Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Những “nhà điêu khắc” mặt nạ gỗ ở Ia Tôr

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặt nạ là một bộ phận quan trọng góp phần làm nên một pơtual (người làm trò) trong lễ hội của người Jrai. Bằng tình yêu và đôi tay khéo léo, những “nhà điêu khắc” tài hoa ở xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) đã làm ra hàng trăm chiếc mặt nạ phục vụ lễ hội, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Những đôi tay tài hoa

Khi nghe chúng tôi ngỏ ý tìm hiểu về những chiếc mặt nạ trong lễ hội của người Jrai, ông Kpuih Jol (làng Hle Ngol) hào hứng giới thiệu: “Mặt nạ hóa trang trong lễ hội của người Jrai có nhiều sắc thái khác nhau, lưu truyền hồn cốt, bản sắc văn hóa từ xa xưa”. Nói rồi, ông nhanh nhẹn vào nhà lấy thêm vài chiếc mặt nạ khác nhau do chính bàn tay mình làm ra cho chúng tôi xem.

“Hồi nhỏ, trong các lễ hội của làng, tôi bị thu hút và mê hoặc bởi những gương mặt có hình thú kỳ dị, khác lạ. Tôi tò mò tìm hiểu và được ông nội chỉ dạy. Nhưng khi tôi học cách làm thì ông bảo chưa đúng, chưa có tinh thần… Không bỏ cuộc, tôi kiên trì, miệt mài học và đến khi ở tuổi 40, tôi mới biết cách làm mặt nạ cho các pơtual một cách chuẩn xác nhất. Sau này, người già công nhận và sử dụng mặt nạ do tôi làm ra tại các lễ hội của làng”-ông Jol kể.

Anh Kpuih Or (bìa trái, làng Nẻh Xo) học cách làm mặt nạ từ ông Kpuih Kring. Ảnh: Trần Dung

Anh Kpuih Or (bìa trái, làng Nẻh Xo) học cách làm mặt nạ từ ông Kpuih Kring. Ảnh: Trần Dung

Ông Jol lý giải, với người Jrai, mặt nạ là vật gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, thể hiện sức mạnh huyền bí, có thể xua đuổi tà ma, đem lại sự bình yên cho dân làng. Xưa kia, mặt nạ là vật không thể thiếu trong các lễ hội như: bỏ mả, mừng nhà rông, mừng lúa mới… Tùy vào ý nghĩa của từng lễ hội, các pơtual sẽ mang mặt nạ khác nhau. Thần thái của mặt nạ hung dữ, hiền lành hay hài hước tùy thuộc vào những đường khoét lõm ở đuôi mắt, khóe môi và đường cong trên má… Dây đeo mặt nạ thường được lấy từ một loại cây trong rừng rồi se thành sợi để tạo độ bền và dai.

Ở làng Ó Kly, nghệ nhân Rơ Châm Luih cũng là người biết chế tác những chiếc mặt nạ truyền thống. Theo ông, mặt nạ là bộ phận quan trọng nhất làm nên hình ảnh của những pơtual hoặc chiến binh trong lễ hội. Vì vậy, mặt nạ phải trông thật ngộ nghĩnh, gây cười khiến người xem thích thú hoặc thật quái dị để tạo cảm giác sợ hãi. Xưa nay, mỗi lần làng tổ chức lễ hội, ông Luih lại dành ra 1 ngày để chế tác mặt nạ. Qua đôi tay khéo léo của ông, từng thớ gỗ khô cứng trở nên mềm mại, có hồn. Ông Luih cho hay: “Hầu hết những chiếc mặt nạ được làm từ chất liệu gỗ mềm, nhẹ. Sau này, để linh hoạt hơn, chúng tôi sáng tạo ra mặt nạ từ tre nứa, lồ ô hay vỏ cây… Hình thù mặt nạ tùy thuộc vào sự sáng tạo và trí tưởng tượng của người chế tác. Tuy nhiên, phổ biến là đầu người và các con thú hay những nhân vật được mô tả trong truyền thuyết, sử thi của người Jrai xưa kia. Mỗi mặt nạ sẽ có nét độc đáo riêng, không cái nào giống cái nào”.

Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những chiếc mặt nạ giúp người xem nhận diện được đâu là người già, người trẻ, nam hay nữ, thậm chí thể hiện cả tâm trạng buồn vui hay đau khổ. Mỗi chiếc mặt nạ dày trung bình 1 cm, dài khoảng 25-30 cm. Mặt nạ dành cho người già sẽ có bộ răng thưa, thêm chút vôi trắng; mặt nạ trẻ con thì tô thêm chấm hồng ở má; mặt nạ nữ thường thon gọn còn mặt nạ cho nam thì điểm thêm bộ râu… Tất cả đều toát lên nét mộc mạc, hoang sơ như cội nguồn của người Jrai.

Mặt nạ truyền đời

Người Jrai xem những chiếc mặt nạ như tài sản tinh thần do cha ông truyền lại. Không thể nhớ nổi đôi tay mình đã làm ra bao nhiêu chiếc mặt nạ nhưng ông Kpuih Kring (làng Nẻh Xo) vẫn luôn hứng thú mỗi khi bắt tay vào đẽo gọt trên từng thớ gỗ mỗi khi làng có lễ hội. Mỗi chiếc mặt nạ ông làm ra đều mang một sắc thái và thông điệp khác nhau khiến mọi người tò mò, thích thú. Già làng Kpuih Hnơ bày tỏ: “Mặt nạ do ông Kring làm ra mang tính nghệ thuật cao và gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh của người Jrai. Trắng, đỏ, đen là những màu chính thường được ông Kring dùng để thể hiện trên mặt nạ. Các đường nét trên mặt nạ được cách điệu hết sức gần gũi”.

Sự xuất hiện của các pơtual cùng chiếc mặt nạ lễ hội chính là điểm nhấn của lễ hội. Ảnh: Trần Dung

Sự xuất hiện của các pơtual cùng chiếc mặt nạ lễ hội chính là điểm nhấn của lễ hội. Ảnh: Trần Dung

Cũng bởi tình yêu với văn hóa truyền thống này mà ông Kring luôn trăn trở tìm cách truyền lại cách chế tác mặt nạ cho thế hệ sau. Thoạt nhìn, chiếc mặt nạ có vẻ đơn giản nhưng để hiểu và làm đúng “chất” xưa của người Jrai thì không dễ. Ông Kring cho rằng phải là người yêu văn hóa dân tộc mới làm ra những chiếc mặt nạ độc đáo. “Để thu hút lớp trẻ tìm hiểu và học cách chế tác mặt nạ, tôi đã làm ra những chiếc mặt nạ thú vị nhất, tạo được điểm nhấn và ấn tượng mạnh trong các lễ hội ở làng. Từ đó, thanh-thiếu niên quan tâm và tìm tới tôi để học hỏi”-ông Kring chia sẻ.

Sau nhiều năm theo học tập cách làm mặt nạ từ ông Kring, anh Kpuih Or (làng Nẻh Xo) phấn khởi cho hay: “Mình thấy rất hứng thú với hình dạng những chiếc mặt nạ do ông Kring chế tác. Để làm ra mặt nạ có hồn không hề dễ. Mình phải đặt cả tâm trí khi thực hiện thì mới biến những vật vô tri, vô giác có thần thái. Hiện mình mới học làm được những nét cơ bản, còn để làm giỏi như ông Kring chắc mất một khoảng thời gian dài nữa”.

Ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): “Mặt nạ là nét văn hóa nguyên thủy trong lễ hội truyền thống của người Jrai. Ngày nay, một số ít cộng đồng người Jrai còn lưu giữ và chế tác những chiếc mặt nạ dành cho các pơtual. Đây là nét văn hóa đặc sắc tồn tại lâu đời trong cộng đồng, chúng cần được bảo tồn và phát huy trong môi trường lễ hội...”.

Trong đời sống văn hóa của người Jrai có rất nhiều lễ hội được tổ chức. Trong đó, những lễ hội lớn, mang tính cộng đồng thường diễn ra vào tháng 3, tháng 4 hàng năm. Vào thời điểm này, những “nhà điêu khắc” mặt nạ của làng phải tập trung chế tác nhiều loại mặt nạ khác nhau. Với họ, mặt nạ xuất hiện không chỉ phục vụ cho sự thành công của lễ hội mà còn là dịp lan tỏa và nhân lên tình yêu văn hóa cho thế hệ trẻ của làng.

Xã Ia Tôr hiện có 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, người chế tác được mặt nạ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết họ là những người già trong làng. Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Cường cho hay: Thời gian qua, bên cạnh các lễ hội truyền thống được bà con tự tổ chức trong phạm vi gia đình, cộng đồng thì địa phương cũng đã tiến hành phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào Jrai nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc và hướng đến mục tiêu phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng. “Về cơ bản, chủ thể vẫn là người dân. Cùng với cồng chiêng, những chiếc mặt nạ đã góp phần làm cho sắc màu văn hóa Jrai ở Ia Tôr càng đậm chất sử thi. Trong tâm tưởng của những cư dân Jrai bản địa thì sự xuất hiện của các pơtual cùng chiếc mặt nạ lễ hội chính là nơi để họ gửi gắm niềm tin về cuộc sống ấm no, đủ đầy”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tôr chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm