Sức khỏe

Dinh dưỡng

Những quả, cây cực độc mà bạn có thể không biết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bốn trẻ ở Yên Bái ngộ độc do ăn hạt dầu mè, bé nặng nhất tụt huyết áp, mạch nhanh yếu.

 

Ngày 23-6, sau khi ăn mấy hạt dầu mè (cây cọc rào, ba đậu nam...) chưa đầy một giờ, cả bốn cháu ở tổ Pá Kết, P.Trung Tâm, thị xã (TX) Nghĩa Lộ, đều rát bỏng ở họng và dạ dày, đau quặn bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều lần, lả người, chóng mặt, lập tức được đưa tới BV khu vực Nghĩa Lộ, Yên Bái cấp cứu, cháu Hà Đức D, 12 tuổi, ngộ độc nặng nhất với triệu chứng mạch nhanh, huyết áp tụt.

Sang ngày 25.6, tình trạng các cháu ổn định, không nôn, ăn uống được, huyết động ổn định, được ra viện. Hạt dầu mè (Jatropha curcas) chứa chất Curcin gây nóng rát ở miệng, hầu họng và dạ dày, nôn ói, tiêu chảy; chóng mặt; ngộ độc nặng sẽ chảy máu đường tiêu hóa, rối loạn tim mạch và ức chế thần kinh TW hoặc hôn mê, nguy hiểm tính mạng.

Ăn thứ mà không biết gì về nó!

Giờ ra chơi, nhiều học sinh lớp 2 và 3, trường tiểu học Nghi Hòa, TX.Cửa Lò, Nghệ An rủ nhau ăn quả ngô đồng. Hơn 10 phút sau, một số em đau bụng, nôn mửa. Nhà trường gọi xe cấp cứu đưa các em đến Trung tâm y tế TX. Ông Phùng Đức Nhân, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo TX cho biết số phải cấp cứu khoảng 30 em lớp 2 và 3...

Tan trường, các em học sinh lớp 6, 7 Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS Quỳ Châu, Nghệ An thấy quả ngô đồng chín rụng nhiều ở sân trường nên cùng nhau ăn... Hơn 20h, thầy Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, được giáo viên trực giáo vụ báo, sau giờ ăn tối một số học sinh nội trú đến xin thuốc uống, các em có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, đi ngoài... chưa rõ lý do.

Do các em ở nội trú nên dễ tìm hiểu: Em Lữ Thị Ý, học sinh lớp 6A3, kể lại, lúc tan học, thấy một số bạn nam trong lớp nhặt quả ngô đồng chín rụng trong sân trường đập vỡ vỏ, lấy hạt ăn. Đang đói bụng, thấy các bạn ăn trước nói ngon, bùi như lạc nên em cũng ăn mà không biết là hạt có độc, có bạn ăn một hạt, có bạn chỉ nửa hạt...

Ngay lập tức, nhà trường đưa các em đi Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu cấp cứu, có 5 em bị nặng: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy dữ dội. Các em được truyền dịch và BS trấn an tâm lý. Ngày hôm sau, 37 em được xuất viện với tinh thần ổn định... Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ 3 - 11 tuổi, ở thôn Cây Táu, xã Đồng Quý, Sơn Dương, Tuyên Quang, bẻ ăn. Hôm sau, các em đau bụng, buồn nôn và nôn.

Thấy cả năm em có biểu hiện giống nhau nên người nhà hỏi, biết được chúng ăn hạt thầu dầu, đã đưa đi BV huyện, nhưng phải chuyển tỉnh. Các BS cho uống than hoạt, truyền dịch, bù điện giải, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Tuy nhiên, sau 3 giờ cấp cứu, điều trị tích cực, cả 5 cháu vẫn phải chuyển BV Nhi TƯ do không chuyển biến.

Trong hạt thầu dầu (Ricinus communis L.) có chất Ricin, không mùi, không vị, thuộc nhóm toxalbumil - những protein thực vật có độc tính cao (như Crotin trong ba đậu, Abrin trong cam thảo dây, Curcin trong dầu mè...).

Ricin độc hơn cả nọc rắn hổ mang độc nhất, được cho là một trong những chất độc mạnh nhất mà con người từng biết đến: 1gam chất này đủ làm chết khoảng 36.000 người; độc hơn xyanua khoảng 1.000 lần, độ độc của Arsenic so với Ricin là “không đáng kể”; khi vào cơ thể bằng đường hô hấp, độ độc của Ricin có thể sánh với chất độc thần kinh Sarin.

Trúng độc Ricin sẽ nôn; đau bụng; đi ngoài ra máu (do làm tổn thương niêm mạc ruột), mất nước; suy thận: tiểu ít, nước tiểu có máu (do Ricin làm tan hồng cầu) hoặc không có nước tiểu; khó thở; tím tái; rối loạn thị lực và tim mạch, tụt huyết áp; rối loạn tri giác; liệt các dây thần kinh sọ; vàng da, gan to, suy gan; phù phổi cấp, hôn mê và tử vong sau 3 ngày trở đi. Điều nguy hiểm là những triệu chứng trúng độc đầu tiên thường không xuất hiện trước 15 giờ và hiện thời không có phương thuốc nào giải độc được Ricin.

Những chất nguy hiểm trong quả dại

Trong tháng 4.2017, ở Nghệ An và Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra ba vụ ngộ độc do ăn hạt quả cây nNgô đồng trồng trong sân trường, gần 70 học sinh phải cấp cứu. Thực ra, đây là cây ba đậu tây (điệp tây, vông đồng -  Hura crepitans, người dân quen gọi là ngô đồng), thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae), nguồn gốc Châu Mỹ, chứa chất độc Crepitin gây nôn mạnh, phồng rộp da, bắn vào mắt gây tổn thương giác mạc, mù lòa; dùng quá liều sẽ đi ngoài ra máu, nhiễm độc nặng có thể chết người...

Ba đậu tây khác ba đậu (Croton tiglium L - bã đậu, mãnh tử nhân..., cũng họ thầu dầu), được cho có nguồn gốc Tứ Xuyên (Ba Thục) Trung Quốc. Hạt có chất Crotin gây nóng rát và phồng dộp da mạnh, tổn thương giác mạc nếu bắn vào mắt; liều nhỏ dầu bã đậu gây đau bụng, đi ngoài nhiều lần; liều cao gây nôn mửa, tiêu chảy hoặc tiêu chảy ra máu, toát mồ hôi, mạch nhanh yếu, huyết áp hạ, có thể tử vong; ngoài ra dầu ba đậu cũng chứa Ricin và một số chất khác...

Cây ngô đồng đích thực (Jatropha podagricaco - Vạn linh, Sen núi..., cũng họ Thầu dầu), thường được trồng trong chậu cảnh, chứa chất Curcin. Các chất độc có trong ba đậu tây, ngô đồng, ba đậu, dầu mè đều thuộc nhóm toxalbumin, có chung cơ chế gây độc là ức chế tổng hợp protein - chất căn bản của sự sống - ở tế bào, làm tế bào chết. Các triệu chứng ngộ độc xuất hiện cách vài giờ đến một ngày sau khi nhiễm độc, tử vong sau 3 ngày đến khoảng hai tuần.

Hầu hết các chất độc này vào cơ thể theo đường tiêu hóa (ăn hạt), ít độc hơn nhiều lần so với đường hô hấp và máu (thí nghiệm) nhưng đã rất nguy hiểm. Liều chết trung bình (LD50) của Abrin với người từ 10 - 1000 microgam/kg trọng lượng cơ thể theo đường tiêu hóa. LD50 của Ricin là 22 microgam/kg trọng lượng cơ thể (1 - 2 hạt thầu dầu làm chết người lớn). Do Ricin kịch độc nên từ Thế chiến I, Mỹ đã có ý tưởng chế tạo “đám mây ricin” nhưng không thành; làm lớp phủ trên đạn, bi trong đạn nhưng bị Công ước quốc tế và chính luật Mỹ cấm.

