Bạn đọc

Nỗi lo đuối nước ngày hè

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những ngày giữa tháng 4, dồn dập các vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai khiến bất cứ ai cũng cảm thấy xót xa, đau lòng.
Đầu tiên là vụ đuối nước xảy ra sáng 14-4 tại tổ 10 (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Trong lúc rủ nhau ra hồ của gia đình em Hoàng Công Huân (7 tuổi, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, thị trấn Phú Túc) để câu cá, do trời nắng nóng, Nguyễn Anh Khôi (8 tuổi) và em ruột là Nguyễn Đăng Khôi (6 tuổi, cùng học Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phú Túc) đã cùng Huân xuống hồ tắm. Do cả 3 đều không biết bơi nên bị đuối nước. Khi những người dân xung quanh phát hiện và vớt lên, cả 3 em đều đã tử vong.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Trong lúc dư luận còn chưa hết bàng hoàng, xót xa về vụ đuối nước này thì ngày 20 và 22-4, liên tiếp 2 vụ đuối nước nữa lại xảy ra tại xã Ia Krai (huyện Ia Grai) và xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa) khiến 2 em nhỏ thiệt mạng. Nạn nhân là em Phạm Ngọc Minh (14 tuổi, trú tại thôn 2, xã Ia Krai, học sinh lớp 7, Trường THCS Phạm Hồng Thái) và em Ksor HƯn (4 tuổi, trú tại thôn Bầu, xã Ia Kdăm).
Trước đó, trong tháng 3, tại huyện Chư Sê và Mang Yang cũng xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 6 em học sinh thiệt mạng. Trong số này, thương tâm nhất là vụ đuối nước xảy ra tại làng Greo Pết (xã Dun, huyện Chư Sê) trưa 11-3 khiến 3 em: Siu Nội (7 tuổi, học sinh Trường Tiểu học và THCS Ngô Quyền), Siu Quyt và Siu Quy (2 anh em sinh đôi năm 2014, học sinh Trường Mẫu giáo Bằng Lăng) tử vong.
Những vụ đuối nước thương tâm liên quan đến trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian qua ở tỉnh ta đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của mỗi gia đình với con em mình, trách nhiệm của nhà trường với học sinh và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em. Bởi lẽ, nhìn vào thực tế những vụ tai nạn đuối nước xảy ra trong thời gian qua có thể thấy, nếu các gia đình quan tâm quản lý tốt hơn con cái mình, không để các em vô tư ra sông suối, ao hồ chơi đùa, tắm táp ngay cả khi không biết bơi; nếu các nhà trường quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục, trang bị kỹ năng sống, nhất là kỹ năng bơi lội, hướng dẫn, dặn dò học sinh biết cách tránh xa những khu vực nguy hiểm đối với bản thân; nếu các cấp chính quyền, ngành chức năng địa phương quan tâm rà soát những địa điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước rồi làm rào chắn, đặt biển cảnh báo… thì những vụ việc đau lòng như trên có thể đã không xảy ra. 
Tất nhiên, không phải gia đình, nhà trường, địa phương nào cũng thiếu trách nhiệm như vậy. Nhưng thực tế là sự quan tâm của nhiều gia đình, nhiều nhà trường, nhiều địa phương, nhiều ngành chức năng đối với công tác bảo vệ trẻ em vẫn chưa được coi trọng đúng mức hoặc còn thiếu hiệu quả. Bởi thế nên, 2 năm qua, dù tỉnh ta đã triển khai thực hiện Chương trình phòng-chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2017-2020 với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhưng số vụ tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn vẫn xảy ra rất nhiều, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Tại hội nghị đánh giá kết quả 2 năm (2017-2018) thực hiện chương trình này do Ban chỉ đạo công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh tổ chức ngày 17-4 vừa qua, một con số được đưa ra khiến dư luận phải giật mình, đau xót. Cụ thể, trong năm 2017 và 2018, toàn tỉnh có 189 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 145 trẻ em tử vong do đuối nước. Tức là ở tỉnh ta, cứ trung bình 5 ngày lại có 1 trẻ em tử vong do đuối nước. Thật kinh hoàng!
Mùa hè đang đến rất gần. Đây là quãng thời gian thường xảy ra nhiều vụ đuối nước nhất trong năm bởi các em học sinh được nghỉ học nhưng do thiếu những sân chơi lành mạnh, thiếu sự quản lý, giám sát thường xuyên của cha mẹ nên thường rủ nhau ra sông suối, ao hồ vui chơi, tắm táp. Và khi mà kỹ năng bơi lội không có, những địa điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước vẫn chưa được chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm làm rào chắn, đặt biển cảnh báo thì ai cũng hiểu hậu quả nào sẽ xảy ra. Nỗi lo đuối nước mùa hè chính là vì thế.
THÙY CHI

Có thể bạn quan tâm