Bạn đọc

Những vòng xoay kỳ thú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ xa xưa, hình như con người đã quan sát được một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, đó là hầu hết vòng xoay trong tự nhiên đều đi ngược chiều kim đồng hồ: Từ những cơn bão trên bầu trời bao la, những cơn lốc xoáy trên sa mạc bát ngát, dòng nước xoáy trên sông hồ mênh mông, đến tất cả sợi dây leo thực vật, những vòng xoắn của sừng linh dương… đều tuân theo một ý chí thần bí nào đó!
Một hình ảnh đặc sắc được người cổ xưa đúc kết cho hiện tượng trên là mặt trống đồng cổ. Ở đó, hình những con chim lạc, con hươu, con gà, hình người chiến binh đều di chuyển theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Có lẽ, đó là hình tượng đặc biệt kỳ bí không chỉ có trong thiên nhiên (vô sinh và hữu sinh) mà cả trong đời sống nhân sinh từ thượng cổ đã được con người để tâm ghi nhận.
Ngày nay, những vòng xoay huyền bí tưởng vô cùng xa xôi ấy lại vẫn đang hiện diện rất phổ biến trong sinh hoạt đời thường của những con người Tây Nguyên. Trong các lễ hội Tây Nguyên, dưới màn đêm mông lung ảo diệu, quanh những đống lửa rừng lung linh nhập nhòa hư thực, dòng người nắm tay nhau cùng những vòng xoang bất tận. Những vòng tròn vô tình mang con người đung đưa theo nhịp cồng chiêng và vần xoay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Những tay chiêng tay cồng tay trống cũng xoay vòng ngược chiều kim đồng hồ mà nhún nhảy mà gõ nhịp lâng lâng.
Trong nghi thức đâm trâu, con trâu được tròng cổ bằng một sợi dây rừng quàng vào cây cột gơng tâm điểm của cuộc hiến tế. Nó tạo thành một vòng tròn tự do, con trâu có thể chạy trong bán kính của sợi dây ấy; đa phần chạy ngược chiều kim đồng hồ. Người đâm tay cầm khiên, tay cầm giáo cùng nhảy tiến lui theo nhịp trống nhịp cồng chiêng, vẻ như lựa thế. Trâu và người cùng xoay, rồi bất ngờ mũi dáo phóng đâm vào nách trái con trâu. Phía ấy có trái tim trâu nằm trong lồng ngực. Phát đâm tài nghệ hạ gục ngay con trâu từ phát lao đầu tiên.
Người Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba thường ăn trâu trong lễ bỏ mả. Ảnh: Minh Châu
Người Jrai ở vùng hạ lưu sông Ba thường ăn trâu trong lễ bỏ mả. Ảnh: Minh Châu
Tương tự như vậy nơi một đám tang của người Tây Nguyên kéo dài mấy ngày đêm. Ở đó có khóc kể, có đút cơm thịt cho người chết, có “đốt” rất nhiều trâu bò; đặc biệt là heo, hàng chục hàng trăm con heo, dù là heo nhỏ tầm “một hai nắm”. Rồi uống rượu cần thâu ngày thâu đêm. Rồi đánh cồng chiêng, xoang vòng trong vòng ngoài. Những tay trống tay chiêng, những vòng xoang ấy cứ xoay quanh ngôi nhà của người chết, hết đêm này đêm khác. Tất cả vòng xoay ấy cũng không thể khác, cứ trôi theo một hướng, ngược chiều kim đồng hồ.
Trong đời sống hiện đại, có những vòng xoay quy ước theo ý chí con người thì lại khác. Như vòng xuyến giao thông ở những xứ theo tay lái thuận, luật quy định chạy ngược chiều kim đồng hồ. Đó cứ như một sự cưỡng bách khiên cưỡng với con người.
Chiều của trống đồng, chiều của vòng xoang trải hàng ngàn năm luôn chứa đựng những điều bí ẩn, rất đời thường mà vô cùng kỳ thú, vô cùng huyền diệu. Như sợi dây vô hình nối ngàn năm xa xưa đến giữa đời sống thường nhật của người Tây Nguyên.
PHẠM ĐỨC LONG
 

Có thể bạn quan tâm