Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những người đưa văn hóa đọc về cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai vừa khen thưởng 6 viên chức thư viện vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc năm 2021. Trong nỗ lực phổ cập kiến thức và nâng cao dân trí, sự góp sức của những cá nhân này rất đáng ghi nhận. 
Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-cho biết: Đây đều là những viên chức được đào tạo đúng chuyên ngành, tâm huyết, năng động và sáng tạo. Nhờ có đội ngũ này mà văn hóa đọc ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.  
1. Trong 20 năm gắn bó với Thư viện huyện Đức Cơ, chị Nguyễn Thị Hải Lệ rất tâm huyết với công việc của mình. Với sự tham mưu của chị, Thư viện huyện tham gia đầy đủ mọi hoạt động, cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức. Đơn cử, năm qua, Thư viện đã thành lập đội tham gia Cuộc thi cộng tác viên tuyên truyền giới thiệu sách toàn tỉnh. Kết quả, đội xuất sắc đạt giải nhì toàn đoàn cùng 2 giải nhất, 2 giải khuyến khích cá nhân. 
Trong hoạt động thường xuyên, với gần 22.000 đầu sách các loại, đơn vị luôn tìm tòi sáng tạo phát triển văn hóa đọc ở cơ sở bằng các hoạt động cụ thể như: phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức phục vụ lưu động; luân chuyển sách về các trường học trên địa bàn và các điểm bưu điện văn hóa xã, mỗi lần 100 cuốn. Khi việc đọc trở thành nhu cầu thiết thân của học sinh, nhiều trường còn chủ động lên tận nơi mượn sách. “Với thư viện lưu động có máy tính kết nối internet, học sinh trường làng háo hức, thích thú lắm, nhất là học sinh dân tộc thiểu số. Các em chào đón nhiệt tình, say sưa bên trang sách khiến mình rất vui, có thêm động lực”-chị Lệ bộc bạch. Những lúc luân chuyển sách xuống các điểm trường, chị và đồng nghiệp còn mua thêm bánh kẹo, bim bim, tổ chức cuộc thi trả lời câu hỏi theo sách nhằm bồi dưỡng cho học sinh tình yêu với sách. 
Chị Nguyễn Thị Hải Lệ-viên chức Thư viện huyện Đức Cơ trong một buổi luân chuyển sách đến trường học (ảnh chụp trước tháng 4-2021, do nhân vật cung cấp) .
Chị Nguyễn Thị Hải Lệ-viên chức Thư viện huyện Đức Cơ trong một buổi luân chuyển sách đến trường học (ảnh chụp trước tháng 4-2021, do nhân vật cung cấp) .
Chị Lệ nhớ mãi những chuyến mang sách đến với trường học hoặc các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn, nơi xa nhất cách thư viện hơn 20 km. Người ngồi trước cầm lái, người ngồi sau ôm bao tải đựng sách. Có khi đường trơn, xe ngã, người lấm lem và sách cũng bị ướt. Vậy nhưng tâm huyết chẳng hề giảm sút. Nay thì thuận lợi và đơn giản hơn nhiều khi các đợt luân chuyển sách đều có sự hỗ trợ của xe ô tô Trung tâm. Chị Lệ cho hay: “Mỗi năm chúng tôi tổ chức gần 20 đợt như thế, nếu không do dịch Covid-19 thì có thể đi nhiều hơn nữa. Năm 2022, tùy điều kiện thực tế, chúng tôi sẽ đề xuất Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hơn các chuyến xe thư viện lưu động”. Viên chức mẫn cán này giãi bày: Hạnh phúc của những người làm công tác thư viện như chị là được đưa kiến thức về cơ sở, nâng cao dân trí, gieo vào lòng các em học sinh ước mơ về cuộc sống, hứng thú hơn với việc học.
2. Cũng tâm huyết góp sức mang những “chân trời mới” đến với người dân và học sinh vùng sâu, vùng xa là chị Trần Thị Ánh Kiều-viên chức Thư viện huyện Đak Pơ. Hầu như năm nào đơn vị của chị cũng tổ chức hội sách, thực hiện luân chuyển sách về các trường trên địa bàn, sau đó nhà trường phân bổ về các thư viện góc lớp, thư viện ngoài trời. Các hoạt động do Thư viện tỉnh tổ chức, đơn vị đều nhiệt tình tham gia. Chị Kiều thông tin, tại Cuộc thi cộng tác viên tuyên truyền giới thiệu sách toàn tỉnh năm 2021, đội thi của Thư viện huyện mang về 2 giải nhì cá nhân và 1 giải khuyến khích toàn đoàn.
Gần 20 năm làm công tác này, chị Kiều cũng là người có nhiều sáng kiến trong phát triển văn hóa đọc. Với khoảng 17.000 đầu sách các loại, cùng với luân chuyển sách, chị đề xuất Đội tuyên truyền lưu động và thư viện phối hợp tổ chức trưng bày sách tại nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng trước giờ diễn văn nghệ, chiếu phim khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, thu hút bà con đến xem, đọc. “Đi một mình không hiệu quả, khó tập trung người dân. Khi phối hợp với Đội tuyên truyền lưu động, dù nhiều người chỉ tạt qua lật xem vài trang sách nhưng như vậy đã là thành công, tạo sự quan tâm, chú ý đến văn hóa đọc”-chị Kiều phân tích. Ngoài ra, Thư viện huyện cũng phối hợp với Thư viện tỉnh phát triển văn hóa đọc tại một số đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn như: Trung đoàn Bộ binh 38 (Sư đoàn 2, Quân khu 5), Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) mỗi năm 1-2 đợt. 
Sự chung tay của chị Kiều cùng đồng nghiệp không có mục đích nào khác ngoài xây dựng và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh. Đa số các trường học không còn tâm lý ngồi chờ sách luân chuyển mà tự liên hệ với Thư viện để mượn sách mang về. Được mẹ hướng dẫn, con trai đầu của chị Kiều cũng rất mê đọc sách, truyện. Nhiều lần được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khen thưởng vì hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc, chị Kiều tự hào xem đây là nguồn động viên để tiếp tục gắn bó với công việc đầy ý nghĩa này. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm