Kinh tế

Nông nghiệp

Những tỷ phú ở Pờ Tó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã xa rồi nỗi ám ảnh về một “hốc Pờ Tó” nghèo khó, cơ cực trăm bề. Xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) hôm nay đã có hàng chục chủ trang trại trồng mía, cây ăn quả và chăn nuôi cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Vươn lên từ nghèo khó
Nhìn căn nhà sàn bằng gỗ 3 tầng to rộng nằm sát đường Trường Sơn Đông của gia đình ông R’Ô Khen (thôn 1), ít ai nghĩ trước đây ông thuộc diện hộ nghèo. Ấy vậy mà có thời, gia đình ông nghèo đến mức tháng nào cũng có đến mấy ngày dân làng phải giúp gạo để có cái ăn. 
Ông Khen vốn là một giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo nên năm 2003 phải xin nghỉ việc về làm ruộng. Nhưng ruộng đất thì ít nên gia đình ông luôn thiếu ăn. Sau đó, nhờ cần cù lao động, nhanh nhạy tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật và biết tiết kiệm chi tiêu nên cuộc sống gia đình ông dần khá lên. Mỗi năm, ông dành dụm tiền để mở rộng sản xuất. Đến năm 2010, ông đã là nông dân sản xuất giỏi của xã, sở hữu 20 ha mía, 6 ha mì, 1,4 ha điều. Gia đình ông có 4 thành viên, mỗi tháng thu nhập bình quân hơn 12 triệu đồng/người.
Trang trại chuyên canh xoài để xuất khẩu rộng 9 ha của anh Bùi Đức Trung (bìa trái). Ảnh: T.Đ
Trang trại chuyên canh xoài để xuất khẩu rộng 9 ha của anh Bùi Đức Trung (bìa trái). Ảnh: T.Đ
Mấy năm gần đây, ngành mía đường lâm vào khủng hoảng, ông Khen tự chuyển đổi hầu hết diện tích mía sang trồng mì và điều nên thu nhập tăng lên, bình quân 24,3 triệu đồng/người/tháng. “Có được như ngày hôm nay là nhờ Nhà nước cho vay vốn và tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất”-ông Khen bày tỏ. 
Khi đã có của ăn của để, ông Khen không quên ơn bà con dân làng lúc trước đã nhường cơm sẻ áo giúp mình. Mỗi năm, ông cho 7-10 hộ nghèo mượn vốn để phát triển sản xuất, hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ với thu nhập 150-200.000 đồng/ngày.
Liên kết để làm ăn lớn
Anh Bùi Đức Trung (thôn 4) là một trong những thanh niên thế hệ mới làm giàu từ ruộng đất. Vợ chồng anh có trang trại rộng 9 ha chuyên canh xoài Úc và xoài Đài Loan, mỗi năm thu hoạch hơn 30 tấn quả. Anh cho biết: “Mình trồng xoài đã 4 năm. Lúc đầu là liên kết với các hộ có đất để trồng vì mình chỉ có 4 ha, sau đó thì thuê lại diện tích của họ để đảm bảo ổn định sản lượng cung cấp cho đối tác. Mình trồng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc nên chăm sóc khá kỹ lưỡng để trái xoài đạt kích cỡ bình quân 600 gram trở lên. Đến mùa thu hoạch, thương lái vào tận vườn để mua với giá ổn định 30.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của gia đình mình mỗi năm xấp xỉ 900 triệu đồng”.
Trang trại tổng hợp của ông Trần Trọng Tú. Ảnh: T.Đ
Trang trại tổng hợp của ông Trần Trọng Tú. Ảnh: T.Đ
Còn ông Trần Trọng Tú (thôn 5) lại nổi tiếng với trang trại tổng hợp gồm 1,5 ha dừa xiêm, 1 ha cây mủ trôm, 1 ha xoài và nuôi gà, dê, đà điểu. Trang trại gần suối, sẵn nước nên quanh năm luôn có trái cây để bán. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 500 triệu đồng.
Ở xã Pờ Tó hiện có 13 hộ sở hữu trang trại cây ăn quả với diện tích 5 ha trở lên. Ông Nguyễn Viết Chung-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: “Qua vận động, các hộ đã thống nhất cùng nhau thành lập Nông hội sản xuất cây ăn quả. Sắp tới, nông hội sẽ tổ chức ra mắt để bà con cùng hợp tác với nhau làm ăn lớn”. 
Cũng theo ông Chung, ở xã Pờ Tó, ngoài các trang trại trồng trọt hiện còn có nhiều trang trại chăn nuôi heo, bò quy mô lớn. Trong đó, có 5 trang trại bò quy mô trên 200 con và 13 trang trại heo. Đặc biệt, có 3 trang trại nuôi heo quy mô hơn 1.000 con/năm. 
TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm