Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Nỗi lo thuốc giả tràn lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu tòa bỏ qua tội “kinh doanh hàng giả” thì tới đây thuốc Tây giả sẽ tung hoành, vì điều luật xử lý hành vi kinh doanh thuốc giả đã bị vô hiệu hóa, không ai còn sợ gì nữa.

Bản án mà Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên đối với các lãnh đạo Công ty cổ phần VN Pharma đã gặp phải sự phản đối dữ dội của dư luận, chỉ vì tòa đã tuyên tội danh “buôn lậu” chứ không phải tội “kinh doanh hàng giả” hay “bán thuốc Tây giả”.

 

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Internet

Thông tin vụ việc có lẽ không cần nhắc lại, ở đây chỉ nêu những điểm mấu chốt để bạn đọc có cái nhìn toàn cục: Năm 2013, Công ty cổ phần VN Pharma lập hồ sơ xin nhập 200.000 hộp thuốc chống ung thư H-Capita Tablet từ Công ty Helix Pharmaceuticals, Canada. Bộ hồ sơ xin phép được Công ty cổ phần VN Pharma làm giả nhưng vẫn được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép. Công ty cổ phần VN Pharma nhập về 9.300 hộp.

Sau đó, Cơ quan Điều tra phát hiện, công ty sản xuất thuốc ở Canada có địa chỉ “ma”, bởi không hề tìm thấy. Cùng với đó, Bộ Y tế đã phát hiện thành phần chất lượng lô thuốc không đúng như hồ sơ đăng ký. Năm 2014, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Các lãnh đạo Công ty cổ phần VN Pharma bị bắt.

Theo giới phân tích, hành vi bán sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, không có dược chất kháng bệnh là kinh doanh hàng giả. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc từ nước ngoài về, chỉ bán hàng với hồ sơ giả nên tuyên tội danh “buôn lậu”. Dư luận không phải là không có lý khi chính Bộ Y tế giám định lô thuốc cũng đã kết luận là “lô thuốc H-Capita chứa 97% hoạt chất capecitabine-là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Kết luận này đã cho thấy rõ đây là thuốc giả.

Bản án của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Bởi với tội danh “buôn lậu”, chỉ có các lãnh đạo Công ty cổ phần VN Pharma bị tù; còn nếu tuyên tội “kinh doanh hàng giả” thì ngoài việc khung hình phạt có thể lên đến tử hình, sẽ có hàng loạt cán bộ lãnh đạo ở Bộ Y tế (mà chủ công là Cục Quản lý Dược) sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã ký cấp giấy phép cho Công ty cổ phần VN Pharma kinh doanh thuốc Tây giả. Người ta lo sợ bởi từ khi thành lập năm 2011, Công ty cổ phần VN Pharma đã cung cấp hàng loạt thuốc không đúng tiêu chuẩn đăng ký (có thể nói là thuốc giả) cho khắp các nhà thuốc, bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, năm 2014, Cục quản lý Dược đã có Quyết định số 522 rút số đăng ký lưu hành 7 loại thuốc do Công ty cổ phần VN Pharma cung cấp. Lý do thu hồi là “hồ sơ dữ liệu thông tin của thuốc không đúng với thực tế sản xuất”. Toàn bộ số thuốc này cũng được khai là nhập của chính công ty “ma” kia, khiến người ta tiếp tục nghi ngờ đây cũng là thuốc giả.

Đáng chú ý, tại tòa, người của Công ty cổ phần VN Pharma khai, họ đã phải chung chi, hối lộ, nhờ bác sĩ kê toa và trả “hoa hồng” lên đến 7 tỷ đồng (còn cơ quan điều tra cho rằng số tiền này lên đến cả trăm tỷ đồng) để đưa thuốc vào bệnh viện. Cụm từ “hoa hồng máu” xuất hiện từ đây và có thể sẽ đi vào tiếng Việt như một thành ngữ mới.

Chính các chuyên gia trong giới y học như Giáo sư Phạm Khánh Phong Lan-nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng bản án đã tuyên sai tội danh. Giáo sư Lan không ngần ngại nêu nghi vấn của mình là có sự bao che, dung túng hoặc có lợi ích ngầm, lợi ích nhóm.

Có lẽ, trước phản ứng dữ dội có thể nói là thành một làn sóng trên toàn quốc, sẽ phải có một phiên tòa xem xét lại vụ án. Bởi theo phán quyết như hiện tại của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, sắp đến đây người ta không sợ gì mà không kinh doanh thuốc Tây giả. Kinh doanh thuốc Tây đã một vốn bốn lời thì kinh doanh thuốc Tây giả lợi nhuận không kém ma túy. Nếu luật hình không nghiêm thì lòng tham nào không trỗi dậy?

Đặng Vỹ

Có thể bạn quan tâm