Bạn đọc

Những ngày gian khó ở Ia Dom

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều người vẫn bảo, lên huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) mà chưa đến xã Ia Dom thì xem như chưa tìm hiểu trọn vẹn về vùng đất nổi tiếng này. 
Những năm chưa thành lập huyện Đức Cơ thì Ia Dom thuộc xã Ia Klah (B10) của huyện Chư Păh (nay là Ia Grai). Khác với các xã biên giới trên địa bàn tỉnh, Ia Dom nhờ có quốc lộ 19 nối dài đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh sang Campuchia nên đời sống của cư dân trong vùng có phần sung túc hơn. Từ TP. Pleiku ngồi ô tô chỉ chừng dăm chục phút sau là đã đến Ia Dom. Vậy nhưng khoảng 30 năm về trước, cũng quãng đường này phải đi bộ mất 1 ngày, thậm chí còn hơn.
Những năm đó, tôi công tác ở huyện Chư Păh. Bấy giờ, nhiều xã trong huyện chưa có đường ô tô, hầu hết đều phải đi bộ. Giáo viên và cán bộ xã thường xuyên đi bộ, nhất là các xã vùng xa, vùng sâu như: Ia O (B12), Ia Chía (B11), Ia Klah (B10)... Đường giao thông liên xã chủ yếu là đường đất, mùa nắng thì bụi mịt mù còn mùa mưa bùn lầy ngập đến gối, đi lại hết sức khó khăn.
Vậy nên, anh em giáo viên công tác vùng này thường nhường lại sổ lương thực và tem phiếu cho đồng nghiệp ở thị trấn và các xã vùng gần trung tâm huyện dùng vì đường xa và việc đi lại khó khăn nên không thể gùi, cõng lương thực lên xã. Thay vào đó, họ mua thuốc lá (loại thuốc líp hút nặng và khói khét lẹt) đem lên làng đổi gạo và nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Đời sống gian khó, thiếu thốn mọi bề là vậy, nhưng vẫn có nhiều người quyết tâm gắn bó, bám lớp, bám trường để dạy học và sản xuất, trở nên nổi tiếng một cách “bất đắc dĩ” như các nhân vật thuộc hàng “giàu có” của ngành Giáo dục huyện bấy giờ: nhất Dưỡng, nhì Sanh, tam Tòng, tứ Hạnh. Ngày ấy, anh Lê Bá Dưỡng là Hiệu trưởng trường B7 (Ia Pếch), Võ Hồng Sanh-Hiệu trưởng B10 (Ia Klah), Huỳnh Tòng-Hiệu trưởng B12 (Ia O), Trần Văn Hạnh-Hiệu trưởng B14 (Ia Grai, tức xã Ia Tô hiện nay). Trỉa lúa rẫy, trồng lúa nước, mỗi vụ kiếm vài tạ lúa, chưa kể chăn nuôi heo, gà…, các anh đã là những “đại gia” vùng xa rồi!
Đường lên xã biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ). Ảnh: Phương Linh
Đường lên xã biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ). Ảnh: Phương Linh
Đời sống khó khăn nên cũng có người thi thoảng kiêm thêm công việc của tiểu thương. Đó là chuyện một vài cán bộ huyện đã lập gia đình cũng tập tành làm… kinh tế, trong số đó có cả cán bộ Phòng Giáo dục. Họ, nếu có dịp lên công tác ở các xã xa như: B12, B13, B10, B9… thường mang theo ít quần áo hoặc mền len… để đổi chó, nhưng chủ yếu là đổi gạc nai.
Những năm ấy, hầu như nhà nào vùng trên này cũng đều treo trên vách liếp nhà sàn vài ba chiếc gạc nai, sừng mang. Đổi xong mang về thị trấn, gom kha khá rồi ngày nghỉ chẻ ra rửa sạch nấu cao, thay phiên nhau canh lửa. Được bao nhiêu chia đều sau đó mang về Bắc để bán và biếu cho người thân trong gia đình. Riêng cánh thanh niên độc thân như chúng tôi hầu như chẳng mấy quan tâm, cứ nhận lương nộp tiền cho nhà bếp xong là mấy ngày sau đã thành… vô sản!
Lên Ia Dom, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ đến một cố nhân, đó là anh Rơ Chăm Lơng. Khoảng năm 1982-1990, anh là Trưởng phòng Giáo dục huyện Chư Păh. Nhà anh ở làng Mook Đen (xã B10) tức Ia Dom bây giờ. Những năm ấy, tháng nào anh cũng đi bộ về thăm nhà. Đi từ thị trấn huyện ngược lên Ia Tô, ngang qua khu vực thác Lệ Kim rồi tiếp tục băng qua khu rừng cao su dinh điền còn sót lại thời chế độ Ngô Đình Diệm ở Ia Dơk, lại đi bộ xuyên rừng già ngược lên hướng biên giới.
Nếu đi vào mùa khô thì cung đường tuy xa nhưng cũng rất thú vị. Con đường mòn quanh co dưới tán rừng mát rượi, thi thoảng những đàn khỉ chuyền nhau trên nhánh cây, la chí chóe, con gà rừng giật mình bay lên gáy vang. Nếu khởi hành từ sáng sớm thì đi nhanh cũng phải 4-5 giờ chiều mới đến nơi bởi đường không chỉ xa mà còn lắm dốc cao, qua được con dốc đứng Ia Châm hay Lệ Kim phải ngồi nghỉ đến mươi, mười lăm phút sau mới có thể đi tiếp.
Có lần, tôi cùng anh Lơng cuốc bộ về làng Mook Đen chơi. Đêm mùa mưa, tôi nằm thao thức bên bếp lửa ấm nơi nhà sàn, nghe tiếng mang (hoẵng) tác ngoài bìa khu rừng ven làng. Sau ngày thành lập huyện Đức Cơ, anh Lơng được điều về làm Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom, mấy năm sau mắc bạo bệnh rồi mất. 
Bây giờ, Ia Dom không còn rừng già như xưa, thay vào đó là bạt ngàn cao su, cà phê, điều và hồ tiêu trải dọc hai bên đường từ thị trấn Chư Ty lên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Mỗi lần có dịp lên đây, lòng tôi không khỏi bâng khuâng nhớ lại những năm tháng gian khổ ngày xưa…
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm