Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những nghệ nhân nặng lòng vì buôn làng dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những nghệ nhân trên đầu đã hai thứ tóc, họ rong ruổi khắp mọi buôn làng nơi núi rừng Tây Nguyên tìm, lưu giữ những nhạc cụ dân tộc để sau này con cháu họ biết đến nét văn hóa truyền thống của cha ông.

Hồn cốt dân tộc

Trong ngôi nhà xây khang trang người đàn bà nước da ngăm đen, nhanh nhẹn đang tất bật chuẩn bị bữa trưa cho gia đình, cụ là H’Ngher H’Mok năm nay đã 83 tuổi (buôn H’đớk, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) khi nghe chúng tôi nói nguyện vọng muốn được nghe kể về văn hóa, ánh lên niềm vui, bỏ dở công việc, cụ say sưa nói bằng tiếng Ê Đê, sau đó con trai cụ phiên dịch lại: thường việc đánh chiêng là của đàn ông, nhưng vì tiếng chiêng quá hay nên cụ mê, năm 18 tuổi cụ đã học hỏi và biết đánh đến nay những nhịp điệu của chiêng gắn bó giống như nhịp đập trái tim cụ. Ngoài chiêng, cụ còn biết chơi các nhạc cụ khác như Đing ktút, Đing năm...


 

Nghệ nhân Y Ma Lai Kpă dạy các bạn chỉnh chiêng. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Nghệ nhân Y Ma Lai Kpă dạy các bạn chỉnh chiêng. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Ánh mắt đượm buồn: Những năm gần đây, khi đồ cổ càng có giá trị, một số gia đình đã bán chiêng, ché. Chiêng phải đủ bộ mới đánh được, thiếu một chiếc không ra bộ chiêng, khi văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một. Cụ sẵn sàng truyền dạy cách đánh chiêng cho những ai muốn học, vì chỉ khi người ta biết đánh có niềm đam mê chiêng thì mới giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc vì đó là báu vật của cha ông.

Ông Y Seo Buôn Krông (Buôn trưởng buôn H’đớk) cho biết: “Hiện nay, trong buôn chỉ còn duy nhất nhà cụ H’Ngher là còn giữ được trọn vẹn bộ chiêng.

Trong cuộc sống hiện đại, khi mọi thứ xưa cũ dần chìm vào lãng quên,  giá trị truyền thống dần mai một thì ở huyện vùng biên giới Ea Súp, tiếng chiêng Pên và chiêng Aráp của dân tộc Jrai vẫn ngân nga đều đặn trong những buổi học của các bạn thanh-thiếu niên.

Nghệ nhân Y Ma Lai Kpă chia sẻ: Bây giờ hình ảnh, chàng trai đánh chiêng, các cô gái nắm tay bên ánh lửa bập bùng đã thưa vắng. Chiêng nếu không được đánh thường xuyên sẽ quên, đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc vì thế cần phải được bảo tồn và lưu giữ. Là người con của Tây Nguyên đại ngàn các âm thanh nhạc cụ như tiếng chiêng, đing năm, đing puốt là máu thịt của mỗi người. Những ai có niềm đam mê nhạc cụ, muốn học đánh chiêng, chế tác nhạc cụ, tôi đều sẵn sàng truyền lại. Từ năm 2013, huyện Đoàn đã mở lớp dạy đánh chiêng. Một tuần 3 buổi tối tôi dạy các bạn trẻ đánh chiêng tre và chiêng đồng ở nhà cộng đồng của buôn.

Nỗi lòng nghệ nhân


 

Nghệ nhân A Nol (phải) và ông A Thia đang thử chiêng. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Nghệ nhân A Nol (phải) và ông A Thia đang thử chiêng. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Giữa buổi chiều thanh vắng, âm thanh đàn T’rưng như tiếng suối róc rách, lúc thánh thót như chim hót, lúc da diết như thú hoang gọi bầy, trong ngôi nhà sàn gỗ nghệ nhân A Nol (78 tuổi) đang đắm chìm vào từng giai điệu ấy. Sau đó ông tiếp tôi bằng câu chuyện đầy trăn trở. Khi ấy người dân làng Kon H’ring đang sinh sống yên bình ở Kon Tum phải ly tán bởi cuộc chiến tranh ác liệt, sau ngày giải phóng năm 1975, người dân trong làng đã cùng nhau về dưới chân núi Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) lập nên một ngôi làng mới-buôn Kon H’ring bây giờ. Đôi mắt người nghệ nhân chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm: Vào một đêm mưa gió cuối đông năm 2002, ngôi nhà rông duy nhất mà cả làng đã cất công gây dựng bỗng chốc bị cháy rụi và đổ sụp. Mất mát đó đối với người dân Kon H’ring là quá lớn. Kể từ đó, lễ hội trong buôn dường như buồn hẳn, thiếu vắng đi một điều gì đó rất đỗi thân quen. Tiếng chiêng, tiếng đàn Tơ Rưng dần chìm vào quên lãng. Để âm vang nhạc cụ được cất lên mãi ở buôn Kon Hring này, ông mở lớp dạy đánh chiêng cho trai trẻ trong buôn, cũng nhờ vậy mà giờ Kon H’ring đã có thêm một đội chiêng trẻ. Và ở Kon H’ring này, chính ông cũng là người dạy những điệu múa truyền thống của người Xơ Đăng cho chị em phụ nữ trong làng. Nhờ ông mà đội chiêng, đội múa của Kon H’ring được mời đi thi và biểu diễn ở rất nhiều nơi, mang về những danh hiệu quý giá cho đội và cho cả buôn làng Kon H’ring.

Lúc này chúng tôi mới quan sát, trong ngôi nhà như “bảo tàng thu nhỏ” của người Xơ Đăng. Đàn T’rưng, đàn Klông pút và các nhạc cụ của người Xơ Đăng được sắp xếp ngay ngắn, trong đó có hai bộ chiêng quý mà ông cùng trưởng buôn A Nít theo chân những nhà Quản lí văn hoá lặn lội sang Kon Tum mang về. Nghệ nhân A Nol không chỉ là người duy nhất của buôn biết đánh và chỉnh chiêng, ông còn đam mê chế tác đàn T’rưng, đàn Klông pút. Theo lời ông, đàn Klông Pút chỉ dành riêng cho phụ nữ, khi đánh người phụ nữ sẽ đứng ở cuối những ống tre dùng tay vỗ để âm thanh được vang ra.

Ông Y Blễ M’Drang (sinh năm 1957, buôn M’nang Dơng, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) gốc người dân tộc M’nông, ông cùng vợ là bà H Jũp Niê dạy hát ay ray, kư ứt cho thế hệ trẻ. Ông Y Blễ chia sẻ: hát ay ray, kư ứt, khan không khó bởi chỉ cần dựa trên các điệu có sẵn, người hát có thể sáng tác vô vàn lời ca, nhưng để học được đòi hỏi người học phải tập trung, kiên trì và có niềm đam mê. Hai ông bà được mời đến dạy nhiều nơi. Dù dạy miễn phí nhưng thấy học trò đến học đông, ông bà rất vui và phấn khởi. Từ năm 2008 phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Bông mở các lớp dạy hát cho các em thanh-thiếu niên tại nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn vào buổi tối. Bằng tình yêu đối với các điệu dân ca ông bà kiên trì gieo vào lòng thế hệ trẻ cái hay, cái đẹp của văn hóa dân gian.

Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm