Phóng sự - Ký sự

Những người giữ biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu hè, biển động bất thường ở Lý Sơn. Hòn đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Ngãi đón gió tây nam về với cuồn cuộn sóng, tới tấp thành xoáy nước đổ vào bờ. 
Cảng cá Lý Sơn về đêm, trước những chuyến ra khơi từ tờ mờ sáng.
Cảng cá Lý Sơn về đêm, trước những chuyến ra khơi từ tờ mờ sáng.
Chốc chốc, mưa dông kéo đến đột ngột, ào ạt nhưng rồi cũng rất nhanh chóng trả lại bầu trời xanh trong. Từ bao đời quen sống với gió cát, bão bùng nên các ngư dân nơi đây chẳng ai nao núng, mỗi người một việc mải miết với công việc bám, giữ biển trong chuyến ra khơi vội vã chưa tính trước ngày về.
Rời cảng Sa Kỳ trong nắng gay gắt, con tàu cao tốc bị sóng nước dội lên xuống, dập dềnh mất khoảng 50 phút, chúng tôi mới cập bến thuyền cũ đến với Lý Sơn. Cơn say sóng không đủ khiến khách đường xa chậm bước. Phía trước là những câu chuyện, hoặc cũng có thể coi là những kỳ tích mà ngư dân nơi đây đã tạo nên, kể lại trong cuộc đời mà hầu hết buồn vui dành cho biển khơi trùng trùng.
Chuyện của “vua biển”
Người Lý Sơn sinh ra và lớn lên trên quê hương đất đảo, là cái nôi truyền thống của đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã ra đi đo đạc thủy trình, cắm mốc xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ký ức trong họ luôn là những câu chuyện về hai ngư trường truyền thống được nghe, kể từ ông, cha, để rồi nuôi giấc mơ khi trưởng thành được vươn khơi, đến với vùng biển xanh vốn như “vườn cây, ao cá” của quê nhà.
Sinh ra từ biển, lớn lên từ biển, định mệnh đó thuộc về không chỉ ông Dương Minh Thạnh (68 tuổi) mà là còn của nhiều bạn bè cùng trang lứa khác từ tuổi thiếu thời. 17 tuổi, ông Thạnh vượt biển, cùng đoàn tàu cá địa phương tiến ra khơi xa cho đến nay, khi đã “U70” vẫn chưa dừng bước.
“Đứng trước mũi tàu, ngửi thấy mùi biển, ngư dân Lý Sơn nào cũng tự tin, tự hào vì đó là nhà, là quê hương. Những người như chúng tôi ra biển từ thuở thanh niên, đến giờ thuộc như in với dòng nước này, loại hải sản nào, phải làm gì với chúng”, ông Thạnh tự hào kể.
Mỗi chuyến biển của ông lão đánh cá thường không dự tính trước ngày về, có khi 10 ngày, có khi cả tháng mới trở lại đất liền. Đi biển từ những năm 1980, con tàu hiện nay ông đi đã là chiếc thứ tư trong đời. Biển cả lấy đi thanh xuân, ba con thuyền trước đó cùng không ít vật chất nhưng mang lại cho ông một cuộc đời được sống trọn với biển xanh.
Ông Nguyễn Lợi là bạn hoa niên với ông Thạnh, học cùng trường, sống cùng xóm biển. Hai ông cùng nhau chọn ngày ra khơi để rồi đã có lúc, mỗi ông một chiếc thuyền, đón gió giong biển và mang về những chuyến tàu thắng to cá ngừ đại dương... Ông Lợi còn là một thợ lặn lành nghề nức tiếng. “Hồi trước tôi thường lặn ở vùng nước sâu. Nhớ nhất là đánh cá ngừ, nếu không có thợ lặn thì không hề dễ dàng”, ông Lợi kể.
Hơn 40 năm lăn lộn cùng biển cả, nghề lặn đem lại cho ông Lợi niềm tự hào, thu nhập sau mỗi chuyến ra khơi nhưng lại khiến một bên mắt ông bị hỏng. Giờ ngư dân này chỉ có thể lặn biển nông, nhưng số lần ngày một ít đi vì sức khỏe khó cho phép. Vậy mà trong ông chưa bao giờ nguôi tình yêu với biển: “Nhiều khi muốn được trở lại vùng nước này, ở địa điểm nọ chỉ để ngắm nhìn xem nó có khác trước hay không là đủ sung sướng rồi...”, ông Lợi chia sẻ.
Ông Thạnh và ông Lợi được không ít dân biển Lý Sơn gọi là “vua biển”. Bản đồ ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa nằm lòng trong đầu hai ngư dân này, đến nỗi chỉ cần một chiếc la-bàn nhỏ, tàu cá của hai ông vẫn có thể định hướng đi và trở về chính xác.
“Tôi không thể quên ngày 27/5/1991, chúng tôi, ba thuyền trưởng, cùng thủy thủ đoàn trên ba con tàu tiến ra ngư trường truyền thống như thường lệ. Nhưng cơn bão lớn ập đến không kịp trở tay đã khiến thuyền của tôi và ông Lợi, con vỡ, con lật úp”, ông Thạnh kể. Thủy thủ đoàn hơn 10 người leo lên cột đèn, tạm thời thoát chết nhưng phải tự tìm đường sống khi đối diện với biển cả mênh mông đang giận dữ nổi sóng gió.
23 ngày mất tàu, lênh đênh trên biển bắt đầu với đoàn thủy thủ với sức ép sinh tồn khốc liệt. Không nước uống, không thức ăn. Ở đường cùng, chỉ bản năng của người đi biển mới giúp họ sống sót một cách thần kỳ: “Chúng tôi phải dùng cái khăn trải bàn vớt được dùi thủng để nước có thể thoát ra làm dụng cụ bắt cá cơm. Mỗi người chia nhau ăn đủ để không còn đói và cầu trời, chờ đợi may mắn”, ông Thạnh kể.
Biển cả mênh mông cuối cùng đã hồi đáp ông sau hơn ba tuần ròng rã. “Tôi có đứa cháu thường xuyên liên lạc mỗi chuyến biển để xin tọa độ đánh bắt. Lần nào nghe lời chú, nó cũng thắng lớn. Nhưng lần này, tôi mới là người thắng lớn, góp phần cứu được cả mạng sống của bao nhiêu người”, ông Thạnh nói. Hóa ra người cháu vì liên lạc với chú không được, liền cho tàu chạy đến khu vực mà tín hiệu tàu ông Thạnh để lại lần cuối tìm kiếm thì may mắn, cứu được toàn bộ thủy thủ đoàn.
Người Lý Sơn là vậy, luôn giúp đỡ nhau hết mình để mỗi chuyến ra khơi, tất cả đều có thể thắng lợi, an toàn trở về. Giữa khơi xa, họ chưa bao giờ bỏ lại nhau trong gian khó.
Cột mốc chủ quyền giữ biển
Ngư dân Lý Sơn giờ ra khơi không chỉ để bám biển, thu lợi từ biển mà còn để góp phần thực hiện trách nhiệm bảo vệ ngư trường truyền thống của cha ông, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Quốc Chinh là một ngư dân khá đặc biệt. Ký ức về biển của ông bắt đầu khi 17 tuổi đã theo ông cha, bạn bè đi đánh bắt hải sản dài ngày. Yêu biển, gắn bó với nghề, ông là một trong không nhiều người có thể thành thạo đi lại ở cả ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Chinh chính là một trong những người sáng lập Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, một trong hai nghiệp đoàn nghề cá của Lý Sơn, hiện gồm 47 tàu đánh cá xa bờ với 589 đoàn viên. “Dù tôi đã tạm dừng ra biển nhưng công việc ở nghiệp đoàn sẽ là điểm tựa vững chắc để ngư dân khác vươn khơi bám biển ở hai ngư trường truyền thống”, ông Chinh chia sẻ.
Cả ông Thạnh và ông Lợi đều sớm tham gia Nghiệp đoàn nghề cá An Hải từ khi thành lập. Hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ khác ở Lý Sơn cũng tham gia. “Tôi tình nguyện viết đơn gia nhập vì vô nghiệp đoàn làm ăn là có đồng đội để giúp nhau trên biển. Đi biển xa, có thêm người và tàu bạn đi chung cũng sẽ bớt bị “bắt nạt””, ông Thạnh nhấn mạnh.
Ông Chinh thì vừa cầm chiếc bộ đàm hướng dẫn cách thu sóng, tìm kiếm thông tin từ phương tiện liên lạc tàu bè đang ra khơi ở trung tâm nghiệp đoàn; vừa cầm điện thoại để mở một loạt phần mềm theo dõi vị trí của tàu đoàn viên nhằm ứng cứu khi chẳng may gặp nguy hiểm. Công nghệ hiện đại này đã giúp tàu của Nghiệp đoàn nghề cá An Hải hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn cũng như ứng phó kịp thời những tình huống an ninh trên biển.
Ở Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, ngư dân lớn tuổi vẫn bám biển, ra khơi. Ngư dân trẻ thì tiếp bước cha chú, ra biển học nghề, dần trưởng thành. Ngư dân Bùi Văn Phải (sinh năm 1989), 15 tuổi đã theo cha ra biển. Khi cha qua đời, ngư dân trẻ này tiếp tục ra khơi bằng chính con thuyền của cha. “Đầu năm 2014, nghiệp đoàn có một chiếc tàu mới sử dụng máy của Nhật Bản hiện đại. Chúng tôi tin tưởng và quyết định giao cho anh Phải làm thuyền trưởng với mong muốn đáp lại kỳ vọng của đồng bào ta đã cùng nhau giúp đỡ ngư dân Lý Sơn bám biển đảo quê hương”, ông Chinh kể.
Suốt tám năm ra khơi, con tàu này chưa phải tốn một đồng sửa chữa máy móc. Thu nhập của thủy thủ đoàn 18 người được chia đều, mỗi người kiếm được khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhiều ngư dân đã có tiền tỷ mua tàu mới, từ một tàu được hỗ trợ, nay đã “đẻ” ra năm con tàu mới tiếp tục bám biển, vươn khơi.
Một câu chuyện đặc biệt hơn, trên chính con tàu mới đó, anh Phải và các bạn tàu đã cứu sống 32 ngư dân Trung Quốc gặp nạn trên biển. “Khi anh Phải báo về là phát hiện năm ca-nô trôi dạt với 32 ngư dân Trung Quốc đang kêu cứu, chúng tôi trao đổi với cơ quan chức năng và chỉ sau 10 phút, quyết định bằng mọi giá phải cứu các nạn nhân. Sau khi được chăm sóc, toàn bộ ngư dân nước bạn được bàn giao ngay trên biển để trở về nước”, ông Chinh kể lại.
Đảo Lý Sơn nay đất hẹp người đông, người dân Lý Sơn ngoài nghề đánh cá đã xuất hiện thêm nhiều ngành nghề khác. Dù vậy vẫn có rất nhiều người chọn cho mình cuộc sống, công việc gắn bó với biển, ngày ngày vẫn miệt mài ra khơi bám vững hai ngư trường truyền thống, góp phần bảo vệ, tiếp nối nghề truyền thống cha ông. Họ và những con tàu với lá cờ Tổ quốc tung bay chính là cột mốc sống để khẳng định chủ quyền trên biển là của Việt Nam. Đó cũng là cách sống để làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Tổ quốc.
Theo Bài, ảnh: PHONG CHƯƠNG và TUẤN DŨNG (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm