Kinh tế

Nông nghiệp

Niềm tin gọi tên mắc ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 92 hộ dân làng Groi (thị trấn Kbang, huyện Kbang) vừa được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hỗ trợ giống, phân bón để trồng cây mắc ca. Đây được xem là cơ hội để các hộ từng bước chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống.   
 
Trước đây, khi xây dựng Thủy điện An Khê-Ka Nak, gần 100 ha đất sản xuất của người dân làng Groi bị thu hồi. Để giúp người dân làng Groi có đất sản xuất, UBND tỉnh đã cho phép huyện Kbang chuyển đổi 100 ha rừng nghèo tại tiểu khu 119 của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai để bố trí khu tái định canh cho người dân với định suất 1 ha/hộ. Có đất sản xuất nhưng những năm qua, người dân làng Groi chủ yếu trồng cây mì, lúa rẫy nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

 

Diện tích mắc ca trồng tại khu vực thị trấn Kbang (huyện Kbang) đã bắt đầu ra trái. Ảnh: L.N
Diện tích mắc ca trồng tại khu vực thị trấn Kbang (huyện Kbang) đã bắt đầu ra trái. Ảnh: L.N

Trước thực tế trên, UBND huyện phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hỗ trợ dân làng Groi trồng cây mắc ca với hy vọng giúp bà con phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Theo đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hỗ trợ cho người dân cây giống mắc ca để trồng xen trên diện tích 100 ha tại tiểu khu 119 (xã Sơ Pai, huyện Kbang) với mật độ 100 cây/ha, đồng thời hỗ trợ xây dựng trạm bơm điện để lấy nước tưới cây và phân bón 2 năm đầu.

Từ năm thứ 3 trở đi, người dân được vay vốn với lãi suất thấp của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để đầu tư tiếp, sau 5 năm mới thu hồi gốc và lãi. Đồng thời, Công ty cổ phần Liên Việt Gia Lai cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm mắc ca của người dân. Giá thu mua tối thiểu bằng 90% giá mắc ca được bán tại Úc (hiện khoảng 85.000 đồng/kg); trường hợp giá thị trường cao hơn, Công ty sẽ mua theo giá thị trường.

Với sự hỗ trợ và cam kết đó, chưa bao giờ người dân Kbang lại vững tin và kỳ vọng vào cây mắc ca như hiện nay. Ông Đinh Gươm (làng Groi, thị trấn Kbang) đang đào hố để trồng mắc ca vui vẻ cho hay: “Khi được Nhà nước giao 1 ha đất tại khu vực này, gia đình chủ yếu trồng lúa rẫy và cây mì. Mỗi năm thu hoạch được khoảng 20 bao lúa (chưa được 1 tấn lúa) thì chỉ đủ để ăn thôi. Nay được hỗ trợ trồng mắc ca, được thu mua sản phẩm với giá cao nên chúng tôi rất mừng”. Hộ ông Đinh Poi cũng đang đào hố trồng mắc ca xen trong vườn cà phê hào hứng: “Khi được cấp đất, gia đình tôi cũng như người dân trong làng đều trồng mì và một ít lúa rẫy để có gạo ăn.
Cách đây hơn 2 tháng, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng thử 500 cây cà phê. Giờ được Nhà nước hỗ trợ trồng cây mắc ca, tôi đem  trồng xen trong vườn cà phê của nhà. Hy vọng sau này cà phê và mắc ca cho thu nhập ổn định, giá trị cao”.

 

Từ năm 2011 đến nay, huyện Kbang đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng tiền giống cho người dân trên địa bàn các xã: Sơ Pai, Sơn Lang, Krong, Đak Rong, Lơ Ku, Nghĩa An, thị trấn Kbang trồng thí điểm cây mắc ca xen trong vườn cây cà phê.Tính đến cuối năm 2016, người dân đã trồng được hơn 113 ha cây mắc ca. Trong đó, xã Sơn Lang hơn 32 ha, Krong 13,6 ha, Đak Rong 39,4 ha, Sơ Pai 9,6 ha, Lơ Ku 2 ha, Đak Smar 1 ha, Nghĩa An 1 ha và thị trấn Kbang 13,7 ha. Huyện Kbang  phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích mắc ca đạt 600 ha theo quy hoạch được phê duyệt (50 ha trồng thuần và 550 ha trồng xen).

Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nhgiệp và PTNT huyện Kbang, cho biết: Theo kết quả làm việc giữa UBND huyện với đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai, Công ty cổ phần Liên Việt Gia Lai, việc triển khai trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện hiện đang tiến triển tốt. Các bên đã thống nhất hỗ trợ đầu tư và cam kết thu mua sản phẩm cho người dân. Chủ trương của huyện là trồng mắc ca theo hình thức xen canh nên chỉ trồng với mật độ 100 cây/ha. Do đó, người dân vẫn có thể canh tác cây ngắn ngày để có thêm thu nhập, ổn định lương thực trong thời gian cây mắc ca chưa cho thu hoạch. Huyện cũng sẽ tiếp tục  phối hợp với một số công ty để hỗ trợ người dân trồng xen cây dứa, khoai lang và bao tiêu sản phẩm để tăng thêm thu nhập cho người dân làng Groi.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm