Kinh tế

Nông nghiệp

Những nông dân 'tỉ phú' sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá sầu riêng tăng cao đã mang lại thu nhập lớn cho nông dân trồng loại cây này, không ít người thu nhập ngót nghét triệu USD mỗi vụ.

Sau khi sầu riêng Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng luôn ổn định ở mức cao đã góp phần giúp nông dân trồng loại cây này có một mùa vụ bội thu, nhiều người trở thành "tỉ phú".

Sầu riêng giúp xóa đói, vươn lên làm giàu

Huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng một số mặt hàng nông sản liên tục giảm giá, trong khi giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn đời sống nhân dân.

Những vườn sầu riêng bạt ngàn của nông dân huyện Cư M'gar

Những vườn sầu riêng bạt ngàn của nông dân huyện Cư M'gar

"Trong cái khó, ló cái khôn" nhiều nông dân đã nắm bắt thời cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn trái, trong đó có sầu riêng. Hiện nay, diện tích sầu riêng của huyện Cư M'gar đã hơn 5.000 ha, sản lượng hàng chục ngàn tấn mỗi năm, đưa nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Năm 2004, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Hồng từ tỉnh Phú Thọ vào xã Ea Tar (huyện Cư M'gar) lập nghiệp. Vào vùng kinh tế mới từ 2 bàn tay trắng, cả gia đình chị Hồng phải đi làm thuê suốt 6 năm. Sau khi có chút vốn liếng, gia đình chị Hồng đã tích góp từng mảnh đất nhỏ để phát triển kinh tế.

Gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Hồng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ sầu riêng

Gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Hồng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ sầu riêng

Đến nay, không chỉ thoát ra khỏi diện hộ nghèo, gia đình chị Hồng có 3 ha sầu riêng xanh tốt, đang cho thu hoạch. Mùa vụ vừa qua, dù có 1 ha mới thu hoạch vụ đầu nhưng vườn sầu riêng của gia đình chị Hồng thu được 47 tấn, bán với giá 84.000 đồng/kg.

"Sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng, gia đình tôi lợi nhuận khoảng 3,7 tỉ đồng. Tôi cũng cho con gái lên TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) học nội trú với học phí 10 triệu đồng/tháng" – chị Hồng chia sẻ.

Huyện Krông Pắk là "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk với hàng ngàn hộ dân thu nhập tiền tỉ mỗi năm. Gia đình ông Nguyễn Viết Sửu có 2 ha sầu riêng nhưng vụ vừa qua thu được khoảng 60 tấn. Với mức giá trung bình 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 3,5 tỉ đồng.

Với hơn 7 sào đất nhưng vườn sầu riêng già của gia đình ông Nguyễn Viết Sửu (phải) cho thu nhập hơn 2 tỉ đồng mỗi năm

Với hơn 7 sào đất nhưng vườn sầu riêng già của gia đình ông Nguyễn Viết Sửu (phải) cho thu nhập hơn 2 tỉ đồng mỗi năm

Đặc biệt, gia đình ông Sửu có vườn sầu riêng già, chỉ rộng hơn 7 sào với 87 cây nhưng thu được hơn 2 tỉ đồng. Có những cây sầu riêng đạt sản lượng 4 tạ quả, tương đương hơn 30 triệu đồng/cây.

Thu triệu USD từ vườn sầu riêng

Xã Ea Tar (huyện Cư M'gar) là xã vùng xa, trước đây đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong vài ba năm trở lại đây, xã đã xuất hiện nhiều "tỉ phú" sầu riêng. Hiện Ea Tar là vùng sản xuất sầu riêng tập trung của huyện Cư M'gar với hơn 1.000 ha.

Ông Đỗ Việt Hùng (65 tuổi) có 10 ha sầu riêng ở xã Ea Tar đã cho thu hoạch năm thứ 3. Vườn sầu riêng của ông Hùng được đầu tư đồng bộ từ hệ thống tưới tự động, các loại máy phun thuốc chuyên nghiệp nên năng suất cao.

Vụ thu hoạch vừa qua, vườn sầu riêng của gia đình ông Hùng đạt hơn 300 tấn, bán với giá 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ các loại chi phí phân bón, thuốc men, công chăm sóc, thu hái khoảng 2,5 tỉ đồng, gia đình ông Hùng lợi nhuận hơn 21 tỉ đồng.

Sầu riêng tăng giá đã đưa hàng ngàn nông dân ở Đắk Lắk trở thành "tỉ phú"

Sầu riêng tăng giá đã đưa hàng ngàn nông dân ở Đắk Lắk trở thành "tỉ phú"

Bà Thái Thị Anh Hòa, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tar, cho biết cây sầu riêng bén duyên với Ea Tar cách đây khoảng 10 năm trước. Hồi đó, một số người dân ở TP Buôn Ma Thuột xuống mua đất trồng. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây sầu riêng phát triển tốt nên người dân địa phương đã chuyển đổi các loại cây như cao su chất lượng thấp sang phát triển sầu riêng thành vùng chuyên canh.

"Năm nay giá sầu riêng tăng cao, người trồng rất phấn khởi, đời sống ấm no. Hiện người dân rất chăm chỉ đi tập huấn, dự hội thảo để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc chuyên sâu cây sầu riêng" - bà Hòa nói.

Chất lượng sầu riêng tốt nhất nhì Tây Nguyên

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M'gar, cho biết sầu riêng ở huyện là cây trồng phát triển sau nhưng được các doanh nghiệp thu mua đánh giá tốt nhất nhì Tây Nguyên. Vụ vừa qua, do mưa nhiều nên cơm sầu riêng nhiều vùng ở Đắk Lắk bị sượng nhưng sầu riêng Cư M'gar vẫn cho chất lượng tốt.

"Sầu riêng Cư M'gar đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu "Sầu riêng Cư M'gar" sẽ là động lực giúp cho người trồng sầu riêng yên tâm sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm đặc sản, mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho nông dân" – ông Giao chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm