Những mùa mưa ruổi dọc biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những căn nhà dựa lưng vào “bức tường” cao su xanh ngắt, nhô lên chúc xuống theo triền dốc. Bạn tôi thốt lên: “Những căn nhà xô lệch không gian!”.
Chúng tôi đang ngồi trú mưa trong một căn nhà như vậy ở cái xóm mà người ta vẫn gọi vui là “Xóm Liều” hay là “Xóm Bầu”. Gọi “xóm” nhưng thực ra đó là đội sản xuất của một công ty cao su ở huyện Đức Cơ. Đội có 43 nữ thì 15 nữ ở vào cái tuổi “tam thập” trở lên. 14 chị có con nhưng đỗ “bến không chồng”. Chỉ còn 1 chị “cầm cự” cùng 6 cô sinh năm 1970…
Họ là những cô gái của vùng đất “Hà Tây quê lụa” tình nguyện vào đây ngay khi mới thành lập nông trường. Lúc bấy giờ, miền đất biên cương cũng hoang hoải trong những cơn mưa ruổi. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê cùng bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống ập đến có lúc tưởng chừng không vượt nổi nhưng họ vẫn động viên nhau gắng sức vượt lên. Hơn 10 năm trôi qua, miền đất hoang dã, xác xơ vì bom đạn đã lùi vào quá khứ. Nhưng nếu trong chiến tranh, máu là cái giá đồng đội phải trả cho chiến thắng thì để có cuộc sống hôm nay, họ cũng có cái giá phải trả giữa thời bình.
14 chị xuất thân không ai giống ai nhưng lại không khác gì nhau về nỗi đời. Chị K. là một trong những người thợ hiếm hoi của công ty đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” 8 năm liền. 4 bức vách của căn phòng khách nhỏ kín đặc những bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận danh hiệu.
“Nghệ tinh-thân vinh” nhưng hạnh phúc, hiểu theo cái nghĩa đời thường thì chị còn không bằng một người lính thợ bình thường. Vật chất không thiếu nhưng cuộc sống của mẹ con còn một phía không gì bù đắp được, đó là phía của người chồng, người cha.
Nhưng dù tai tiếng có theo đến tận lúc ấy thì cuộc tình ngắn ngủi của chị vẫn còn “có hậu” . Chị H. quan hệ với một người đã có vợ con ngoài Bắc vào làm thuê. Biết điều đó, chị cũng chỉ tính kiếm đứa con rồi yên phận làm ăn. Nhưng rồi sự yếu mềm của người phụ nữ khiến chị không thể đừng. 2 bé gái ra đời chỉ cách nhau 1 tuổi. Trong lúc chị đang cần một chỗ dựa thì người ấy lại đùng đùng bỏ về Bắc vì lý do chị đẻ toàn con gái (!). Vậy là không chỉ một thân chống chèo với số phận, chị còn bị phạt, bị cắt tiêu chuẩn thi đua!
Ảnh minh họa: Đức Thụy
Dù phải trải qua bao dằn vặt, bao nỗi cay đắng lặng thầm thì cuối cùng các chị cũng làm được nhà, lo cho con cái học hành đầy đủ. Tuy nhiên, phía sau các chị, cả tổng công ty còn gần 100 cô cũng đã đến cái tuổi như xưa kia các chị đã “liều”.
Kh, một cô gái cũng quê Hà Tây, đã 35 tuổi. Khi chúng tôi đến thăm, cô mới ở vườn cao su về tranh thủ ăn vội bát cơm. Kh. kể, căn nhà gỗ rộng chừng 20 m2 này cô tạo dựng đã được 3 năm nay. Cô cũng đã sắm được cả xe máy. Nhìn 4 bức vách treo đầy những giấy khen, bằng chứng nhận, tôi hiểu cô đã nỗ lực lao động như thế nào. Kh. lảng tránh tất cả những câu hỏi của chúng tôi về đời tư và nói: “Chúng em ở đây không dám “liều” như các chị ở xóm trên đâu”.
*
Có một chiều biên giới tôi đã một mình lang thang giữa rừng cao su tĩnh lặng. Không đầu không cuối, những con người với những xúc cảm nhói lòng từ hơn 20 năm trước chợt ùa về. Trên đường trở về Nhà khách UBND huyện, tôi không theo con đường cấp phối cũ mà bất thần rẽ ngang vào một lô cao su. Nhìn những thân cây thẳng, đều tăm tắp, tôi biết nó được trồng vào thời kỹ thuật đã bài bản, tài chính dồi dào. Cuộc sống đã sang trang mới.
Tôi cầm chiếc lá đỏ rực bất chợt sa vào tay mình, lòng bâng khuâng tưởng như tiếng thầm thì từ đất vọng về qua màu sương khói tháng năm…
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm