Bạn đọc

Niềm vui mới trên đường về Khu 10

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, nhân dân xã Krong (huyện Kbang) rất phấn khởi khi cây cầu bắc qua sông Ba, nối liền đường bốn làng cách mạng đã hoàn thành. Từ nay, bà con không phải lội sông ra xã, giáo viên, học sinh cũng không phải băng ngang con nước để đến trường.

Cây cầu được khởi công vào tháng 6-2013, bằng nguồn vốn dự án tái thiết thiên tai của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng chiều dài cầu và đường hai bên cầu là 1.184 mét. Chỉ trong vòng 5 tháng thi công khẩn trương, cây cầu có chiều dài 60 mét, rộng 4 mét đã hoàn thành.
 

Cây cầu bắc qua sông Ba đem lại nhiều ý nghĩa cho nhân dân xã Krong. Ảnh: P.L
Cây cầu bắc qua sông Ba đem lại nhiều ý nghĩa cho nhân dân xã Krong. Ảnh: P.L

Cách trung tâm xã Krong khoảng 1 km, nằm khuất sau một cung đường dốc uốn lượn, cây cầu mới nằm vắt ngang sông vẫn còn nguyên màu mới của xi măng. Sông Ba mùa này nước chảy êm đềm, trong vắt, soi rõ cả bóng của vách núi xanh mát nơi dòng sông uốn mình trôi về phía hạ nguồn. Hai bên bờ sông là những bãi cát trắng xóa. Cây cầu mới nằm đó, vững chãi, hiện đại, như một chiếc lược cài lên mái tóc xanh mát của dòng sông.

Nhớ lại ngày chưa có cây cầu này, người dân làng Tăng Lăng, làng Tung, làng Gút, làng Pơ D’Răng mỗi lần muốn ra trung tâm xã đều phải lội qua sông, mọi phương tiện giao thông cũng không còn con đường nào khác để qua được phía bên kia bờ. Cũng vì vậy, đường vào khu căn cứ cách mạng cứ bị gián đoạn mãi. Giáo viên, học sinh mỗi ngày hai lần đi về ngang qua lòng sông đầy đá. Thế rồi, sau hai tháng nghỉ hè quay trở lại, đứng bên này bờ sông, họ như không tin nổi vào mắt mình khi thấy hình hài của chiếc cầu bắc qua sông đang dần được hoàn thiện.

Cô Nguyễn Thị Hiền Trang (27 tuổi)-giáo viên mẫu giáo điểm trường làng Gút vui mừng: “Tôi cũng như các đồng nghiệp của mình cảm thấy rất vui mừng khi cây cầu được xây dựng. Bên cạnh việc giúp chúng tôi đi lại dễ dàng thì cây cầu còn đóng góp không nhỏ trong việc giúp học sinh đồng bào thiểu số bám lớp, bám trường”. Chung niềm vui ấy, em Đinh Thị Nụ (ở làng Tăng Lăng, học sinh lớp 7, Trường THCS xã Krong) tâm sự: “Ngày chưa có cầu, tụi em phải lội sông đi học, có khi bị trượt ngã ướt hết quần áo, sách vở nên ngại đến trường lắm. Giờ có cây cầu rồi, đến trường cũng thấy vui hơn”.

Nhưng có lẽ vui mừng nhất chính là bà con tại bốn ngôi làng cách mạng nằm bên phía bờ Tây sông Ba. Khi trước, nông sản không thể vận chuyển ra đến xã vì đi lại khó khăn. Cũng vì vậy mà họ đành phải chịu cảnh bị thương lái ép giá. Cây cầu được xây dựng đã nối liền con đường giao thương của họ với bên ngoài cũng như nối đường lên nương rẫy của các làng bên này sông. Chị Đinh Thị Xoang (52 tuổi, làng Kdar) chia sẻ: “Bây giờ đường lên rẫy không còn phải lội ngang qua sông nữa, đi xe máy một chút là tới rồi nên mình vui lắm”.

Chung niềm phấn khởi với bà con, ông Ngụy Khắc Nông-Phó Chủ tịch UBND xã Krong tự hào: “Cây cầu được hoàn thành giúp cho bà con đi lại dễ dàng hơn, mở rộng trong việc giao lưu văn hóa, giao thương hàng hóa, học sinh đi học đều đặn, không bỏ học nhiều. Đặc biệt hơn, đường vào Khu 10 cuối cùng cũng được nối liền”.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Xuân Sửu-Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng cơ bản huyện Kbang cho biết: Đây là một trong những công trình trọng điểm của huyện Kbang trong năm nay với tổng vốn đầu tư 6,8 tỷ đồng. Cây cầu này có ý nghĩa to lớn cả về mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Từ giờ về sau, nhân dân không còn phải đối mặt với nguy hiểm khi phải lội qua sông nữa, đường về khu căn cứ cách mạng cũng đã liền một mạch...

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm