Pháp luật

Tin tức

Tư vấn pháp luật

Niêm yết công khai văn bản tố tụng phải lập biên bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chi L. hiện đang là cán bộ công tác tại phường Thống Nhất- TP.Pleiku thắc mắc: “Tôi thấy trong một vụ kiện dân sự, cán bộ TAND TP.Pleiku khi tống đạt giấy triệu tập nhưng đến nhà thấy bị đơn đi vắng người này này lại trực tiếp thực hiện việc niêm yết (dán) giấy triệu tập vào cửa. Vậy cách làm này có đúng không?”

Các văn bản tố tụng phải được cấp, tống đạt hoặc thông báo gồm: Bản án, quyết định của Toà án, đơn khởi kiện, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự, biên lai thu tiền tạm ứng án phí…

Niêm phong nhà (ảnh minh hoạ). Ảnh: Huỳnh Lê

Theo điều 154 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định:

1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp.

2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Toà án trực tiếp hoặc uỷ quyền cho UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo được thực hiện theo thủ tục sau đây:

a. Niêm yết bản chính tại trụ sở Toà án, UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

b. Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

c. Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.

Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Như vậy, nếu người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo khi niêm yết tại nhà đương sự có liên quan mà không lập biên bản là không đúng. Việc niêm yết không đúng nếu gây thiệt hại cho đương sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cá nhân đó phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Huỳnh Lê

Có thể bạn quan tâm