Sức khỏe

Dinh dưỡng

Những thực phẩm người bệnh thận nên tránh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thận đóng vai trò như hệ thống lọc quan trọng của cơ thể, giúp loại bỏ chất thải và lượng nước dư thừa trong máu, đồng thời sản sinh ra nước tiểu.

Khi thận bị suy yếu và không lọc máu hiệu quả, bạn sẽ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như huyết áp cao, tiểu đường...

Dưới đây là một số nhóm thực phẩm mà người bệnh thận nên tránh, theo trang sức khỏe HealthShots (Ấn Độ).

Thận có vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe

Thận có vai trò vô cùng quan trọng với sức khỏe

Thực phẩm giàu natri

Natri là một thành phần quan trọng trong cơ thể, nhưng lượng natri dư thừa có thể gây hại cho người bệnh thận.

Theo nghiên cứu trên tạp chí International Journal of Molecular Sciences, khi thận yếu, chúng không thể điều chỉnh cân bằng natri, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như huyết áp cao, tích nước và phù nề.

Các loại thực phẩm giàu natri bao gồm: Thực phẩm đóng hộp, thịt nguội, khoai tây chiên, thức ăn nhanh,...

Thực phẩm nhiều phốt pho

Phốt pho là khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng lượng phốt pho dư thừa có thể gây hại cho người bệnh thận. Khi thận yếu, phốt pho không được bài tiết hiệu quả, dẫn đến các vấn đề về xương và tim mạch, bà Archana Batra, bác sĩ dinh dưỡng và vật lý trị liệu tại Ấn Độ, cho biết.

Các thực phẩm giàu phốt pho bao gồm các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa chua, phô mai,...), các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám, nước ngọt, cá mòi, trứng cá.

Thực phẩm giàu kali

Khi thận yếu, kali không được bài tiết hiệu quả, dẫn đến tích tụ trong máu, gây ra các vấn đề về tim.

Theo nghiên cứu trên Advances in Nutrition, một số thực phẩm giàu kali cần hạn chế bao gồm: Chuối, bơ, cam, cà chua, khoai tây, khoai lang.

Thực phẩm giàu protein

Protein là dưỡng chất thiết yếu cho giảm cân, xây dựng cơ bắp, xương,... Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều protein có thể gây áp lực cho thận, đặc biệt là đối với người mắc bệnh thận.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Society of Nephrology, chế độ ăn giàu protein lâu dài có thể gây ra tăng huyết áp và khiến bệnh thận nặng thêm.

Một số thực phẩm giàu protein cần lưu ý bao gồm thịt đỏ, trứng, sản phẩm từ sữa...

Thực phẩm chứa nhiều oxalate

"Oxalate là hợp chất tự nhiên có trong một số loại thực phẩm có thể góp phần hình thành sỏi thận, đặc biệt ở những người dễ bị sỏi thận oxalate", bà Batra nói.

Các thực phẩm giàu oxalate bao gồm cải bó xôi, củ dền, các loại hạt, sô cô la, rượu bia.

Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn, một số việc bạn có thể thực hiện để hỗ trợ điều trị bệnh thận bao gồm: Uống đủ nước; kiểm tra huyết áp thường xuyên; kiểm tra hàm lượng natri, kali và phốt pho trên nhãn thực phẩm; nấu ăn tại nhà; khám sức khỏe định kỳ...

Có thể bạn quan tâm