Những người nào dễ có nguy cơ đột quỵ và cách ngăn ngừa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có những nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ bị đột quỵ. Bạn có thể thử kiểm tra, so sánh các nguy cơ để đánh giá tình trạng sức khỏe, biện pháp phòng ngừa đột quỵ.
Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp, can thiệp càng sớm thì an toàn tính mạng và khả năng phục hồi của bệnh nhân đột quỵ càng cao ẢNH: KHẢI LINH
Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp, can thiệp càng sớm thì an toàn tính mạng và khả năng phục hồi của bệnh nhân đột quỵ càng cao ẢNH: KHẢI LINH
Các nguy cơ đột quỵ
Theo tiến sĩ - bác sĩ (TS.BS) Nguyễn Bá Thắng - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Có hai nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ: một là do mạch máu bị vỡ/bể ra; hai là do mạch máu bị tắc nghẽn.
Trong đó, đột quỵ vỡ mạch máu (tức là đột quỵ xuất huyết) chiếm tỉ lệ khoảng 20% tổng số các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân của nó hầu hết là do tăng huyết áp.
Đột quỵ thiếu máu (tức là mạch máu bị tắc nghẽn khiến máu không lên não được) chiếm khoảng 80%.
"Có ba nguyên nhân cơ bản nhất gây đột quỵ thiếu máu là: xơ vữa động mạch, mạch máu bị xơ vữa gây hẹp, tắc làm cho máu không lên não được; tăng huyết áp làm cho các mạch máu bị thoái hóa tắc nghẽn lại và không nuôi não được; và nguyên nhân do các bệnh lý về tim, một số bệnh tim đặc biệt như bệnh rung nhĩ sẽ tạo ra những cục máu đông trong tim và những cục máu đó sẽ trôi lên não làm bít mạch máu não gây ra thiếu máu não", TS.BS Thắng giải thích.
Vì vậy, người có nguy cơ cao bị đột quỵ là người có những yếu tố “nền” như: tăng huyết áp (đây là nguy cơ rất quan trọng); bệnh đái tháo đường; xơ vữa động mạch; rối loạn về mỡ máu; tình trạng thừa cân béo phì và một số bệnh về tim.
Các thói quen, lối sống hằng ngày không tốt cũng có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ như: hút thuốc, uống rượu bia nhiều, ít vận động,…
“Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ bị đột quỵ”, TS.BS Thắng cảnh báo.
Đặc biệt, đối với những người đã từng bị đột quỵ hoặc tiền sử gia đình có người bị đột quỵ thì nguy cơ đột quỵ và tái phát đột quỵ càng cao.
Phòng ngừa đột quỵ
TS.BS Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo, muốn phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, mọi người cần kiểm soát tốt, tránh các tác nhân trên. Đặc biệt, những người có bệnh tim, hay vấn đề về huyết áp, đường huyết cần phải khám kiểm tra định kỳ, đo theo dõi huyết áp, đường huyết thường xuyên. Thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 10% người tăng huyết áp là có triệu chứng (choáng váng, xây xẩm, nhức đầu, khó chịu…).
Người dân nên khám sức khỏe định kỳ. Với người khỏe mạnh bình thường thì nên khám 1 lần/năm, người lớn tuổi (50-60 tuổi trở lên) thì nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng. Nếu phát hiện ra bệnh lý, các yếu tố nguy cơ thì cần điều trị, can thiệp, điều chỉnh kịp thời.
Thay đổi thói quen, có lối sống lành mạnh: hạn chế rượu bia, thuốc lá; ăn uống lành mạnh: tăng cường rau xanh, giảm mỡ béo, đồ chiên xào, các món ăn từ đường bột; kiểm soát cân nặng; tránh căng thẳng, làm việc quá sức,…
Với người từng bị đột quỵ, để phòng ngừa tái phát, cần tuân thủ theo các chỉ định phương pháp điều trị và kiểm soát tái phát của bác sĩ.
Các bệnh viện trong cả nước có quy trình can thiệp, điều trị đột quỵ
Tổng hợp danh sách các bệnh viện có quy trình cấp cứu can thiệp, điều trị đột quỵ để bạn đọc có thể tham khảo (danh sách này có thể chưa cập nhật đầy đủ hết được các đơn vị, bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ)
1. Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM
2. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
3. Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM
4. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)
5. Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM
6. Bệnh viện Q.Thủ Đức TP.HCM
7. Bệnh viện Xuyên Á (TP.HCM)
8. Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM)
9. Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM)
10. Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM)
11. Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM)
12. Bệnh viện chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế (TP.HCM)
13. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM)
14. Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM)
15. Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM)
16. Bệnh viện An Bình (TP.HCM)
17. Bệnh viện Quận Tân Phú (TP.HCM)
18. Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
19. Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội)
20. Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội)
21. Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)
22. Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội)
23. Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội)
24. Bệnh viện E (Hà Nội)
25. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
26. Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội)
27. Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng)
28. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
29. Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên
30. Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái
31. Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai
32. Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
33. Bệnh viện khoa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc)
34. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương
35. Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình
36. Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình
37. Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định
38. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh
39. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh)
40. Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
41. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
42. Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An
43. Bệnh viện T.Ư Huế
44. Bệnh viện Đà Nẵng
45. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định
46. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị
47. Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận
48. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai
49. Bệnh viện đa khoa Thống Nhất tỉnh Đồng Nai
50. Bệnh viện Đại Học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai (Gia Lai)
51. Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng
52. Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ
53. Bệnh viện Quân y 120 (Tiền Giang)
54. Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp
55. Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang
56. Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang
57. Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng
58. Bệnh viện đa khoa Kiên Giang
Theo Khải Linh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm