(GLO)- Dù công việc bận rộn nhưng nhiều y-bác sĩ vẫn tình nguyện tham gia Đội khám-chữa bệnh lưu động trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai với mong muốn góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân nghèo. Sau 8 năm thành lập, Đội đã tổ chức gần 100 đợt khám-chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, mang lại niềm vui cho người dân nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mang niềm vui đến người nghèo vùng sâu
Ngày 14-5, 300 người dân ở xã Ia Băng (huyện Chư Prông) được Đội khám-chữa bệnh lưu động khám-chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Không chỉ vậy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn trao tặng 300 suất quà (152 ngàn đồng/suất) đến người dân khó khăn của xã. Chị Kpă HLơm (làng Klãh) phấn khởi nói: Gia đình tôi là hộ nghèo nên không có điều kiện chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Hôm nay có đoàn bác sĩ về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí còn được nhận quà nên rất phấn khởi!
Bác sĩ Cao Xuân Nam-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Đội trưởng Đội khám-chữa bệnh lưu động-cho biết: Đội hiện có 31 thành viên, trong đó có 15 bác sĩ. Các thành viên hầu hết đều công tác tại các đơn vị y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh nên công việc thường xuyên bận rộn nhưng mọi người vẫn dành thời gian tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng. “Trung bình một năm, đội thực hiện 10-12 đợt khám-chữa bệnh cho người dân nghèo, khó khăn, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Các đợt khám-chữa bệnh thường tổ chức vào ngày cuối tuần, mỗi đợt khám 300-500 người.
Bác sĩ Huỳnh Văn Phước thăm khám cho người dân xã Ia Băng (huyện Chư Prông). Ảnh: Như Nguyện |
Nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng
Tham gia Đội khám-chữa bệnh lưu động từ những ngày đầu hoạt động, bác sĩ Huỳnh Văn Phước-Trưởng khoa Khám-Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) chia sẻ: Qua công tác chuyên môn, tôi nhận thấy rất nhiều người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện thăm khám sức khỏe thường xuyên. Nhiều người chỉ đến bệnh viện khi bệnh trở nặng, nguy kịch. Mong muốn giúp người dân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu nên tôi tình nguyện tham gia Đội.
Với bác sĩ Lê Thị Mỹ Dung (Khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh), mỗi khi có đợt khám-chữa bệnh nhân đạo là chị đều tham gia. “Có nhiều buổi rất nhiều người đến để được thăm khám nên phải tổ chức khám từ sáng sớm cho tới 3 giờ chiều mới kết thúc, ai cũng vừa mệt vừa đói. Nhưng nhìn thấy người dân vui vẻ, phấn khởi khi được thăm khám sức khỏe là mọi mệt nhọc của chúng tôi tan biến”-bác sĩ Dung bộc bạch.
Tham gia Đội khám-chữa bệnh lưu động được 5 năm, bác sĩ Rơ Lan Thiêm-Phó Trưởng khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Chư Prông) cho biết: Những đợt khám-chữa bệnh nhân đạo rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các hộ nghèo, khó khăn, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi tình nguyện tham gia Đội vì thấy việc làm này hết sức ý nghĩa, giúp người nghèo được chăm sóc sức khỏe ban đầu và mang lại niềm vui cho mọi người. Vợ và con tôi cũng rất đồng tình, ủng hộ.
NHƯ NGUYỆN