Bạn đọc

Những kẻ lừa đảo "ẩn mình"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp liên tục phản ánh việc một số đối tượng giả danh cán bộ, nhân viên các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh để ép mua các loại sách báo, tài liệu. Đáng chú ý là giá bán các loại sách, tài liệu cao ngất ngưởng. Trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân đã mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Từ đầu năm đến nay, các đối tượng đã liên tiếp mạo danh cán bộ, nhân viên Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư để lừa bán sách, tài liệu với giá cao. Chưa dừng ở đó, đối tượng lừa đảo còn giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy để bán sách, tài liệu về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.     
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Tổng hợp từ thông tin phản ánh, chúng tôi nhận thấy các đối tượng lừa đảo thường gọi điện thoại giới thiệu là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực mà các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Sau đó, đối tượng thông báo sắp có đợt thanh tra, kiểm tra và yêu cầu mua các loại sách, tài liệu liên quan để bổ sung vào hồ sơ. Nếu không mua thì sẽ bị đoàn kiểm tra làm khó, thậm chí phạt rất nặng. Sau đó, sách thường được gửi tới người mua qua đường bưu điện, yêu cầu người mua trả tiền trước khi nhận hàng. Khi biết mình mắc bẫy, người mua gọi đến số điện thoại người giới thiệu trước đó thì không liên lạc được.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan bị mạo danh đã lên tiếng cảnh báo đó là hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn tiếp tục sử dụng chiêu trò này để lừa đảo nhiều nơi. Trên thực tế, cơ quan chức năng ở tỉnh ta vẫn chưa phát hiện, xử lý đối tượng nào liên quan đến trò lừa đảo này.
Trước thực trạng đó, nhiều người đặt câu hỏi: Thủ đoạn lừa đảo lộ liễu như vậy mà tại sao nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn bị “sập bẫy”? Vì sao ngành chức năng chưa điều tra, xử lý đến nơi đến chốn?
Theo chúng tôi, sở dĩ các đơn vị, doanh nghiệp bị lừa là bởi một mặt mù mờ về thông tin, mặt khác do mắc nhiều lỗi trong quá trình hoạt động nên luôn thường trực tâm lý lo sợ bị thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng “con bài” thanh tra, kiểm tra để thuyết phục, thậm chí dọa dẫm để đạt được mục đích.
Với câu hỏi vì sao các đối tượng chưa bị phát hiện, xử lý triệt để, theo chúng tôi, nguyên nhân trước tiên có lẽ cơ quan chức năng chưa nhận được thông tin tố giác kịp thời của các đơn vị, doanh nghiệp. Mặt khác, đối tượng giả danh lừa đảo sử dụng thuật “ẩn mình” nên rất khó “điểm mặt chỉ tên”. Cụ thể, quá trình giao dịch giữa kẻ lừa đảo và người bị hại chỉ diễn ra trong các cuộc điện thoại, trong khi đó, việc quản lý thuê bao điện thoại đang là bài toán khó giải. Ngoài ra, quá trình chuyển sách, tài liệu cũng thông qua đường bưu điện. Đặc biệt, qua tìm hiểu hóa đơn tính tiền thì được biết nơi cung cấp sách, tài liệu chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.
Việc đấu tranh ngăn chặn trò lừa đảo này là khó khăn, nan giải. Tuy nhiên, không vì thế mà cả xã hội khoanh tay đứng nhìn những kẻ giả danh, lừa đảo mặc sức hoành hành. Nhiều người cho rằng cơ quan chức năng cần tích cực điều tra, xử lý và đầu mối có thể là các đại lý gửi sách, tài liệu qua đường bưu điện. Trong khi chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng việc nói không với những hình thức buôn bán, giao dịch dạng này. Tất nhiên, vấn đề cốt lõi là phải làm ăn chân chính để không phải thun thút lo sợ khi nghe đến thanh tra, kiểm tra.
 Duy Lê

Có thể bạn quan tâm