Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Những sản phẩm từ… dế của các bạn trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ban đầu là bánh dế, tiếp đến là snack dế, dế chiên giòn, dế sấy, bột dinh dưỡng... và chuỗi thực phẩm sạch làm từ dế được nhóm bạn trẻ khởi nghiệp thuận lợi.

Lê Văn Tuấn và Tô Hữu Chương (từ trái qua) nghiên cứu các công thức phát triển bánh dế


Đó là những sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng: Nguyễn Hữu Đạt, Tô Hữu Chương, Thái Bá Toàn, Trần Thanh Vinh. Cộng sự của nhóm còn có Lê Văn Tuấn - chuyên gia về các loại bánh Pháp, Hoàng Thị Bích Ngọc - chuyên gia hóa sinh, hóa thực phẩm.

Tất cả đang gầy dựng thương hiệu khởi nghiệp được Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) hỗ trợ, với mục tiêu sản xuất thực phẩm sạch, nói không với hóa chất công nghiệp, chất bảo quản, phụ gia...

Xu hướng thực phẩm côn trùng

Ấn tượng từ một báo cáo của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) đánh giá côn trùng là thực phẩm của tương lai, nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng đã xác định hướng đi cho mình. Họ chọn dế, loài côn trùng lành tính, dinh dưỡng cao và được ưa chuộng nhất trong nhóm côn trùng, để khởi sự.
“Một nghiên cứu của FAO cho biết thế giới có 2 tỉ người ăn các sản phẩm từ côn trùng. Nếu trước đây, đối tượng sử dụng thực phẩm côn trùng chủ yếu ở các nước thuộc khu vực Á, Phi thì nay đã được mở rộng. Chúng tôi thực sự bị kích thích bởi xu thế này”, Tô Hữu Chương bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp.

Cũng theo Chương, xu hướng thực phẩm côn trùng nở rộ trong tầm 10 năm trở lại đây và có nhiều lý do để côn trùng trở thành thực phẩm của tương lai. Trước tiên là lợi thế nuôi dưỡng, sinh trưởng và phát triển với vòng đời ngắn hơn so với gia súc, gia cầm; lại ít tốn thức ăn, nước, ít tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính…

Thực phẩm từ dế có hàm lượng protein cao gấp nhiều lần so với thịt gia súc, gia cầm khác cùng trọng lượng; can xi trong lớp vỏ của dế giàu tương đương với hải sản. Sản phẩm dinh dưỡng làm từ dế có ít chất béo, phù hợp với người luyện tập thể thao...

“Dế cực kỳ mẫn cảm với môi trường, nên việc nuôi chúng phải luôn bảo đảm không hóa chất, không chất tăng trưởng và sạch trong mọi công đoạn. Người Việt cũng có nhiều người là "tín đồ" côn trùng, tuy nhiên chỉ ăn theo kiểu chế biến thông thường, chưa hình thành chuỗi sản phẩm dinh dưỡng sạch, chuyên nghiệp”, Chương cho biết.

Ăn là ghiền"

Cơ sở sản xuất bánh Pháp Tuanhilton của Lê Văn Tuấn cũng là nơi “thai nghén” công thức bánh dế 3 vị (chocolate, mè, dừa). Thưởng thức loại bánh giòn thơm, ngọt thanh này, nhiều khách hàng ăn là ghiền và cảm nhận chẳng khác gì các loại bánh nướng nhập ngoại.

Từ bánh dế 3 vị được ưa chuộng, Tuấn nghiên cứu nhiều công thức với hình dáng, chủng loại khác nhau, phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính, sở thích.

“Nhiều khách thưởng thức bánh dế 3 vị đều tấm tắc khen ngon. Vì dế đã là nguyên liệu sạch, lại còn chế biến không phụ gia, không chất bảo quản”, anh Tuấn cho biết.
Hiện tại, toàn bộ số dế nguyên liệu được nhập từ một trang trại dế lớn nhất miền Trung với nguồn cung ổn định. Dế ở đây được nuôi sạch theo quy trình nghiêm ngặt, thức ăn của dế gồm cỏ và rau sạch, tuyệt đối không có hóa chất.

Cũng theo anh Tuấn, có đợt hết nguồn rau sạch, trại dế mua tạm rau xanh ở chợ và dế đợt đó bệnh chết, chứng tỏ “tiêu chuẩn ăn sạch” của chúng còn nhạy hơn cả con người. Dế mua về sơ chế qua nhiều lần muối loãng, làm sạch, bảo quản lạnh và chế biến. Đa số vẫn là sấy khô thủ công, xay thành bột và tùy công thức sẽ chế biến thành bánh, snack dế, muối dế (thay cho muối mè), bột dế dinh dưỡng…

 

Thành viên của nhóm giới thiệu thực phẩm dinh dưỡng làm từ dế tại phiên chợ nông sản sạch do Viện Nghiên cứu Việt Anh tổ chức


Mở rộng thị trường quốc tế

Muốn sản phẩm được tiêu dùng rộng rãi, các thành viên trong nhóm chú tâm nghiên cứu kỹ thuật, công thức. Quá trình nghiên cứu cũng không đơn giản, kết hợp công nghệ hóa sinh, vi sinh đến hóa thực phẩm và tìm hiểu trong thịt dế có các hoạt chất nào, xử lý làm sao... để sản phẩm không gây dị ứng và không bị "nặng mùi". Công nghệ sấy dế thủ công hiện tại cần được đầu tư tiền tỉ, vì nếu sử dụng phương pháp sấy, xay bột thủ công tốn nhiều công sức dẫn đến giá thành đắt.

Kế đến là khâu thị trường, phản ứng ban đầu còn dè dặt vì ngại ăn món dế. Tuy nhiên, khi biết sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, lại ngon, nhiều người tò mò nếm thử và ưa thích. Hiện sản phẩm của nhóm còn bán cầm chừng trong nước nhưng thị trường Âu, Mỹ thì đặc biệt được ưa chuộng.

Bên cạnh việc nghiên cứu đa dạng sản phẩm, các thành viên đang nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật, Trung Quốc và châu Âu. Còn ở VN, họ chỉ dừng ở bánh dế, muối dế.

“Hiện tại, bánh dế đang được phát triển thành sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách nhân Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại Đà Nẵng. Chúng tôi tin rằng sản phẩm sẽ được ưa chuộng và lựa chọn bởi đây là thực phẩm an toàn từ nguyên liệu đến thành phần chế biến như dầu thực vật, dầu cọ, không có chất bảo quản…”, Chương tự tin giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm