TN - Đất & Người

Những phụ nữ Bahnar ở Đak Đoa thoát nghèo nhờ vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, nhiều người phụ nữ Bahnar ở huyện Đak Đoa đã vượt khó, vươn lên thoát nghèo và có nhiều đóng góp cho phong trào phụ nữ ở cơ sở.

Không cam chịu đói nghèo

Từ một hộ nghèo nhưng sau 14 năm miệt mài với nghề nông, gia đình chị Hley (thôn Biă Til 1, xã A Dơk) đã trở nên khá giả với thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng. Chị Hley cho biết, lúc mới lập gia đình, vợ chồng chị chẳng có gì ngoài 300 cây cà phê được bố mẹ cho để làm vốn. Do không được chăm sóc tốt, lại thiếu phân bón nên số cà phê này còi cọc và cho năng suất thấp. Vì vậy, vợ chồng chị đi làm thuê để kiếm tiền mua phân bón. Anh chị cũng luôn tham gia các lớp tập huấn để nắm kiến thức và kỹ thuật chăm sóc cà phê, đồng thời tích cóp vốn mua thêm đất để mở rộng diện tích.

 

Nhờ chăm chỉ lao động mà gia đình chị Hley đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: H.T

Chưa dừng lại ở đó, năm 2013, vợ chồng chị Hley còn học theo dân làng Biă Til 1 trồng hồ tiêu để làm giàu. Nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng có hiệu quả kỹ thuật mới nên hồ tiêu phát triển tốt, không ngừng tăng sản lượng. Đến nay, gia đình chị đã có 600 trụ tiêu, trong đó, có gần 200 trụ đã cho thu bói năm thứ nhất. Ngoài cà phê và hồ tiêu, gia đình chị Hley còn nuôi gà, vịt, trồng rau và canh tác 1 ha lúa nước. Lúa thu hoạch hàng năm không chỉ đủ ăn mà vợ chồng chị còn hỗ trợ cho anh em trong nhà và một số hộ phụ nữ khó khăn. Chị Hley chia sẻ: Có được thành quả này một phần là nhờ được Hội Phụ nữ xã thường xuyên tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, bên cạnh bản thân phải nỗ lực lao động thì cuộc sống mới khá giả hơn…

Giỏi việc Hội, đảm việc nhà

Khác với chị Hley, chị Til (làng Bi Bre, xã Ia Pết) lập gia đình và ra riêng với hai bàn tay trắng nhưng được sự giúp đỡ về vốn và kỹ thuật của Hội Phụ nữ xã, cộng với sự nỗ lực của bản thân, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Lúc mới lập gia đình, vợ chồng chị chỉ biết trông vào số tiền kiếm được từ việc đi làm thuê nên đời sống rất khó khăn. Đến năm 2012, nhờ Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để vay 30 triệu đồng, vợ chồng chị mới có vốn đầu tư trồng cà phê và nuôi heo trên 5 sào đất mới mua. Nhờ chăm chỉ học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật mà 5 sào cà phê phát triển tốt, mỗi năm cho thu gần 100 triệu đồng. Riêng đàn heo do được chăm sóc tốt nên ít dịch bệnh và nhanh lớn. Khi bán heo, vợ chồng chị lại gom vốn đầu tư xây dựng chuồng trại để mở rộng quy mô, mỗi năm thu trên 30 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập trên, không chỉ trả hết nợ, vợ chồng chị còn tích góp mua được xe công nông dùng vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng cho bà con để tăng thu nhập.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Til còn tích cực tham gia các phong trào do Hội Phụ nữ các cấp triển khai và có nhiều đóng góp cho công tác Hội. Năm 2014, chị được phụ nữ làng Bi Bre tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Trong vai trò mới, chị Til luôn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua do Hội Phụ nữ các cấp phát động. Đặc biệt, từ hoàn cảnh nghèo khó nên hơn ai hết chị thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn của hội viên, phụ nữ nghèo. Từ đó, không những vận động hội viên góp vốn, xoay vòng giúp hội viên khó khăn vay sản xuất, chị Til còn hỗ trợ heo giống và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi cho hội viên khó khăn.

Bà Tống Thị Thanh Hòa-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Pết nhận xét: Chị Til là một trong những tấm gương tiêu biểu trong vượt khó vươn lên của làng Bi Bre nói riêng, xã Ia Pết nói chung. Chị còn là cán bộ hội gương mẫu, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và giúp nhiều hội viên, phụ nữ trong làng thoát nghèo. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ nhân rộng mô hình của chị Til để hội viên, phụ nữ trong xã học tập và làm theo.

 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm