác trên xe như chuyển số, đánh vô lăng... Sau đó, gia đình chuyển hướng sang kinh doanh phụ tùng và sửa chữa xe nên Duy lại có cơ hội tiếp xúc với các món linh kiện, phụ tùng, cấu tạo xe. Đến năm lớp 11, khi la cà các tiệm sách cũ, Duy thấy những tạp chí chuyên ngành về xe ô tô, mê mẩn nên sưu tập được rất nhiều tạp chí Otoxemay. Nhờ đó, Duy đã biết phân biệt các hãng xe, dòng xe, sự thay đổi giữa các đời xe, thông số kỹ thuật, rồi mơ ước đến một ngày mình có thể thật sự cảm nhận nó chứ không phải chỉ đọc qua sách vở báo chí. Trùng hợp là môn học Kỹ thuật Công nghiệp trong chương trình phổ thông lại học về cơ khí nên lúc nào trong lớp cũng có một học sinh hăng hái xây dựng bài-đó là Duy.

Đến khi thi đại học thì Duy chọn ngành cơ khí động lực. Bước ngoặt trong sự nghiệp của Duy là gặp được thầy Đỗ Văn Dũng-hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Thầy đã khai sáng và truyền lửa đam mê về công nghệ ô tô, cho Duy kiến thức “nền”. Duy quyết định lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. “Với mình, chỉ có khó khăn trong lĩnh vực kỹ thuật mới đáng chú ý, nhất là khi ngành này còn rất mới, không có nhiều thông tin vì các hãng xe luôn luôn muốn giữ bí quyết công nghệ. May mắn là mình được rất nhiều anh em bạn bè trong nghề hỗ trợ, giúp đỡ, khách hàng tin tưởng nên dần dần khắc phục được các khó khăn về kỹ thuật. Rồi mình theo dõi, tham gia các diễn đàn chuyên ngành kỹ thuật ô tô trong và ngoài nước để tìm kiếm tài nguyên, kết bạn với các chuyên gia nước ngoài, tham gia các buổi báo cáo chuyên đề trong trường đại học để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm”-Duy nói về những ngày đầu khởi nghiệp của mình.

Hiện tại, Duy đang phát triển song song hai mảng kinh doanh với 2 thương hiệu riêng biệt: “DiagPRO”-chuyên chẩn đoán, sửa chữa, nâng cấp, lập trình hệ thống điện tử trên xe hơi hiện đại và “PNA” là một thương hiệu mới, định hướng phát triển trở thành nhà cung cấp phụ tùng nhập khẩu chuyên nghiệp trong tương lai. Chuyên nghiệp, uy tín và chất lượng chính là những yếu tố giúp Duy phát triển mạnh và bền vững tại thành phố lớn nhất nước. Nhiều chủ nhân những siêu xe đã tin tưởng giao “cục cưng” của mình cho Duy “bắt bệnh”, sửa chữa. “Khách hàng hiện giờ của mình phần nhiều là những người sử dụng các loại xe đặc biệt, khi gặp vấn đề trong quá trình sử dụng mà chưa có hãng ở Việt Nam cần giải quyết thì nhóm của mình sẽ nghiên cứu và tư vấn, lên phương án sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp cho họ”.

Duy đang tích cực nghiên cứu một số ứng dụng thông minh cho xe ô tô ở Việt Nam, xây dựng hệ thống, đội ngũ kế thừa để phục vụ cho nhu cầu mới của thị trường với mong muốn có một ngày xe hơi sẽ trở thành một tiện ích dễ tiếp cận, an toàn, giá rẻ cho tất cả người dân Việt Nam.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm