Phụ nữ dân tộc S'tiêng ở Bình Phước dệt thổ cẩm. Ảnh: K GƯỈH/TTXVN |
Tại xã Long Tân (huyện Phú Riềng, Bình Phước), những ngày cuối tuần hay cuối tháng, khoảng chục người phụ nữ S'tiêng nhiều độ tuổi cùng nhau miệt mài bên khung dệt. Không chỉ tạo ra sản phẩm thổ cẩm mang giá trị văn hóa đặc sắc, họ còn cùng nhau truyền dạy cho con cháu có chung niềm đam mê nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
Chiếc khung cửi bằng gỗ để dệt vải từng được vận hành trơn tru bởi bàn tay điêu luyện của bà Thị Gái (ở thôn 6, xã Long Tân) nay đã mòn dần theo năm tháng. Dù đã bước qua tuổi 75, bà Gái vẫn miệt mài dệt thổ cẩm mỗi khi có thời gian phù hợp.
Bà chia sẻ đã dệt thổ cẩm thành thạo từ lúc 18 tuổi. Lúc đó, gia đình bà Gái sống chung với bà ngoại, bà Gái thường thấy bà ngoại dệt thổ cẩm. Những hoa văn đẹp, cách làm tỉ mỉ của sản phẩm dệt khiến bà Gái thích thú và đam mê học hỏi.
Theo bà Gái, dệt thổ cẩm lúc đầu phải có niềm đam mê, sau đó mới đến năng khiếu và kiên nhẫn. Về sau, những phụ nữ biết dệt thổ cẩm ngày càng ít đi. Trên địa bàn, hiện chỉ còn lại khoảng 10 người biết dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc S’tiêng.
Thổ cẩm S'tiêng với nhiều hoa văn độc đáo. Ảnh: K GƯỈH/TTXVN |
"Tôi cũng đã có tuổi rồi, những khi sức khỏe tốt mới cùng các con, cháu dệt. Những năm tháng qua, tôi đã truyền dạy cho các con cháu biết dệt và có người đã biết hướng dẫn người sau. Tôi luôn mong các thế hệ sau này phải gìn giữ nét đẹp của dân tộc không để mai một," bà Gái chia sẻ thêm.
Bà Thị Liên (56 tuổi, người thuộc thế hệ sau bà Thị Gái) đã gắn bó hơn 40 năm với khung dệt. Bà Liên chủ động làm cầu nối để phụ nữ trong thôn ngồi lại với nhau, cùng dệt và chỉ dạy cho con cháu duy trì nét văn hóa thổ cẩm truyền thống.
Bà Liên cho biết bà học dệt thổ cẩm từ các thế hệ đi trước. Đây là nghề dệt của dân tộc đã có từ lâu, bà cố gắng gìn giữ, phát huy truyền dạy cho các con cháu.
Việc truyền dạy thổ cẩm của dân tộc S’tiêng tại thôn 6 xuất phát từ tinh thần tự giác gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Thực tế hiện nay, số người biết dệt thổ cẩm càng ngày càng ít.
Chị Điểu Thị Ít (39 tuổi) được coi là thế hệ trẻ trong những người biết dệt thổ cẩm. Chị Điểu Thị Ít chỉ biết dệt thổ cẩm ở mức cơ bản. Niềm đam mê nghề dệt thổ cẩm đã thôi thúc chị chăm chú lắng nghe, học hỏi từ các bậc tiền bối nhiều hơn.
Với chị ít, mỗi lần tụ họp để dệt thổ cẩm đã trở thành món ăn tinh thần đặc biệt. Chị cho biết việc các bà, các mẹ thường xuyên dệt đã khơi dậy đam mê trong chị. Chị cố gắng học để biết dệt và có thể truyền dạy cho các những người đi sau, tiếp tục bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống này.
“Tôi rất thích truyền thống dệt thổ cẩm dân tộc S'tiêng. Tôi mong muốn nét truyền thống này luôn luôn được giữ gìn. Tôi tiếp tục học hỏi các cô, các chị để thực hiện mong muốn đó. Trong tương lai, tôi muốn càng ngày càng có nhiều người tuổi như tôi hoặc trẻ hơn có chung niềm đam mê gìn giữ nét văn hóa bản sắc dân tộc S’tiêng mình," chị Điểu Thị Ít bộc bạch.
Chị Điểu Thị Ít (áo kẻ) giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm cho du khách. Ảnh: K GƯỈH/TTXVN |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Long Tân Đỗ Nhật Quang, đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng sinh sống chủ yếu ở thôn 6. Dệt thổ cẩm truyền thống người dân tộc S’tiêng bản địa đang được một số ít phụ nữ gìn giữ và truyền dạy cho từng thế hệ trẻ. Việc bà con nhận thức, có ý thức gìn giữ nét văn hóa của dân tộc là điều đáng mừng.
Theo ông Đỗ Nhật Quang, thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm từ dệt thổ cẩm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc S’tiêng chủ yếu được sử dụng trong các lễ cưới, hỏi hoặc các lễ hội văn hóa, ít được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày nên phụ nữ khó có thể sống bằng nghề truyền thống.
Chính quyền địa phương đã vận động những người biết dệt thổ cẩm tiếp tục truyền lại cho những người chưa biết. Những người phụ nữ S’tiêng âm thầm “giữ lửa,” bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc đang từng ngày góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.