Ngày 29 tháng 5 năm 2013, một thư nặc danh gửi đến Thị trưởng thành phố New York, Michael Bloomberg; một thư gửi Mark Glaze, Giám đốc tổ chức những thị trưởng chống lại việc buôn súng bất hợp pháp (Mayors Against Illegal Guns - MAIG), ở Washington; thư thứ ba gửi tới TT Barack Obama, đều phát hiện Ricin.

Nữ diễn viên Shannon Richardson đã nhận tội vào tháng 12.2013 và bị kết án 18 năm tù giam và phạt 367.000USD, ngày 16.7.2014. Trước đây, thế giới không thiếu những vụ ám sát chính trị gia đình đám tìm thấy chất Ricin... Chất cực độc  này được dùng để giết chính trị gia nổi tiếng Bulgaria, Georgi Markov khi đang sống lưu vong ở London năm 1978.

Làm gì để không ngộ độc những cây, quả dại?

Từ chuyện ngộ độc nấm thấy rằng, có lẽ nhiều người nhất biết rằng có nấm độc, thế nhưng số người ngộ độc nấm hàng năm không ít. Tự nhiên quanh ta có nhiều loại cây, quả rất gần gũi đời sống nhưng có độc mà nhiều người không biết... Ví dụ, nói đến cà độc dược, mã tiền hay trúc đào thì khá nhiều người biết là cây độc; thầu dầu, ngô đồng thì người biết có độc ít hơn.

Nhiều cây hoa, cảnh rất gần gũi nhưng mấy người biết là độc như vạn tuế, hồng môn, chuỗi ngọc, vạn niên thanh, kim tiền, huệ tây (bách hợp, loa kèn, lily, lys), đỗ quyên, cẩm tú cầu, lan ý (hoa loa kèn Arum), thiên điểu, ngót nghẻo, dạ lan, tuy lip, thủy tiên, môn đỏ, đai vàng... Gần gũi hơn nữa là hạt na, táo, lê, anh đào, hạnh nhân đắng đều độc. Còn những cây nghe lạ hoắc như thông thiên, sừng trâu, ba đậu, ba đậu tây... thì rất hiếm người biết là độc...

Những vụ việc trên tuy chưa có học sinh nguy kịch tính mạng song là cảnh báo cho nhà trường về nhận biết của học sinh với những sinh vật độc. Các em bị ngộ độc trong các vụ việc trên đều là học sinh lớp 2, 3 cho đến lớp 7, vì không biết độc mới ăn, nhưng có lẽ ngay cả bố mẹ các em cũng chưa chắc đã biết hạt ba đậu tây, thầu dầu, cọc rào, tầm bóp, lu lu... có độc, nói gì các em.

Có thể một vài phụ huynh biết một cây nào đó độc bảo cho con mình biết, thì số người biết cũng rất hạn hẹp. Ở đây chúng tôi muốn nói đến trách nhiệm của nhà trường, bởi liệu có thể trong chương trình giảng dạy có được một bài giảng về cây, quả độc, những động vật nguy hiểm...? Chỉ có bằng cách này thì mới có nhiều nhất số trẻ biết được những nguy hiểm tiềm ẩn trong cuộc sống mà tránh được.

Không học thì đương nhiên không biết, vì thế lính và phi công Mỹ ở Việt Nam trước đây được phát một quyển sách, trong đó mô tả rõ những thứ cây, quả ăn được và không ăn được... Các em ở trường tiểu học Nghi Hòa còn bảo quả ngô đồng là quả óc chó, ăn vào sẽ rất thông minh!?

 Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc, bảo đảm sức khỏe cho học sinh, nêu rõ các loài cây, hoa có độc thường gặp. Tuy nhiên, nếu trẻ không nhận diện được cây, quả độc thì nếu sân trường không có chúng cũng sẽ ăn ở chỗ khác. Có lẽ tốt nhất phải dạy cho trẻ nhớ rằng, cây, quả gì không biết thì không được ăn.

BS BÌNH NGUYỄN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm