TN - Đất & Người

Những người tạo nên nét văn hóa độc đáo của Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Miền đất cao nguyên Đà Lạt, nơi 'thông reo vi vút dào dạt muôn tiếng tơ', nơi sương mù vấn vít, nơi ngàn hoa đua nở đã làm xao xuyến trái tim bao người. Ngoài thác 'Cam Ly vô tư lên tiếng ca muôn đời', hồ Xuân Hương níu bước chân người đi, Thung lũng Tình yêu dạt dào ý thơ... Đà Lạt còn có những con người mà sự hiện diện và những đóng góp của họ đã tạo cho vùng đất này những nét văn hóa độc đáo không nơi nào có được.

 Nghệ sĩ MPK Phước Khùng bên tác phẩm của mình.
Nghệ sĩ MPK Phước Khùng bên tác phẩm của mình.



Kiến trúc sư Đặng Việt Nga và “Ngôi nhà điên” nổi danh

Người lần đầu tiên tới cao nguyên Đà Lạt, chỉ cần leo lên taxi hoặc xe ôm, nói câu “Biệt thự Hằng Nga” hoặc “Crazy House” là được đưa thẳng tới “Ngôi nhà điên” của kiến trúc sư (KTS) Đặng Việt Nga. Còn ai đã tới nhiều lần, cứ nhắm địa chỉ số 3, đường Huỳnh Thúc Kháng là tới. Tuy vậy, không phải ai cũng được gặp người đàn bà có “bàn tay vàng” và ý tưởng siêu độc đáo này. Bà Đặng Việt Nga thường ở đâu đó trong những căn phòng kì dị, lặng lẽ nghiên cứu những phác thảo, tính toán để tiếp tục nhân rộng các hạng mục của công trình mới đây đã được trang Business Insider của Mỹ xếp trong top 3 của 20 khách sạn kỳ lạ nhất thế giới.

Chúng tôi may mắn được KTS Đặng Việt Nga kể lại, bà bắt đầu xây dựng “Crazy House” từ năm 1990, lấy cảm hứng từ tác phẩm của các họa sĩ lập dị Salvador Dali và Antoni Gaudi, cũng như phong cách bay bổng của tòa lâu đài Disney nổi tiếng. Lối xây dựng của công trình này thể hiện rõ trường phái biểu hiện, trông giống như những gốc cây hay hang động trong rừng già. Từ đó đến nay, rất nhiều tòa nhà, quán cà phê hay các phòng trưng bày nghệ thuật với phong cách khác biệt đã hình thành trong khuôn viên rộng gần 2.000 mét vuông.

Trang thông tin du lịch nổi tiếng Lonely Planet cũng từng viết, nơi đây như một bản Tuyên ngôn về tiềm năng sáng tạo điêu khắc từ bê tông. Những căn nhà như một khối thân cây khổng lồ xù xì với nhiều hình khối lồi lõm, cắt gọt theo nhiều hình thù kỳ lạ, hay những căn phòng trong hang động với những đồ nội thất độc đáo chưa nhìn thấy ở bất cứ nơi nào. Trong khi đó, không thể thiếu những lùm hoa giấy, những cây cảnh điểm xuyết vào không gian này những sắc màu tươi tắn, gần gũi với thiên nhiên.

Ngoài những lối đi quanh co, gấp khúc tạo “cảm giác mạnh”, “Crazy House” còn có hơn chục phòng để phục vụ khách du lịch lưu trú. “Choáng ngợp” là cảm giác mà tất cả du khách khi bước vào những căn phòng này. Tuy mỗi phòng đều nhỏ, với hình thù không giống ở bất cứ đâu, nhưng các tiện nghi sinh hoạt đều có đủ. KTS Đặng Việt Nga giải thích rằng, thiết kế căn nhà này để thỏa thích những ý tưởng thể hiện của bản thân và những đam mê sáng tạo của một người làm nghề kiến trúc, vì thế, bà đã đầu tư khá nhiều tiền và công sức vào công trình này.

Những tìm tòi, phá cách của người đàn bà nhỏ bé với nụ cười ấm áp đã tạo nên một điểm nhấn văn hóa kiến trúc độc đáo để ngoài những nét mộng mơ, xứ ngàn thông còn có thêm nét huyền bí, kích thích trí tò mò, khám phá của mọi người. Bởi vậy, “Ngôi nhà điên” đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, là địa danh mà nhiều người cần tìm đến để trải nghiệm những cảm xúc hết sức kì lạ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK Phước Khùng - “Don Quixote”của xứ ngàn thông

Đúng “chất” nghệ sĩ, Nguyễn Văn Phước hay MPK Phước Khùng là “đặc sản” có một không hai của xứ ngàn thông. Mái tóc dài, râu ria bụi bặm, bốn mùa áo gile để ngực và tay trần, nhưng MPK Phước Khùng có nụ cười rất hiền, hồn nhiên như cây cỏ nơi đây.

Có được điều đó có lẽ bởi ông quá hòa nhập với thiên nhiên và sống đúng bản chất lãng tử của mình. MPK Phước Khùng dường như vô tình đã tạo ra một hấp lực hấp dẫn mọi người. Những bộ ảnh cầu kỳ, với nhiều góc độ độc đáo, đẹp một cách lạ lùng ngợi ca mảnh đất, con người và thiên nhiên Đà Lạt của ông khiến người xem mê đắm mà muốn gặp ông để hiểu hơn về Đà Lạt. Hai chục năm sống và thở ở xứ này, MPK Phước Khùng thuộc lòng những ngõ ngách, thuộc lòng thời tiết đất này.

Bởi thế, ông không chỉ chụp những bức hình đẹp về phong cảnh, MPK Phước Khùng còn đi sâu vào từng chuyên đề cụ thể. Với những "Sương và hoa" long lanh hàng trăm tấm; "Nhụy, mưa, nắng và hoa dại"; "Mắt côn trùng"; “Chuyển”... 81 ảnh về lá Mai Anh Đào là cả một kỳ công của MPK Phước Khùng, dù chiếc máy ảnh ông dùng được cải tạo lại từ chiếc máy hơn chục năm trước chứ không phải máy ảnh kĩ thuật số đời mới như bây giờ. Ống kính của nghệ sĩ MPK không chỉ ghi lại hình ảnh Mai Anh Đào ở phố núi Đà Lạt, mà còn “chụp” cả những ý nghĩa bên trong. Ít ai biết, để bắt được hồn hoa Mai Anh Đào, nghệ sĩ MPK đã chờ đợi không chỉ ngày một, ngày hai mà là cả một quá trình lắm công phu suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, để nắm bắt từng khoảnh khắc đổi thay của từng mầm cây, từng chiếc lá, từng cánh hoa, từng khoảnh khắc giao mùa, nhịp đập tinh tế của thời gian...

37 triển lãm trong suốt chặng đường cầm máy của ông với những bộ ảnh mỗi lần ra mắt là đem đến cho người xem một sự sửng sốt lạ lùng. Những chùm ảnh của ông luôn giản dị, gắn bó mật thiết với cuộc sống thiên nhiên hằng ngày ở Đà Lạt như nó đã có và đang có. Xem ảnh của MPK, người ta thấy thế giới nhẹ nhàng, cuộc sống đẹp, đáng yêu và nhân hậu. Nhiều người vì ảnh của ông mà cất công lặn lội tìm tới thưởng lãm những vẻ đẹp tương tự như trong ảnh của Đà Lạt, đủ để thấy công lao của MPK Phước Khùng với xứ sở ngàn hoa này.

Ở tuổi 60, MPK không còn là người độc thân nữa. Ông lên xe hoa với người đẹp kém mình 35 tuổi, là nhà thơ Nguyễn Hồng Thủy Tiên. Mái nhà nhỏ bình yên của cặp đôi nghệ sĩ đã có tiếng khóc, cười của trẻ thơ. Hạnh phúc ngọt ngào khiến sự sáng tạo của ông càng thăng hoa trong những chủ đề ca ngợi vẻ đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên Đà Lạt. Những người yêu mến ông sẽ luôn dõi theo bước đường đời, cũng như con đường nghệ thuật của người nghệ sĩ độc đáo xứ sương mù này.

Thiền sư Viên Thức - vị sư thông tuệ, tài năng

Trụ trì chùa Lâm Tì Ni - nhà thơ Viên Thức cũng là một bậc kì tài của xứ ngàn hoa. Nếu may mắn được gặp ông, người đối diện sẽ vô cùng cảm phục kiến thức uyên thâm cổ kim đông tây của một nhà sư, ông còn có thể nói được các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Thái Lan, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Nổi tiếng với tài cầm, kì, thi, họa, thiền sư Viên Thức còn ấn tượng trước những bức tượng của ông, hay cách viết thư pháp và những ký họa chân dung ông vẽ người bạn của mình - họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, hay người mà ông ngưỡng mộ như Danh họa Bùi Xuân Phái. Anh em nhà thơ - đạo diễn Lưu Trọng Văn, Lưu Trọng Ninh đã quyết tâm khắc họa hình ảnh của thiền sư khi làm phim “Dốc tình”. Không giống như MPK có người “đóng thế”, không ai có thể lột tả được thần thái siêu phàm của thiền sư, các đạo diễn gạo cội phải bỏ rất nhiều công sức để thiền sư nhập vai chính mình.

Với chiếc mũ đặc biệt, không lẫn với bất cứ ai trên cõi đời này, sự xuất hiện của thiền sư trong phim đã khiến bộ phim làm nên một Đà Lạt đầy đủ hơn bao giờ hết. Nhiều người nói rằng, suốt nửa thế kỷ qua, chưa bao giờ thấy thầy Viên Thức đội một chiếc mũ nào có hình hài khác. Còn khi vào trang vienthuc.com, đọc những vần thơ của thiền sư, mỗi người sẽ cảm nhận sâu hơn về lòng thiền, về đạo, về đời mà Viên Thức muốn chuyển tải qua từng con chữ.

Thanh Nguyên (Biên Phòng)

Có thể bạn quan tâm