Bạn đọc

Những người không có Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sum vầy trong không gian gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm lao động… Tết là thế, nên người người đều mong. Tuy nhiên, vì gánh nặng mưu sinh, nhiều người không có Tết.

Đón tôi trong lán trại tạm bợ hiu hắt gió lùa giữa trùng trùng rừng cao su vừa thay lộc, xanh đều lá ở xã vùng biên Ia O (huyện Ia Grai), ông anh họ Nguyễn Quang Chinh làm nghề nuôi ong lấy mật cho biết: “Đã bao nhiêu cái Tết tôi phải đón Giao thừa cùng đàn ong. Không dễ ngồi thu tiền như người ta tưởng. Phải trải qua bao nhiêu là công đoạn, chăm chút tỉ mẩn mới mong có được sản phẩm, đem lại lợi nhuận. Ngày thường còn có người làm công, giờ chỉ mình mình. Tết giữa rừng buồn lắm, thù lao công cán đến mấy cũng không giữ chân họ được. Vợ tôi phải về nhà lo Tết, cháu lớn nhà tôi sẽ lên phụ việc. Có cha có con cũng đỡ buồn phần nào. Thương nó sớm biết nghĩ, nén lòng gác chuyện chơi Tết theo cha nuôi ong “du mục”.

 

Vợ chồng anh Chinh bên lán trại cùng những thùng ong mật. Ảnh: Đ.P
Vợ chồng anh Chinh bên lán trại cùng những thùng ong mật. Ảnh: Đ.P

Mắt xa xăm theo giọt nắng mong manh rơi từ kẽ lá, anh nói: “Đêm trừ tịch, giữa rừng hay vườn cây mông quạnh buồn lắm. Gió và lạnh như nhiều hơn. Đêm mịt mùng mà ánh đèn bật lên cũng phải rất yếu, chỉ trong thời gian ngắn vì sợ con ong bỏ lồng bay theo ánh sáng, loài côn trùng mà”. Tôi ngỏ lời: “Hay là lúc nào đó trong 3 ngày Tết em tranh thủ lên với anh?”. “Không cần đâu, rồi tôi sẽ chuyển đàn đi nơi khác “ăn” hoa cà phê. Đời “du mục” là thế đó”-anh cười mà mắt như ngân ngấn nước.

Tranh thủ lúc ngồi hong nắng trước hiên nhà (số 83/276 Trần Phú, TP. Pleiku), cô Hiền, tuổi ngoài 60 làm nghề nuôi đẻ tâm sự: “Quê tôi ở huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Tôi có nghề nuôi đẻ cũng hơn 15 năm, được tiếng mát tay. Tính đến Tết này, cô chủ nhà sinh bé chỉ mới hơn tháng, bao nhiêu là việc phải làm, mình về quê ăn Tết sao được. Trẻ sơ sinh mỗi cháu mỗi nết, mỏng manh như lá, người ta đã nhờ đến mình thì phải toàn tâm toàn ý mới mong con khỏe mẹ đẹp. Con cái của tôi đã lớn, riêng tư cả rồi, nhưng ngày Tết không về được để khói hương ông bà tổ tiên thì cũng ngậm ngùi lắm! Vừa mới gọi điện thằng con lớn, nói mẹ lại ăn Tết xa, dặn dò nó mấy việc nhà. Nó nói mẹ cứ yên tâm, anh em vợ chồng con làm được mà giọng như nghèn nghẹn”.

Anh Tâm (trọ ở hẻm 134 Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku), chuyên bán bong bóng bay, cũng hóm hỉnh kể chuyện nghề: “Ít người được rong chơi Tết nhiều như tôi, suốt từ sáng mùng 1 đến hết mùng. Cứ đạp xe chậm chậm, cơm đường cháo chợ, gặp chỗ đông người thì dừng lại, vui cùng ánh mắt nụ cười trẻ con cũng ấm lòng! Là nói thế, chỉ là vui gượng, nhìn người ta thưởng Tết vui Xuân, mình dọc đường gió bụi tủi thân. Có năm ngồi nhẩm lại, đoạn đường đã đi qua dễ chừng đến vài ba trăm cây số; đi qua không biết bao nhiêu là phố thị, làng mạc. Thu nhận về trong tầm mắt cũng nhiều, mà vô hình. Cái tính được là kiếm được ngót 500 ngàn đồng mỗi ngày nên phải gắng, bù lại giêng hai ế dài”.

Vậy mới thấy, Tết đâu chỉ đem lại niềm vui đầm ấm, sum vầy cho tất cả…

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm