Sức khỏe

Dinh dưỡng

Những lỗi cha mẹ nên tránh để ngăn nguy cơ trẻ ngộ độc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gọi thuốc là “kẹo”, chứa hóa chất (a xít, xăng, dầu...) trong các chai đựng nước, là những bất cẩn của người lớn khiến trẻ bị ngộ độc.

 
Người lớn cần để thuốc xa tầm tay của trẻ - Ảnh: Shutterstock
Người lớn cần để thuốc xa tầm tay của trẻ - Ảnh: Shutterstock



TS-BS Lê Ngọc Duy, phụ trách Trung tâm cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết: Tai nạn ngộ độc ở trẻ em thường xảy ra với trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò và khám phá thế giới xung quanh, thường đưa mọi thứ vào miệng, ăn hoặc uống bất cứ thứ gì dù mùi vị ra sao, nhất là những thứ trông có vẻ hấp dẫn, mang màu sắc sặc sỡ.

Vì vậy, người lớn cần chú ý phòng ngừa để tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, cần lưu ý các tình huống có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Không để trẻ ở gần hóa chất

Hóa chất là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc cho trẻ trong gia đình. Cần khóa cẩn thận tất cả các ngăn, hộc tủ có chứa hóa chất. Các vật dụng chứa hóa chất phải để xa tầm với của trẻ em, không để trẻ nhìn thấy.

Khi bạn đang sử dụng hóa chất mà có trẻ ở bên cạnh, nếu có điện thoại gọi đến cần nghe, bạn hãy bế trẻ đi cùng trong lúc nghe điện thoại, không để trẻ lại một mình, trẻ tò mò sẽ tự ăn, uống hóa chất hoặc gây tai nạn. Để tránh sử dụng nhầm, không dùng các dụng cụ vốn chứa thức ăn, đồ uống để đựng hóa chất; không để thực phẩm và hóa chất gần nhau. Ngay sau khi dùng xong hóa chất, hãy để chúng trở lại vị trí bảo quản riêng biệt.

Không cho trẻ lại gần các khu vực vừa được phun hóa chất. Loại bỏ tất cả các hóa chất cũ hoặc quá hạn có trong nhà. Dành thời gian nói cho trẻ biết về các chất độc.

Không gọi thuốc là “kẹo”

Thuốc là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc cho trẻ tại gia đình. Người lớn cần để thuốc xa tầm tay của trẻ, không cho trẻ nhìn thấy. Đảm bảo tất cả thuốc được để trong vật chứa đựng an toàn với trẻ và được ghi nhãn mác đúng loại. Tránh dùng thuốc trước mặt trẻ vì trẻ nhỏ thường bắt chước người lớn. Không gọi thuốc là “kẹo” vì thuốc và kẹo có thể trông giống nhau và trẻ không thể phân biệt được.

Ngoài ra, cẩn thận với thuốc mà khách của bạn mang theo đến nhà vì trẻ rất tò mò, có thể lục tìm thấy thuốc trong các túi của khách. Không tự ý cho trẻ uống theo đơn cũ hoặc đơn của bác sĩ kê cho trẻ khác. Cùng một triệu chứng nhưng nguyên nhân gây bệnh có thể khác nhau, mỗi trẻ cần được kê theo liều lượng phù hợp.

Không ăn lá cây

Cha mẹ nên hướng dẫn cho con biết tên các loại cây trồng trong vườn, cây cảnh trong nhà và để các cây có thể gây ngộ độc xa tầm tay trẻ em. Dạy trẻ không ăn lá hoặc quả (loại không ăn được) của các cây mọc trong vườn. Ngay cả với loại cây động vật ăn được thì cũng không nên nghĩ rằng các lá hoặc quả đó là an toàn với người. Không để trẻ lại gần các cây mới được phun hóa chất bảo vệ thực vật.

Trẻ cần được hướng dẫn không ăn nấm mọc trong vườn nhà vì các nấm này có thể rất độc. Đặc biệt, vào mùa mưa nấm mọc rất nhiều.


 

Đường dây nóng hỗ trợ xử trí ngộ độc

Để trẻ không bị tai nạn ngộ độc, trước hết cha mẹ cần chú tâm thực hiện “ngôi nhà an toàn”, kiểm soát tối đa các nguy cơ.

Có thể gọi đến đường dây nóng tư vấn của Trung tâm cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi T.Ư) trong trường hợp cần thiết theo số điện thoại: 0981113515.



Nam Sơn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm