Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Những tiền đề cơ bản cho việc lập tỉnh Gia Lai năm 1932

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ sau khi Khâm sứ Trung Kỳ Léon Jules Pol Boulloche buộc triều đình Huế phải chấp nhận quyền bảo hộ trực tiếp của Pháp trên đất Tây Nguyên (ngày 16-10-1898), người Pháp bắt đầu tiến hành song song việc tổ chức bộ máy thực dân cùng các chính sách kinh tế nhằm khai thác thuộc địa trong suốt những năm đầu thế kỷ XX đã tạo ra những biến động mạnh mẽ về kinh tế-xã hội trên vùng đất Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, làm nên các tiền đề cơ bản cho việc ra đời của tỉnh vào ngày 24-5-1932.

Thiết lập Bộ máy hành chính thực dân

Ngay sau khi nắm được Tây Nguyên, việc tổ chức bộ máy cai trị đã được người Pháp quan tâm. Trong năm này, tòa Đại lý hành chính(1) Kon Tum, thuộc Hạ Lào đã được chính quyền thực dân thành lập và giao cho linh mục thừa sai Vialleton (cha Truyền ở vùng truyền giáo Kon Tum) cai quản. Tiếp đó là các đồn hành chính mọc lên trên khắp Tây Nguyên, mở đầu là sự ra đời của đồn hành chính Bản Đôn, trực thuộc tỉnh Stung Treng (Hạ Lào, ngày 31-1-1899). Ngày 2-11-1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập một đơn vị hành chính gọi là commissariat de Darlac (gần như một đơn vị hành chính cấp tỉnh, thuộc Lào) đặt trụ sở tại Buôn Ma Thuột thay thế cho đồn hành chính Bản Đôn.   

Năm 1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Darlak (từ đây viết là Đak Lak) ra khỏi Lào và đặt thành một tỉnh thuộc sự quản lý của Khâm sứ Trung Kỳ. Năm 1905, theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7, tỉnh Plei-Kou-Derr cũng được chính quyền thực dân thành lập ở vùng núi phía Tây tỉnh Bình Định, Phú Yên. Về tên của tỉnh, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn chép là Pleikou Đê Man. Trên thực tế, tỉnh này chưa đi vào hoạt động và đã bị bãi bỏ 2 năm sau đó theo Nghị định Toàn quyền ngày 25-4-1907.

 Đồi chè xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên
Đồi chè xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên



Tại Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 9-2-1913, thực dân Pháp lập tỉnh Công Tum (từ đây viết là Kon Tum) bao gồm gần như địa bàn các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông ngày nay (tỉnh Đak Lak từ một đơn vị cấp tỉnh bị hạ xuống cấp đại lý để nhập vào tỉnh Kon Tum). Mười năm sau, ngày 2-7-1923, tỉnh Đak Lak được lập lại. Đến năm 1932, đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo được tách ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Pleiku theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 24-5. Cuối năm này, ngày 12-12-1932, Vua Bảo Đại cũng ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai để quản lý bộ phận người Kinh trên địa bàn tỉnh Pleiku. Như vậy, về lý thuyết, đến lúc này, vùng đất Gia Lai được cai quản bởi hai 2 bộ máy: một bên là tòa Công sứ Pleiku cai quản người dân tộc thiểu số ở khu vực Pleiku, Cheo Reo; còn bên kia là dinh Quản đạo Gia Lai (của triều đình Huế) cai quản bộ phận người Kinh. Nhưng trên thực tế, mọi hoạt động của dinh Quản đạo Gia Lai đều không thể nằm ngoài sự kiểm soát của Tòa Công sứ Pleiku.

Hình thành đồn điền

Cùng với việc thiết lập bộ máy hành chính, trong lịch sử thuộc địa của Pháp, việc chiếm đoạt đất luôn là mục tiêu hàng đầu. Tiếp nối giai đoạn chinh phục bằng quân sự là giai đoạn khai thác tài nguyên đất đai. Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở khu vực Tây Nguyên chủ yếu cũng là chiếm đất đai lập đồn điền, bóc lột nhân công và sưu thuế. Ở Tây Nguyên, việc này thuận lợi hơn những vùng miền khác do chế độ sở hữu công cộng đất đai, núi rừng và uy quyền tuyệt đối của chủ làng.

Sau khi Toàn quyền Đông Dương chính thức ban hành nguyên tắc “Đất đai thuộc về công sản” theo Nghị định ngày 17-12-1923 để chiếm đoạt ruộng đất một cách hợp pháp, phong trào lập đồn điền ở Gia Lai trở nên sôi động: Năm 1924, Công ty Nông nghiệp Kon Tum (Société Agricole du Kontum) thành lập đồn điền Đak Đoa, Công ty Chè Đông Dương (Société des Thés de lIndochine, viết tắt là S.T.I.) thành lập đồn điền Biển Hồ. Năm 1925, Công ty Nông nghiệp chè và cà phê Kon Tum (Compagnie Agricole des Thés et Cafés de Kon Tum-Annam, viết tắt là CATECKA) thành lập đồn điền CATECKA (chè Bàu Cạn). Tư liệu về đồn điền của người Pháp được ông Nguyễn Quang Hiền sưu tầm và dịch (từ bản tiếng Pháp, nguồn Thư viện Đông Dương) cho biết: Đến năm 1933, các đồn điền chè: Đak Đoa (Agricole de Kontum), Biển Hồ (S.T.I) và Cầu Đất (Arbre de Broyé, nay thuộc tỉnh Lâm Đồng) được sáp nhập thành Công ty Các đồn điền chè Đông Dương (Plantations Indochinoises de Thé, viết tắt là P.I.T.).

Đến năm 1934, theo Niên giám trọn bộ về Đông Dương… do ông Nguyễn Quang Hiền sưu tầm và dịch cho biết: Lúc này, tỉnh Pleiku có các đồn điền, nhượng địa như: đồn điền CATECKA tức Bàu Cạn của Công ty Compagnie Agricole des Thés et Cafés Kon-tum: Giám đốc là Choisnel, phụ tá là Paul Delorme và P.U. Roethlisberger có tổng diện tích là 3.500 ha, trong đó đã trồng 700 ha chè. Đây là đồn điền phát triển nhanh và mang về lợi nhuận cao nhất; nhượng địa Chevalier (Consession Chevalier, tức đồn điền Hà Lòng): Giám đốc là Chevalier, địa chỉ tại cây số 153 quốc lộ 19, cách Pleiku 19 km có tổng diện tích là 245 ha, đã trồng 25 ha cà phê Arabica; đồn điền bà Lacroix-Sommé (chúng tôi chưa xác định được là đồn điền nào): Chủ sở hữu là bà Lacroix-Sommé và cô Pierga, quản lý là A.Galtier, cách Pleiku 20 km, có tổng diện tích là 110 ha, trong đó, diện tích đã trồng là 25 ha; đồn điền Mang-Giang (Plantation Mang-Giang, tức đồn điền Imatz): Giám đốc là Imatz, cách An Khê 40 km trên đường An Khê đi Mang-Giang, có tổng diện tích là 200 ha, trong đó, diện tích đã trồng là 133 ha; đồn điền Octave Jean Galtier (Plantation Octave Jean Galtier): Chủ sở hữu là Galtier, đồn điền nằm trên đường La-Ya-rinh (?) đi Pleiku, cách Pleiku 18 km, có tổng diện tích là 300 ha, diện tích đã trồng là 25 ha cà phê. Đồn điền này chăn nuôi 150 con trâu, bò; SAPKO Société Anonyme des Plantations du Kyodron (Ia Châm) là công ty nặc danh do ông Alain Chauvin làm Giám đốc, phụ tá là Ettienhuber, có tổng diện tích là 5.850 ha; Công ty Dân sự Đồn điền Kontum (Société Civile des Plantation du Kontum): Giám đốc là F. Génaud, cách Pleiku 27 km, có tổng diện tích là 500 ha, đã trồng 150 ha; Công ty đồn điền cà phê Hội Truyền Giáo Kontum (Sociéte des Plantation des cafés de la Mission de Kontum, tức đồn điền cố Hiển ở Hà Bầu): Giám đốc là Cố đạo Corompt; Công ty Các đồn điền chè Đông Dương (Plantations Indochinoises de Thé, P.I.T, tức đồn điền chè Biển Hồ và Đak Đoa): Giám đốc Jean Allavena, cách Pleiku 10 km, có tổng diện tích là 2.800 ha, diện tích đã trồng là 500 ha.

Xây dựng mạng lưới giao thông

Cùng với khuynh hướng của các tập đoàn tư bản Pháp ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới ở Đông Dương, vấn đề giao thông trên vùng đất này cũng trở nên cấp bách. Ngày 30-7-1923, Toàn quyền Pasquier có thông tư yêu cầu thiết lập đường sá ở cao nguyên.

Vì Cảng Quy Nhơn được chọn để xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh Kon Tum (lúc đó bao gồm cả Gia Lai) nên con đường chinh phục khu vực Bắc Tây Nguyên được xác định là con đường từ Quy Nhơn đi Kon Tum và Pleiku qua An Khê, nền đường dự kiến được mở rộng 8-9 m. Một con đường khác được cho là quan trọng đối với toàn vùng cũng được xác định là đường số 14. Theo cách phân loại của Pháp, đến năm 1933, Bắc Tây Nguyên có 3 con đường được xếp loại đường thuộc địa (route indigène) gồm: đường số 14, đoạn từ đầu tỉnh Buôn Ma Thuột lên tới Đak Tô (171 km); đường số 19 từ Bình Định lên Pleiku và đường số 19 bis (nay là quốc lộ 19D, từ Kon Dơng đi Trà Huỳnh) và một số đường bản xứ (nối các địa phương trong tỉnh) như: đường số 153 (nay là quốc lộ 25), đường số 188 (An Khê đi Cheo Reo) và một số đường nhỏ chưa có tên.

Sự ra đời của bộ máy cai trị các cấp cùng công cuộc khai thác thuộc địa trên cao nguyên Pleiku, đặc biệt là phong trào chiếm đất lập đồn điền sôi động của người Pháp, sự ra đời của hệ thống giao thông… đã tạo nên những chuyển biến quan trọng về kinh tế-xã hội của Gia Lai trong những thập niên đầu thế kỷ XX và là những tiền đề cơ bản cho việc thành lập tỉnh cách nay tròn 90 năm.

NGUYỄN KIM

------------------------

(1) Đại lý hành chính là cơ quan đại diện chính quyền thực dân Pháp cai trị một địa phương nhỏ hơn cấp tỉnh. Mỗi đại lý hành chính có một viên quan người Pháp cai trị.
 

Có thể bạn quan tâm