(GLO)- Là người hoạt động văn học nghệ thuật và báo chí, tôi nghĩ nhiều về những đóng góp của nó cho mảnh đất này, dù tôi không thích cái từ đóng góp như cách lâu nay chúng ta hay nghĩ. Nhưng mà quả là, văn chương nghệ thuật, ngoài các chức năng như lâu nay chúng ta biết và nghĩ, nó còn một chức năng nữa là lưu giữ. Lưu giữ ký ức, lưu giữ tâm hồn, ký ức tâm hồn của từng người và từng thế hệ, từng thời đại nữa.
Nếu như nhắc tên những nhà văn đã ghi dấu ấn ở mảnh đất Gia Lai này thì tôi điểm Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh và Khuất Quang Thụy với “Đất nước đứng lên”, “Lạc rừng” và “Trong cơn gió lốc”. Về thời điểm ra đời thì thứ tự 1 cuốn trong kháng chiến chống Pháp, 1 cuốn ngay khi vừa thống nhất đất nước và “Lạc rừng” là khoảng cuối thế kỷ XX. Truyện ngắn thì vẫn là Trung Trung Đỉnh với “Đêm nguyệt thực” và Khuất Quang Thụy với “Nước mắt gỗ”.
Với âm nhạc thì có tới 5 ca khúc được nhiều người dân Gia Lai các thế hệ yêu thích là “Còn chút gì để nhớ” của Phạm Duy và Vũ Hữu Định; “Những bước chân âm thầm” của Y Vân và Kim Tuấn; “Pleiku thân yêu” của Ngọc Tường; “Đôi mắt Pleiku” của Nguyễn Cường và “Đêm xoang Tây Nguyên” của Văn Chừng và Đào Phong Lan.
Đào Phong Lan khi làm bài thơ này còn rất trẻ. Nhớ hồi ấy, trong số hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai có 2 người trẻ nhất, chưa đủ 18 tuổi, đang là thiếu nhi sáng tác nhưng đã được kết nạp vào Hội, cũng đi dự đại hội bỏ phiếu như ai. Có câu vè đại hội năm ấy: “Mấy ông thi sĩ thầm thì/Phong Lan, Hường Lý ước gì lớn nhanh/Để mà gọi chú bằng anh”. Giờ 2 người đi 2 ngả, Lý ra Hà Nội làm ở Nhà xuất bản Kim Đồng, Lan vào Sài Gòn, bôn ba vài cơ quan rồi giờ mở công ty, làm giám đốc. Khi làm bài thơ này, Lan cũng còn rất trẻ, chắc cũng mới chỉ biết buôn làng Tây Nguyên qua sách vở, phim ảnh. Sau khi được bác Văn Chừng phổ nhạc, ngoài những cuộc biểu diễn chính thức ở các sân khấu lớn, bài này thường được anh em Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung hát tự phát trong các cuộc giao lưu từ Bắc chí Nam. Vừa hát vừa kéo mọi người vào vòng xoang như một thương hiệu Tây Nguyên.
Bài hát “Còn chút gì để nhớ” thì quá nhiều người biết rồi, nhiều người vì bài hát ấy mà lên với Pleiku, trong đó có người viết bài này. Nhưng nó cũng lận đận, ai cũng biết, ai cũng hát, nhưng mãi gần đây mới được chính thức công khai phổ biến. “Những bước chân âm thầm” thì “kín tiếng” hơn một chút, nhưng những ai yêu âm nhạc thì không thể không biết. Bài thơ của nhà thơ Kim Tuấn, khi ấy sống ở đường Phan Bội Châu (TP. Pleiku) bây giờ, được nhạc sĩ Y Vân phổ, có những câu về Pleiku rất gợi: “Từng bước từng bước thầm/hoa vông rừng tuyết trắng/rặng thông già lặng câm/hai đứa nhiều hối tiếc/sương mù giăng mấy đồi/tay đan đầy kỷ niệm/mưa giữa mùa tháng năm/dật dờ cơn gió thổi”... Nhà thơ Vũ Hữu Định-tác giả “Còn chút gì để nhớ” và nhà thơ Kim Tuấn đã mất ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ba bài hát còn lại thì nhạc sĩ Ngọc Tường vẫn đang ở Gia Lai, nhạc sĩ Văn Chừng đã mất, tác giả phần lời-nhà thơ Đào Phong Lan đang ở TP. Hồ Chí Minh và nhạc sĩ Nguyễn Cường đang sống ở Hà Nội.
Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phan Nguyên |
Hội họa ở Gia Lai, sau thế hệ tiền bối mà họa sĩ Xu Man là tiêu biểu, theo tôi, 2 họa sĩ thành công nhất tới giờ là Lê Hùng và Hồ Thị Xuân Thu. Cả 2 họa sĩ này đều là người Huế, đều học Trường Mỹ thuật Huế, nhận Gia Lai làm quê hương và họ thành danh ở đây, đang sống ở đây.
Còn nói về thơ, chúng tôi có một nhóm sáng tác văn chương chơi với nhau, có lần hỏi nhau, nếu chọn ra 5 bài thơ được nhiều người thích nhất viết về Pleiku, về Gia Lai, trừ bài thơ của Vũ Hữu Định hay cả thơ và nhạc thuộc loại “đương nhiên rồi”, họ lần lượt chọn ra được... 10 bài. Rồi từ 10 bài ấy lọc lấy 5 bài. Trong 5 bài thì có 3 bài tác giả đang ở Pleiku và 2 bài của nhà thơ Thanh Quế (Đà Nẵng) và Hồng Thanh Quang (Hà Nội).
Bài thơ “Khoảng trời lá thông” của Phạm Đức Long được rất nhiều người thích và nhớ. Anh viết nó vào năm 1985, 2 năm sau khi lên Pleiku, khi ấy đang trong thời bao cấp. Những giằng xé, dằn vặt, trăn trở xen với lạc quan, trữ tình và nỗi niềm vừa mơ hồ vừa cụ thể: “Pleiku-khoảng trời lá thông/Khoảng trời có ô/Khoảng trời có tán/Nắng ràn rụa cháy từng sợi mảnh/Gió thì thầm hát mãi khúc thần ca./Khoảng trời lá thông hương chín rụng như mơ/Tôi có tuổi hai mươi ở đó/Tôi có nắng, có mưa, có những cơn lốc đỏ/Có mùa xuân im lặng kéo qua đời./Khoảng trời lá thông, bạn bè tôi cũng nghèo/Thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/Thương nhau giữ tròn lẽ sống/Giữa trắng đen, hư thực, thăng trầm. Khoảng trời lá thông/Khoảng trời lá thông/Nhà thơ xưa đã trút hồn trong đó/Nhà thơ xưa đã trút bầu máu đỏ/Sừng sững giữa trời một câu thơ./Khoảng trời lá thông dầu nắng, dầu mưa/Vẫn tinh khiết một sắc xanh óng ả/Bạn vẫn làm thơ, vẫn yêu thơ nghiệt ngã/Vẫn giữ trong đời một khoảng trời riêng”.
Là những suy nghĩ cá nhân thôi, chả đại diện cho ai và cũng không theo một phương pháp luận nào, chỉ là cảm nhận và yêu thích, tất nhiên có sự trải nghiệm từ bản thân mình, vừa tư cách người sáng tác, lại cũng là khán giả, người thưởng thức, với mảnh đất đã sống, gắn bó với nó hơn bốn mươi năm qua. Mỗi vùng đất, có nhiều cách để lưu danh, để người ta phải nhớ. Bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu kiếp người đã tan ra, đã hòa vào đất, bao nhiêu người sinh ra, lớn lên, bao nhiêu người ở lại, bao nhiêu người ra đi... cái còn lại chính là tình yêu với vùng đất ấy. Và tình yêu, người ta gửi vào những tác phẩm. Tác phẩm ở đây gồm người làm ra tác phẩm, người truyền bá tác phẩm và người yêu tác phẩm ấy. Nó dựng nên hồn cốt, nên dung mạo, nên tâm hồn, nên ký ức và tương lai của vùng đất ấy. Thì tôi đã gặp biết bao nhiêu người từng sống ở Gia Lai giờ đang định cư ở TP. Hồ Chí Minh, mỗi lần gặp nhau lại “May mà có em đời còn dễ thương”, lại “Cô gái Jrai hát câu gì/hát câu gì mà trăng nhô lên”, lại “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”...
Sẽ giàu có biết bao nếu mỗi người chúng ta, trước khi từ giã cõi đời này, có một vùng đất để mà gửi nỗi nhớ, gửi tình yêu vào đấy. Thể xác rồi sẽ tan, nhưng cái còn lại là câu cảm ơn cứ xao xuyến mãi trong những chiều Pleiku như thế này: “Xin cảm ơn thành phố có em/xin cảm ơn một mái tóc mềm”. Người ta vẫn bày tỏ tình yêu Pleiku bằng những rung ngân nhiều cung bậc âm thanh như thế!
Và không chỉ như thế. Bởi những dùng dằng không chỉ do gió do tóc... mà nó ẩn vào phía trong ấy, những rối bời, những vấn vương, xốn xang, những không thể lý giải, không thể rành mạch, đành vô ngôn, đành bất lực để cho “tóc em bay ngược cơn gió thổi/anh ngược thời gian về với tuổi thơ mình”.
VĂN CÔNG HÙNG